banner2019
 
Chủ nhật, ngày 28 tháng 04 năm 2024
Chủ nhật, ngày 28 tháng 04 năm 2024
Công đoàn Công Thương Việt Nam đề xuất tới Đại hội 4 vấn đề về công tác đối ngoại
Cập nhật lúc 09:26 ngày 02/12/2023
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 – 2028 diễn ra từ ngày 1-3/12. Đoàn đại biểu ngành Công Thương tham dự Đại hội gồm 14 công đoàn viên tiêu biểu.
Tại Đại hội lần này, Công đoàn Công Thương Việt Nam có bài tham luận với chủ đề “Tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao năng lực thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động”.
Đoàn đại biểu ngành Công Thương tham dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam
Hợp tác với trên 30 công đoàn ngành các nước và tổ chức quốc tế
Công đoàn Công Thương Việt Nam trực tiếp quản lý 15 công đoàn cấp trên cơ sở, với 502 công đoàn cơ sở; phối hợp quản lý 20 công đoàn ngành Công Thương tỉnh, thành phố... Hiện nay, Công đoàn Công Thương Việt Nam có quan hệ hợp tác với trên 30 công đoàn ngành các nước và tổ chức quốc tế.
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và đất nước đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, hoạt động đối ngoại của Công đoàn Công Thương Việt Nam luôn bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn, trọng tâm là Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 05/01/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết 15/NQ-BCH ngày 11/02/2022 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về “Công tác đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Công đoàn Công Thương Việt Nam có quan hệ hợp tác với trên 30 công đoàn ngành các nước và tổ chức quốc tế
Hoạt động đối ngoại luôn hướng tới việc nâng cao tính hiệu quả trong các hoạt động hợp tác quốc tế, vừa góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Công đoàn Việt Nam trên trường quốc tế, vừa tiếp thu có chọn lọc tri thức, kinh nghiệm tốt của công đoàn các nước và quốc tế, góp phần đáp ứng yêu cầu của hoạt động công đoàn hiện nay, nâng cao năng lực thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Hàng năm, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã xây dựng kế hoạch đối ngoại theo chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm; bảo đảm sự lãnh đạo, quản lý tập trung, thống nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại và đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể: Về đối ngoại song phương, trong giai đoạn 2018 - 2023, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tổ chức 38 đoàn ra; đón 13 đoàn vào; phối hợp tổ chức 25 hội nghị, hội thảo quốc tế; cử hàng trăm lượt cán bộ tham dự các hội nghị, hội thảo, tập huấn do các đối tác quốc tế tổ chức ở cả trong và ngoài nước, hội nghị, hội thảo, tập huấn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đối tác tổ chức… Trong đó phải kể đến hoạt động song phương với Công đoàn Kim khí Phlenđơ Bỉ; Công đoàn Kim khí Nhật Bản, Hàn Quốc; Công đoàn Công nghiệp Thực phẩm Ai Cập…
Về đối ngoại đa phương: Công đoàn Công Thương Việt Nam là một trong những thành viên đầu tiên của tổ chức Công đoàn Công nghiệp và Sản xuất Toàn cầu (IndustriALL). IndustriALL là công đoàn ngành toàn cầu có số lượng đoàn viên lớn nhất trên thế giới hiện nay. IndustriALL đại diện cho 50 triệu lao động tại 140 quốc gia hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, năng lượng và khai khoáng…
Là thành viên, Công đoàn Công Thương Việt Nam nhận được nhiều lời mời tham dự các sự kiện do IndustriALL tổ chức. Tuy nhiên, do yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả, Công đoàn Công Thương Việt Nam chỉ chọn lọc tham dự các sự kiện quan trọng, các sự kiện có chuyên đề phù hợp với các nội dung ưu tiên như: Đại hội của IndustriALL và các hoạt động quan trọng cấp khu vực, một số hội nghị, hội thảo chuyên đề cấp khu vực.
Công đoàn Công Thương Việt Nam đã chủ động tham gia, phát huy sáng kiến, phối hợp với IndustriALL tổ chức thành công 12 hội thảo, hội nghị, tập huấn quốc tế, tiêu biểu là sáng kiến tổ chức Hội nghị ban chấp hành toàn cầu ngành Điện, Điện tử và CNTT của IndustriALL vào tháng 5/2023. Hội nghị đã thảo luận các xu hướng của ngành trên toàn cầu, đưa ra các chiến lược phát triển đoàn viên và thúc đẩy chính sách công nghiệp bền vững trong ngành. Qua đó, khẳng định vai trò của Công đoàn Công Thương Việt Nam trong IndustriALL, tổ chức công đoàn ngành toàn cầu có vị thế hàng đầu trên thế giới.
Trong giai đoạn 2018 - 2023, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tổ chức 38 đoàn ra; đón 13 đoàn vào
Bên cạnh đó, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã phối hợp với một số tổ chức quốc tế tiếp thu, truyền tải thông tin liên quan đến những vấn đề mới, những kỹ năng chuyên sâu tới cán bộ Công đoàn Việt Nam, như phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khu vực tập huấn nội dung Chuyển dịch công bằng cho cán bộ công đoàn ngành hóa chất; chương trình phối hợp với Tổ chức Nhân dân Úc vì Y tế, Giáo dục và phát triển Hải ngoại và Viện FES Đức về công tác an toàn vệ sinh lao động, công tác thương lượng, tư vấn pháp luật…
Thông qua các hoạt động đối ngoại đã góp phần nâng cao năng lực của cán bộ Công đoàn Công Thương Việt Nam trong thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; góp phần nâng cao uy tín của Công đoàn Công Thương Việt Nam nói riêng và Công đoàn Việt Nam nói chung; củng cố tình đoàn kết, hữu nghị với người lao động và nhân dân các nước.
Bốn kiến nghị của Công đoàn Công Thương Việt Nam tới Đại hội
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, lãnh đạo Công đoàn Công Thương Việt Nam cũng chia sẻ quá trình triển khai hoạt động đối ngoại vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là:
Một số đơn vị, cá nhân lãnh đạo chưa quan tâm nội dung hoạt động đối ngoại, coi công tác đối ngoại đơn giản chỉ là giao lưu, gặp gỡ…; công tác thông tin đối ngoại và hoạt động nghiên cứu chưa được quan tâm, triển khai thường xuyên. Chất lượng một số chương trình hợp tác chưa sát với thực tế, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Vấn đề nhân lực phục vụ công tác đối ngoại còn nhiều bất cập. Các công đoàn ngành không có bộ máy làm công tác đối ngoại chuyên trách, hầu hết là kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm, không được tập huấn chuyên sâu, năng lực ngoại ngữ hạn chế; nguồn lực cho hoạt động đối ngoại của công đoàn ngành còn hạn chế.
Đoàn đại biểu ngành Công Thương tham gia tổ thảo luận số 9
Để hoạt động đối ngoại công đoàn thực hiện hiệu quả, Công đoàn Công Thương Việt Nam đề xuất:
Thứ nhất, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan liên quan tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ Công đoàn Công Thương Việt Nam tổ chức thực hiện các hoạt động đối ngoại trong thời gian tới; trong đó quan tâm ủng hộ phát huy hiệu quả sự tham gia của Công đoàn Công Thương Việt Nam vào các tổ chức công đoàn quốc tế và khu vực có vai trò, tiếng nói và tầm ảnh hưởng trong phong trào công đoàn thế giới, mở rộng quan hệ với đối tác nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các chính sách của Việt Nam nói chung, hoạt động Công đoàn Việt Nam nói riêng.
Thứ hai, đề nghị Ban Đối ngoại Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại của Công đoàn Công Thương Việt Nam nâng cao trình độ ngoại ngữ, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ đối ngoại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tạo điều kiện để cán bộ làm công tác đối ngoại được học tập, trải nghiệm trong môi trường quốc tế.
Thứ ba, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục quan tâm tổ chức các lớp tập huấn để quán triệt nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và định hướng của Tổng Liên đoàn; nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đối ngoại để vận động, khai thác, sử dụng hiệu quả, đúng quy định nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của quốc tế;
Đoàn đại biểu ngành Công Thương tham dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam
Thứ tư, đảm bảo nguồn lực tài chính công đoàn để chủ động triển khai các hoạt động đối ngoại theo kế hoạch hằng năm, thực hiện trách nhiệm thành viên đối với công đoàn quốc tế, tham dự các hoạt động quốc tế và khu vực khi cần thiết.
Nhiều nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế trong thời gian tới, bám sát tinh thần của Chỉ thị 12-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết 15/NQ-BCH của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn, Công đoàn Công Thương Việt Nam xác định một số phương hướng, nhiệm vụ:
Đối với quan hệ song phương: Tiếp tục củng cố và phát huy mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với các đối tác đã thiết lập quan hệ, chú trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với đối tác các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước có vai trò quan trọng trong các tổ chức công đoàn quốc tế.
Với quan hệ đa phương: Chủ động tham gia, tích cực phát huy vai trò, sáng kiến tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là IndustriALL; Thông qua hoạt động đối ngoại đa phương, góp phần nâng cao điều kiện làm việc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động, nhất là tại các chuỗi cung ứng của những tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tiếp tục vận động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của quốc tế về tài chính và kỹ thuật để phục vụ đổi mới mô hình, nội dung, phương thức hoạt động của các cấp công đoàn, vì lợi ích đoàn viên, người lao động, vì sự phát triển của tổ chức; đảm bảo nguồn tài chính để tham gia các hoạt động quốc tế.
Công đoàn Công Thương Việt Nam chú trọng đẩy mạnh quan hệ đối ngoại công đoàn
Đồng thời kiện toàn, củng cố và phát triển bộ máy cán bộ làm công tác đối ngoại, đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách có phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn… đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đối ngoại. Đặc biệt là nghiên cứu kỹ, chuẩn bị nguồn lực, hướng tới tham gia vào cơ cấu lãnh đạo của các tổ chức công đoàn quốc tế.
Thanh Tâm (nguồn: congthuong.vn)