banner2019
 
Thứ tư, ngày 22 tháng 01 năm 2025
Thứ tư, ngày 22 tháng 01 năm 2025
Nâng cao vị thế và uy tín của tổ chức công đoàn
Cập nhật lúc 04:00 ngày 14/02/2015

Năm 2015 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước: Kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng, 70 năm Cách mạng tháng Tám, 40 năm thống nhất đất nước, 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh… Năm 2015 còn được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thử thách đặc biệt là khi Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Phong trào CNVC-LĐ và tổ chức CĐ phải làm gì trong bối cảnh đó? Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch TLĐLĐVN đã trả lời phỏng vấn của Bản tin Công đoàn Công Thương.

PV: Thưa Chủ tịch, trên cương vị lãnh đạo cao nhất của tổ chức công đoàn Việt Nam, đồng chí đánh giá như thế nào về phong trào CNVC-LĐ và hoạt động công đoàn sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI CĐVN?

Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng: Năm 2014, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu. Song, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, giai cấp công nhân Việt Nam, nước ta đã đạt được phần lớn các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra, tăng trưởng kinh tế (GDP) ước đạt 5,93%; tái cơ cấu kinh tế và thực hiện các đột phá chiến lược bước đầu đạt kết quả tích cực; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. an toàn giao thông, thiên tai, dịch bệnh, tệ nạn xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm... chưa đạt yêu cầu. Tình hình trên đã tác động trực tiếp đến công nhân, viên chức, lao động và hoạt động của tổ chức Công đoàn. 

Năm 2014 cũng là năm đầu tiên các cấp Công đoàn triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI. Nhiều nơi chủ động xây dựng chương trình hành động và kế hoạch cụ thể trong từng năm và cả nhiệm kỳ để thực hiện các nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và 4 chương trình quan trọng mà Đại hội đã thông qua. Có thể nói trong hơn 1 năm qua, hoạt động công đoàn cơ bản đáp ứng được nguyện vọng của đoàn viên, CNVCLĐ. Đồng hành cùng với CNVCLĐ cả nước, các cấp công đoàn đã chủ động nắm bắt tình hình quan hệ lao động, tham gia kịp thời với Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành và các cấp chính quyền trong công tác tham gia xây dựng các văn bản pháp luật quan trọng như: Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động và các Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động và Luật Công đoàn; Chủ động tham gia với người sử dụng lao động thực hiện chính sách tiền lương, thu nhập cho người lao động; Tham gia tích cực trong Hội đồng tiền lương để đề xuất tiền lương tối thiểu vùng năm 2015 phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động; Công tác đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể đã có những bước chuyển biến tích cực, nội dung các bản thỏa ước mang lại nhiều quyền lợi cao hơn qui định của pháp luật cho người lao động; Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý đã có nhiều hoạt động và giải pháp tích cực giúp người lao động hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật; các Trung tâm, Văn phòng tư vấn pháp luật đã chú trọng công tác đại diện và bảo vệ người lao động và đoàn viên công đoàn tại Tòa án, khôi phục lại nhiều quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động; Các cấp công đoàn đã nhanh nhạy, xử lý và giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp lao động ngừng việc tập thể; công tác an toàn vệ sinh lao động được chú trọng từ đó hạn chế tới mức thấp nhất tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp. Hoạt động “Tháng Công nhân” diễn ra song song với các hoạt động chào mừng kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam đã góp phần khẳng định thêm vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn trong hệ thống  chính trị và trong lòng mỗi người dân. Công tác phát triển đoàn viên, xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh đã được đổi mới với nhiều cách làm mới; các phong trào thi đua đã thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vị thế và uy tín của công đoàn trong xã hội được củng cố và khẳng định. Công đoàn đã thật sự là chỗ dựa tin cậy của người lao động. Tiếng nói của tổ chức công đoàn ngày càng có giá trị và được tôn trọng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội và đời sống. Các hoạt động xã hội từ thiện đã được các cấp Công đoàn quan tâm, thực hiện có hiệu quả, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Đặc biệt, vào tháng 5/2014, trước những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng biển của Việt Nam, vi phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa hai nước, người lao động đã tuần hành biểu thị lòng yêu nước, tổ chức công đoàn đã kịp thời kêu gọi, tuyên truyền, vận động người lao động biểu thị lòng yêu nước theo đúng quy định của pháp luật, không để những kẻ xấu lợi dụng tình hình gây mất ổn định kinh tế, chính trị của chúng ta. \\\


PV: Thưa Chủ tịch, Việt Nam đang trong quá trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo đồng chí thách thức nào sẽ đặt ra đối với hoạt động công đoàn khi Việt Nam chính thức tham gia hiệp định?

Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng: Những thách thức đặt ra đối với phong trào công nhân và hoạt động công đoàn khi Việt Nam chính thức gia nhập TPP là: 

Một là: gia nhập TPP sẽ tác động trực tiếp tới vấn đề việc làm, tiền lương, thu nhập của người lao động. Bởi lẽ, các nước đang tham gia đàm phán TPP là các đối tác thương mại và đầu tư lớn ở Việt Nam. Hiệp định này một khi được ký kết sẽ tác động toàn diện tới tất cả các ngành, các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp, qua đó tác động trực tiếp tới người lao động.

+ Về việc làm: TPP tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động ở một số ngành, lĩnh vực, như: may mặc, giầy da, thủy hải sản, lắp ráp điện tử.... Bên cạnh đó, cũng sẽ có không ít ngành, lĩnh vực nước ta chịu sức ép cạnh tranh, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nguy cơ giảm việc làm, như: dịch vụ, thương mại, sản xuất hàng hóa đòi hỏi công nghệ cao... 

+ Về tiền lương, thu nhập: Gia nhập TPP vừa là đòi hỏi vừa là động lực để chúng ta thay đổi cơ cấu đầu tư, chuyển dịch nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản lý và sản suất, kinh doanh. Trong xu thế hội nhập và chiều hướng phát triển hiện nay, khi gia nhập TPP, về tầm nhìn lâu dài và tổng thể, dự báo tiền lương và thu nhập của người lao động sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, để cải thiện tiền lương và thu nhập đòi hỏi chúng ta phải nâng cao chất lượng nhân lực và năng xuất lao động.

+ Về an sinh xã hội: TPP tạo nhiều cơ hội và cả thách thức đối với bảo đảm việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới dịch chuyển lao động, hỗ trợ việc làm, bảo đảm việc làm và các vấn đề xã hội của người lao động sau khi chấm dứt quan hệ việc làm. Do đó, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội là vấn đề rất cần được quan tâm.

Hai là: gia nhập TPP cũng có tác động tới tổ chức và hoạt động công đoàn, chủ yếu liên quan tới vấn đề thực thi các nguyên tắc cơ bản của ILO. Trong các văn bản quốc tế thì nội dung về công đoàn nằm trong nhóm vấn đề về lao động nên gọi chung là những vấn đề về lao động. Nhưng trong bối cảnh của Việt Nam là vấn đề cần giải quyết là lao động và công đoàn, chứ không chỉ là lao động thuần túy. 

+ TPP đặt ra yêu cầu thực hiện cam kết đối với các nguyên tắc trong Tuyên ngôn của ILO về các quyền và nguyên tắc cơ bản trong lao động. Nó tác động đến việc sửa đổi chính sách, pháp luật và thực tiễn về lao động phù hợp với cam kết quốc tế.

+ TPP tác động trực tiếp tới vấn đề thành lập, tổ chức và hoạt động công đoàn ở Việt Nam. Theo ý kiến một số chuyên gia, vấn đề hiệp hội và công đoàn là vấn đề mà Việt Nam cần cân nhắc kỹ lưỡng khi đàm phán, ký kết TPP. Tuy nhiên, các quy định này không phải là vấn đề mới, đã được ILO thực thi và ghi nhận trong các văn kiện của mình, tiêu biểu là Công ước số 87 và Công ước số 98.

+ Trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là gia nhập TPP, đòi hỏi tổ chức Công đoàn Việt Nam phải đặc biệt chú trọng đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn; phải bám sát vì người lao động và thực sự là chỗ dựa của người lao động, bảo vệ có hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tăng cường đối thoại thiện chí, thương lượng tập thể thực chất và thực hiện sự tương tác hiệu quả ba bên.

Những tác động, cùng với các cơ hội, thách thức đối với lao động - công đoàn ở Việt Nam khi gia nhập TPP là cơ hội và cũng là đòi hỏi tổ chức Công đoàn Việt Nam cần có giải pháp giữ vững vị thế, thực hiện tốt hơn nữa chức năng, vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

PV: Vậy năm 2015 phong trào CNVC-LĐ và hoạt động công đoàn cần tập trung vào những nội dung gì, thưa Chủ tịch?

Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng: Phát huy truyền thống và những thành tích đã đạt được, để triển khai có hiệu quả Nghị quyết đại hội XI Công đoàn Việt Nam và Kết luận 79-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20, Hội nghị lần thứ 6 BCH TW Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước”. Phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về giai cấp công nhân, về truyền thống tốt đẹp, về chính sách pháp luật, nâng cao trình độ văn hoá chuyên môn và tay nghề, góp phần xây dựng đội ngũ CNVCLĐ không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua việc xây dựng và thực hiện tốt nội quy lao động, ký kết và thực hiện có hiệu quả thoả ước lao động tập thể, tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Thường xuyên chăm lo đời sống việc làm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, hạn chế thấp nhất tranh chấp lao động dẫn đến đình công, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp. Các cấp công đoàn cần tham gia tích cực vào công tác tái cấu trúc và cổ phần hóa doanh nghiêp theo chỉ đạo của Chính phủ để từ đó bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Năm 2015 là năm diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng, Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IX. Các cấp Công đoàn cần tổ chức tốt các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị đã đề ra. Các cấp công đoàn cần tiếp tục chăm lo phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức vững mạnh, thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sát với yêu cầu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, sát với cơ sở, đáp ứng nguyện vọng thiết thân của người lao động. Thông qua hoạt động công đoàn và phong trào công nhân viên chức lao động, xây dựng được nhiều cá nhân và tập thể điển hình tiên tiến, giới thiệu được nhiều đoàn viên ưu tú để Đảng xem xét kết nạp. 

Trân trọng cám ơn Chủ tịch. 

Thực hiện: HG