banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Quyền xã hội của người lao động thực tiễn và giải pháp
Cập nhật lúc 09:06 ngày 01/12/2014
Theo các nhà lập pháp Việt Nam: “Các quyền về xã hội của con người trực tiếp liên quan tới những sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người, từ ăn, ở, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí đến những hưởng thụ hạnh phúc gia đình, riêng tư, chúng góp phần quan trọng vào sự hình thành và phát triển nhân cách con người, tính nhân đạo, nhân văn của con người”. Các quyền đó có thể giới hạn theo các nội dung: Quyền có việc làm để bảo đảm cuộc sống; quyền nghỉ ngơi; quyền thành lập và tham gia hoạt động công đoàn; quyền được bảo đảm an sinh xã hội và chăm sóc sức khoẻ; quyền bình đẳng giới, sức khoẻ sinh sản; quyền có chỗ ở hợp pháp; quyền được hưởng các chế độ chính sách với các đối tượng yếu thế theo quy định.


Những bất cập trong việc thực hiện quyền xã hội của người lao động

Trong quá trình thực hiện quyền xã hội của người lao động, vai trò của Nhà nước, của Công đoàn đã được phát huy có hiệu quả. Các quy định của pháp luật và văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện những nội dung liên quan đến nhóm quyền này, đã từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên, một số quyền xã hội của người lao động chưa được đảm bảo đầy đủ. Đó là:

- Vai trò của Nhà nước trong tạo việc làm và bảo đảm việc làm cho người lao động còn hạn chế. Số liệu từ Bộ LĐTB&XH cho biết số lao động thất nghiệp năm 2011 là 1.046 nghìn người; năm 2012 là 930 nghìn người; năm 2013 là 910 nghìn người, trong đó trên 72 nghìn người có trình độ cử nhân, thạc sỹ.

- Tiền lương của người động còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn. Theo kết quả khảo sát của Viện CNCĐ  mức lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp năm 2014 mới chỉ bảo đảm khoảng  68 - 77% mức sống tối thiểu của người lao động tuỳ theo từng vùng.

- Số người lao động hưởng lương tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp. Theo số liệu Điều tra Lao động – Việc làm của Bộ LĐTB&XH năm 2013 cho biết, lao động hưởng lương là 18 triệu, trong đó số lao động đóng bảo hiểm chỉ 10,88 triệu người, chiếm 60,4% lao động hưởng lương. Năm 2013, có 500 nghìn doanh nghiệp hoạt động, gần 14 triệu lao động, nhưng chỉ có khoảng 145 nghìn doanh nghiệp với 6.744.742 người lao động tham gia bảo hiểm bắt buộc, chiếm trên 50%. Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội rất lớn, chỉ tính 5 tháng đầu năm 2013 tổng số nợ bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp của các doanh nghiệp lên đến 9.595 tỷ đồng (trong đó nợ BHXH là 6.610 tỷ đồng; nợ BHYT là 2.455 tỷ đồng; nợ BHTN là 530 tỷ đồng).

- Việc thực hiện chính sách nhà ở cho người lao động còn nhiều khó khăn, bất cập. Số lao động được ở các khu nhà lưu trú do doanh nghiệp và Nhà nước xây dựng chỉ khoảng 5%. Vẫn còn hàng chục vạn lao động, nhất là lao động nhập cư vẫn phải thuê nhà trọ trong khu dân cư,  tình trạng chật chội tạm bợ, không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu, dễ phát sinh các tệ nạn xã hội. Nhiều khu công nghiệp tập trung không quy hoạch khu nhà ở, không có nơi sinh hoạt văn hoá, thể thao, nhà trẻ, trường mầm non để phục vụ chăm sóc, nuôi dạy và học tập cho người lao động và con cái họ.

- Trình độ lao động qua đào tạo còn thấp, mới chỉ đạt 42% qua đào tạo cơ bản, còn lại chủ yếu là lao động phổ thông được đào tạo nghề ngắn ngày tại doanh nghiệp. Một bộ phận người lao động có nhận thức chính trị, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, thiếu kiến thức thực tiễn, ý thức trách nhiệm, kỷ luật lao động chưa cao.

- Quyền được bảo đảm an toàn vệ sinh, an toàn lao động bị đe doạ. Bình quân hàng năm (2008 - 2012) xảy ra hơn 5.000 vụ, với gần 6.000 người bị tai nạn lao động, trong đó có khoảng 500 vụ gây chết người, gần 600 người chết. Việc phòng chống bệnh nghề nghiệp chưa được coi trọng, số người mắc bệnh mãn tính do nghề nghiệp tăng cao, sức khoẻ bị giảm sút.

- Quyền đình công của người lao động chưa được thực hiện theo trình tự của pháp luật. Theo số liệu từ Ban Quan hệ lao động, Tổng Liệu đoàn LĐVN,chỉ tính riêng từ năm 2008 – 2013 đã xảy ra 3.343 cuộc đình công, ngừng việc tập thể, trong đó 76,5% thuộc các doanh nghiệp FDI, có 26,2% số cuộc đình công về quyền, 50,1% số cuộc đình công về lợi ích, còn lại là cả quyền và lợi ích. Đặc biệt chưa hề có cuộc đình công nào do công đoàn cơ sở lãnh đạo.

Nguyên nhân và giải pháp

Vai trò của Nhà nước, của Công đoàn trong việc thực hiện quyền xã hội của người lao động có ý nghĩa rất quan trọng , nó đảm bảo sự gắn kết và thực hiện đầy đủ quyền công dân trên các lĩnh vực đã được pháp luật quy định, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ. Tuy nhiên, trong thời gian qua việc kiểm tra giám sát của cơ quan nhà nước trong thực thi các quyền xã hội của người lao động chưa được thường xuyên, kịp thời. Tình trạng vi phạm chế độ, chính sách với người lao động, nhất là trong các doanh nghiệp như, xây dựng và công khai thang, bảng lương, định mức lao động, chế độ bảo hiểm, an toàn vệ sinh lao động, chưa được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm khắc và giải quyết triệt để.

Nhận thức về quyền xã hội của người lao động còn hạn chế, họ chỉ quan tâm có việc làm và thu nhập đủ sống, không đòi hỏi nhiểu về đời sống văn hóa tinh thần. Trong lúc đó công tác tuyên truyền phổ biến về các quyền này chưa được Nhà nước và Công đoàn quan tâm, coi trọng.

Các cuộc đình công của công nhân, lao động đa số xuất phát từ tiền lương, thu nhập của người lao động nhiều lĩnh vực ngành nghề còn quá thấp, không đủ sống. Những khó khăn, bức xúc của người lao động chưa được công đoàn nắm và phối hợp giải quyết kịp thời. Các cuộc đình công diễn ra tự phát là phổ biến, chưa có công đoàn cơ sở lãnh đạo. Điều đó chứng tỏ pháp luật để thực thi về quyền đình công và vai trò lãnh đạo đình công của công đoàn cơ sở còn nhiều yếu kém.

Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện quyền xã hội của người lao động vì vậy các cơ quan Nhà nước cần tăng cường phối hợp với Công đoàn các cấp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động như định mức lao động, chi trả tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội, công tác an toàn vệ sinh lao động, thời gian và điều kiện làm việc, nhằm phát hiện và đề xuất biện pháp xử lý nghiêm khắc, kịp thời bảo đảm quyền lợi, sức khoẻ, tính mạng cho người lao động.

Nhà nước cần khẩn trương giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân, tạo được chuyển biến thật sự mạnh mẽ và rõ rệt trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động (về nhà ở tại các khu công nghiệp, tiền lương và thu nhập, bảo hiểm xã hội, nơi sinh hoạt văn hoá, cơ sở nuôi dạy trẻ...) theo tinh thần Nghị quyết 20/NQ – TW Ban chấp hành TW Đảng khoá X (1/2008) về “tiếp tục xây dựng giai c ấp công nhân Việt nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” đã đề ra. 

Chính phủ cần xem xét đẩy nhanh lộ trình điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động, theo Kết luận số 63 – KL/TW ngày 27/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7, Ban chấp hành TW Đảng khoá XI “từng bước điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanhnhu cầu tối thiểu của người lao động”. Bên cạnh đó Chính phủ cần chỉ đạo Bộ LĐTB &XH và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm có biện pháp và chế tài xử phạt các đơn vị, doanh nghiệp trốn, nợ đọng bảo hiểm, nhằm bảo đảm quyền lợi trước mắt và lâu dài cho người lao động. Tiến tới ban hành quy định buộc người sử dụng lao động trích đóng bảo hiểm các loại cho người lao động theo mức lương quy định tại Điều 90 Bộ luật lao động năm 2012 “Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác”.

Cùng với Nhà nước, các cấp công đoàn tích cực tham gia sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ. Phổ biến rộng rãi các quy định về quyền xã hội tới người lao động; củng cố và đẩy mạnh hoạt động các trung tâm tư vấn pháp luật; đại diện (kể cả khởi kiện ra tòa) để bảo vệ quyền của người lao động khi bị xâm phạm; tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, nhất là lao động yếu thế trong xã hội; không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.

Công đoàn cơ sở cần phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng, ký kết thỏa ước lao động tập thể có chất lượng tốt, với nhiều nội dung có lợi cho người lao động. Những yêu cầu chính đáng về lợi ích, nếu được thoả thuận giữa các bên bằng văn bản (kể cả các văn bản nội bộ doanh nghiệp) sẽ góp phần tăng thêm quyền cho người lao động.

Cổ Nguyệt