banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Một số vấn đề về phát huy sức mạnh đồng thuận trong doanh nghiệp
Cập nhật lúc 08:16 ngày 19/11/2014

Đồng thuận là sự đồng tình nhất trí của các thành viên về một vấn đề trên cơ sở những điểm tương đồng và tôn trọng những điểm khác biệt với điều kiện không làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung, đồng thời phải đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Đồng thuận tăng cường mối quan hệ, trao đổi, liên kết, là nền tảng của niềm tin giúp điều chỉnh hài hòa các thành viên. Đồng thuận là tiêu chí, mục tiêu, giá trị và là cách thức, giải pháp để tập hợp lực lượng nhằm tạo sự ổn định của đơn vị. Sự phát triển vững bền của một doanh nghiệp luôn gắn liền với tinh thần đồng thuận và phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể, cũng từ đó phòng ngừa xung đột, một đặc điểm tâm lý tự nhiên của con người. Xuất phát từ nguyên tắc lấy con người làm gốc, tôn trọng lẫn nhau, sống có nghĩa tình, đoàn kết hợp tác trên mọi phương diện, trong những tình huống khi gặp vướng mắc cần huy động tối đa sự đóng góp ý kiến và trí tuệ của tập thể. 

Trong quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp phải đảm bảo tính thống nhất, đề cao trách nhiệm cá nhân với tinh thần đoàn kết, hợp tác, chia sẻ, nhằm giải quyết công việc chất lượng, hiệu quả. Chức năng quản trị doanh nghiệp cơ bản là làm sao để các thành viên kết hợp với nhau nhằm đạt mục tiêu chung, với sự đồng thuận của lãnh đạo, cán bộ quản lý, người lao động cùng chung sức đồng lòng vượt qua thách thức nhằm xây dựng thành công của doanh nghiệp. Đồng thuận trong doanh nghiệp góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, công bằng và dân chủ.

Đồng thuận là phát huy thế mạnh của nội lực, sự chủ động, sáng tạo của mỗi cá nhân, theo đó ý kiến của tất cả các thành viên liên quan được đưa ra để bổ sung, phân tích, củng cố, nhằm tổng hợp hoàn thiện thành kế hoạch chung và đây chính là kết quả cao nhất của sự đồng thuận tập thể. Trong khi đó đồng thuận hình thức là sự thiếu hợp tác giữa các thành viên, mà thực chất của đồng thuận này là sự xung đột của cá thân, vì lợi ích riêng và giảm đi sự đồng thuận vì mục đích chung. Đồng thuận trong doanh nghiệp sẽ giúp triệt tiêu sự xung đột mang tính cá nhân bằng cách xác định cho được nguyên nhân của vấn đề, tìm giải pháp sao cho các cá nhân có thể chấp nhận được và hướng các đối tượng xung đột này vào mục tiêu chung là vì sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Đồng thuận lấy sự đối thoại, hòa hợp, chia sẻ làm lợi ích cốt lõi. Do đó để có sự đồng thuận tập thể, cũng như biện pháp ngăn chặn của một xung đột bất kỳ hướng tới sự đồng thuận chính là nấc thang quản trị, quản lý của người lãnh đạo ‘‘có tâm - có tầm’’. Theo đó cả tập thể cùng nhau tiến bước đến mục đích chung.

Người lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh và tạo lên sự đồng thuận của doanh nghiệp, là người đề xướng hệ thống giá trị và xây dựng động lực thúc đẩy mọi người làm việc; liên kết mọi người trong doanh nghiệp với nhau, liên kết doanh nghiệp với khách hàng, đối tác; liên kết doanh nghiệp với xã hội. Lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng tầm nhìn, truyền lửa cho nhân viên, để người lao động hiểu đúng, tin tưởng và cùng nỗ lực để xây dựng doanh nghiệp phát triển. Người lãnh đạo giữ vai trò quan trọng, quyết định trong việc xua tan những băn khoăn của nhân viên, của người lao động “ những lo toan cuộc sống đời thường”. Vì vậy, xây dựng đồng thuận tại doanh nghiệp là xây dựng niềm tin, tạo giá trị, bảo đảm đời sống vật chất tinh thần cho người lao động với mục đích trọng tâm là vì người lao động, mang lại hạnh phúc cho người lao động, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Vai trò của người lãnh đạo, cán bộ quản lý trong doanh nghiệp là yếu tố quyết định khi xây dựng chiến lược, hệ thống giá trị, quy tắc, văn hóa doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp với chức năng quản trị nhằm hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra hoạt động của các thành viên trong doanh nghiệp; sử dụng các nguồn lực để đạt các mục tiêu đề ra góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp. Do đó người lãnh đạo, cán bộ quản lý doanh nghiệp luôn hướng tới các hoạt động kết hợp giữa các thành viên với nhau nhằm tạo nên sức mạnh và thúc đẩy các sự chuyển động tích cực. Mục tiêu cơ bản xuyên suốt của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận qua các cách thức thích hợp nhằm đạt hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất có thể. Với các hoạt động đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong quản lý điều hành sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm chi phí để tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.


Tổ chức công đoàn với vai trò là tổ chức quần chúng của người lao động với chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; tham gia quản lý doanh nghiệp, tuyên truyền, giáo dục người lao động; tổ chức công đoàn đồng với chuyên môn trong mọi hoạt động vì mục tiêu chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động. Ban Chấp hành công đoàn như sợi dây gắn kết giữa lãnh đạo chuyên môn với các thành viên và người lao động trong doanh nghiệp. Đồng thời tổ chức công đoàn cộng tác đắc lực với lãnh đạo doanh nghiệp, tạo lên sự đồng thuận, đoàn kết trên dưới một lòng trong đơn vị, đem lại hiệu quả cao trong các hoạt động phong trào quần chúng, được lãnh đạo chuyên môn và người lao động ghi nhận và tin tưởng.

Công đoàn tham gia, phối hợp với chuyên môn triển khai tổ chức các phong trào thi đua, tạo môi trường thuận lợi để đoàn viên, người lao động đóng góp trí lực, phát huy tinh thần làm chủ, động viên tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nâng cao trách nhiệm trong mọi công việc được giao, đây là nền tảng làm nên sự đồng thuận. Để làm được điều đó tổ chức công đoàn vận động đoàn viên và người lao động tích cực tham gia các phong trào cải thiện điều kiện làm việc, phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, “Quản lý giỏi”, phong trào “Ôn lý thuyết - Luyện tay nghề - Thi thợ giỏi”, “Tham mưu giỏi - Phục vụ tốt”, “ Xanh - Sạch- Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”…. phù hợp với đặc thù hoạt động của doanh nghiệp để triển khai thực hiện hiệu quả gắn với từng nhiệm vụ cụ thể. Ban Chấp hành công đoàn phối hợp, tham gia với lãnh đạo chuyên môn tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề bàn các giải pháp, hiến kế tháo gỡ khó khăn; động viên cán bộ đoàn viên, người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, tiết kiệm các chi phí để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và nâng cao đời sống cho người lao động. Cùng với đó là động viên khen thưởng kịp thời các tập thể và cá nhân tiên tiến nhằm khích lệ phong trào thi đua và nhân rộng các điển hình, mô hình hay cách làm tốt của tập thể, cá nhân để tạo sức mạnh lan tỏa nhằm xây dựng văn hóa doanh nghiệp để mỗi người lao động tăng thêm lòng tự hào và ý thức trách nhiệm đối với doanh nghiệp.

Ban Chấp hành công đoàn luôn được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của công đoàn cấp trên, cũng như lãnh đạo chuyên môn, với các hoạt động, chương trình  để toàn thể cán bộ công nhân viên phát huy được khả năng và sự sáng tạo, tạo dự gần gũi thân thiện giữa người lao động với lãnh đạo; đem lại sự tự tin, niềm vui cho người lao động trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Tổ chức công đoàn hướng dẫn, phổ biến cập nhật các quy định, văn bản chế độ chính sách pháp luật liên quan đến người lao động; phát huy chức năng đại diện của người lao động, tham gia quản lý thông qua việc phối hợp với lãnh đạo chuyên môn tổ chức Hội nghị người lao động hàng năm, thực hiện quy chế dân chủ tại doanh nghiệp, tổ chức đối thoại định kỳ; tham gia thương lượng với lãnh đạo chuyên môn bổ sung sửa đổi và ký thỏa ước lao động tập thể sao cho phù hợp với tình hình thực tế với các điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với trước. Tổ chức công đoàn tham gia thực hiện quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp theo quy định, nhằm đảm bảo cho người lao động được biết, tham gia ý kiến, quyết định và giám sát những vấn đề theo quy định của pháp luật. Vì vậy mối quan hệ giữa lãnh đạo chuyên môn và người lao động luôn có sự đồng thuận, đoàn kết cao.

Tổ chức công đoàn với chức năng của mình và theo điều kiện thực tế tại mỗi đơn vị, doanh nghiệp, với các hoạt động thăm hỏi, động viên tới đoàn viên, người lao động như việc hiếu, hỷ, ốm đau, hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức tết thiếu nhi, rằm trung thu, có phần thưởng cho các cháu học sinh giỏi; vận động đoàn viên chia sẻ giúp đỡ, tương thân tương ái với đồng bào bị bão lụt, các gia đình chính sách, gia đình thương binh liệt sỹ...Với các hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng các hoạt động: định kỳ hàng năm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tổ chức phong trào thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ; trang bị sách báo cho người lao động; tổ chức các buổi giao lưu thể thao để nâng cao thể chất, tăng cường hiểu biết, gắn bó và đoàn kết trong tập thể người lao động, phấn đấu mỗi người lao động là hạt nhân của gia đình văn hóa tại nơi cư trú. Bên cạnh đó tổ chức công đoàn tham gia với chuyên môn quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công nhân lao động thông qua việc cử cán bộ, người lao động đi học tập, nâng cao trình độ, hỗ trợ về kinh phí, tạo điều kiện về thời gian cho cán bộ đoàn viên và người lao động tham gia các lớp tập huấn, hội thảo.

Tổ chức công đoàn là do đoàn viên tự nguyện tham gia, hoạt động công đoàn có được sôi nổi mạnh mẽ và rộng khắp hay không là do khả năng tổ chức hoạt động phong trào của cán bộ, đoàn viên công đoàn. Từ đó người lao động thấy tổ chức công đoàn là chỗ dựa đáng tin cậy để tự nguyện gia nhập và hoạt động; điều này đã tạo nên mối quan hệ gắn kết giữa công đoàn, người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp. Với vai trò là tổ chức quần chúng của người lao động nên sức mạnh của công đoàn là phải thu hút được đông đảo người lao động, đoàn viên nhiệt tình hưởng ứng và tham gia. Mỗi cán bộ công đoàn và Ban Chấp hành công đoàn phải gắn kết chặt chẽ, thân thiết với đoàn viên và người lao động, phải biết tường tận đời sống người lao động, phải xác định đúng tâm tư nguyện vọng của người lao động, những nhu cầu thực sự của đoàn viên. Để từ đó có những giải pháp phù hợp nhằm thực hiện tốt việc chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, góp phần vun đắp sức mạnh đồng thuận trong doanh nghiệp nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Trần Phong  (tổng hợp)