banner2019
 
Thứ tư, ngày 22 tháng 01 năm 2025
Thứ tư, ngày 22 tháng 01 năm 2025
Thực hiện Điều lệ Công đoàn - Một số điều lưu ý
Cập nhật lúc 11:21 ngày 30/07/2014

Đại hội XI Công đoàn Việt Nam (nhiệm kỳ 2013-2018) đã thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam, ngày 04/3/2014 Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành văn bản 238/HD-TLĐ Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn. Sau khi Điều lệ và Hướng dẫn thi hành Điều lệ chính thức ban hành, các cấp công đoàn đã tổ chức phổ biến, hướng dẫn đến cán bộ, đoàn viên và CĐCS triển khai thực hiện Điều lệ Công đoàn khoá XI.

Điều lệ khoá XI có bổ sung, sửa đổi một số nội dung so với các khoá trước. Về bố cục Điều lệ khoá XI gồm 10 (Chương, 45 Điều (tăng 02 chương, 01 Điều so với Điều lệ khoá X có 8 Chương và 44 Điều). Tách chương “Tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở” (khoá X) thành chương “Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở" và chương “LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Tổng Liên đoàn LĐVN” thêm chương “Công tác nữ công”. Điều lệ khoá XI đặt tên lời nói đầu và tên các điều, bổ sung 4 điều: Điều 8 Huy hiệu Công đoàn, Điều 17 Trình tự thành lập CĐCS, tách Điều 31 (khoá X) thành Điều 32 Công đoàn trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và Điều 33 Công đoàn Công an Nhân dân Việt Nam, Điều 36 Ban Nữ công công đoàn; nhập Điều 14 (khoá X) vào Khoản 2, Điều 13 (khoá XI); lồng Điều 39, 40 (khoá X) thành Điều 37 (khoá XI); bỏ Điều 23 (khoá X) quy định CĐCS phân cấp nhiệm vụ cho CĐCS thành viên, CĐ bộ phận.

 Đ/c Nguyễn Xuân Thái - Phó Chủ tịch CĐCTVN trình bày về những quy định mới trong Điều lệ Công đoàn khóa XI

Đối tượng kết nạp vào Công đoàn theo Hướng dẫn thực hiện Điều lệ khoá XI mở rộng hơn, bỏ yêu cầu phải có hợp đồng lao động. Cùng với đó, đối tượng không kết nạp vào Công đoàn lần này nói rõ thêm đối tượng là “người được uỷ quyền quản lý doanh nghiệp hoặc ký hợp đồng lao động với người lao động trong khu vực ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm: Phó Chủ tịch hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc, Giám đốc nhân sự”. Nội dung này không mới (Điều lệ khoá X cũng đã quy định) nhưng khi triển khai ở CĐCS khá vướng mắc. Từ nhiều năm nay, việc cơ cấu nhân sự tham gia BCH, giữ các chức danh chủ chốt CĐCS - nhất là các công ty liên doanh với nước ngoài, ở cơ sở thường lựa chọn, giới thiệu những người có uy tín, trình độ và vị trí nhất định (Trưởng Phó phòng, ở các bộ phận Tổ chức lao động, Kế toán, Kế hoạch… thậm chí Phó Giám đốc công ty) là những người có nhiều thông tin, có thể trao đổi làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp. Trên thực tế, người được bầu giữ các chức vụ lãnh đạo công đoàn đã làm rất tốt, xây dựng được mối quan hệ lao động hài hoà, bảo vệ quyền lợi của người lao động phù hợp với thực tế. Nhiều vụ việc tranh chấp lao động, đình công đã được giải quyết ổn thoả, nhiều Thoả ước LĐTT thương lượng, ký kết cao hơn quy định của luật chính nhờ vai trò đội ngũ cán bộ này ở cơ sở. Nếu thực hiện theo quy định Hướng dẫn thực hiện Điều lệ, một số CĐCS sẽ phải thay đổi nhân sự, gây mất ổn định về tổ chức và chất lượng hoạt động. Việc chuyển họ sang là “đoàn viên danh dự” cũng rất khó khả thi vì khi không là đoàn viên mà chỉ “danh dự” thì sẽ hạn chế rất nhiều trong việc tham gia các hoạt động công đoàn. Và từ chỗ đang cùng trong tổ chức đã đẩy họ về phía đối kháng, không có lợi cho tổ chức công đoàn.

Về thủ tục kết nạp Điều lệ XI quy định cụ thể rõ ràng hơn. Trước hết người lao động phải tán thành Điều lệ và có đơn, có chữ ký. Đối với nơi chưa thành lập CĐCS, có từ ba người lao động có nguyện vọng vào Công đoàn tự tập hợp thành ban vận động. Đây là khái niệm mới và chưa triển khai nên chắc sẽ có nhiều lúng túng. Trước kia để thành lập CĐCS cũng khá dễ dàng. Khi có doanh nghiệp mới thành lập đi vào hoạt động, CĐ cấp trên thường làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp, việc thành lập được hay không tổ chức CĐ phụ thuộc nhiều (nếu không nói là tất cả) vào việc lãnh đạo doanh nghiệp có ủng hộ hay không. Và khi đã được lãnh đạo doanh nghiệp đồng ý thì việc tuyên truyền người lao động vào Công đoàn cũng rất dễ dàng. Thành lập CĐCS hiện nay phụ thuộc vào việc người lao động có tự nguyện tham gia Công đoàn không, nếu có đoàn viên thì có quyền thành lập CĐCS và người sử dụng lao động phải thực hiện đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 22 Luật Công đoàn, Điều 189, 190, 192, 193 Bộ Luật Lao động. Như vậy không còn chuyện người lao động có HĐLĐ thì “đương nhiên” là đoàn viên, không cần quyết định, kết nạp và cũng không còn chuyện phải “đấu tranh” để chủ doanh nghiệp cho thành lập công đoàn.

Vấn đề hiện nay một số CĐCS đang khó giải quyết đó là việc cán bộ công đoàn sau khi nghỉ hưu ký HĐLĐ tiếp tục làm việc tại đơn vị, doanh nghiệp. Mục 3. Về quyền của đoàn viên theo Điều 3 trong Hướng dẫn thi hành Điều lệ khoá XI có quy định “Khi nghỉ hưu, nếu đoàn viên tiếp tục làm việc theo HĐLĐ, hoặc HĐ làm việc ổn định thường xuyên thì tiếp tục sinh hoạt công đoàn tại nơi làm việc”. Hướng dẫn rõ ràng song vẫn còn nhiều tranh cãi ở đây. Trường hợp một người là cán bộ công đoàn chuyên trách nghỉ hưu, sau khi nghỉ hưu lại tiếp tục ký HĐ làm việc với công ty cũ với công việc tại Văn phòng Đảng uỷ, Văn phòng Công đoàn làm công tác Đảng, công tác Công đoàn. Như vậy có đúng không? Nếu làm công việc về Đảng, về Công đoàn có được bầu vào BCH công đoàn, được giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt không? Hoặc trường hợp một chủ tịch CĐCS kiêm nhiệm đang trong thời gian nhiệm kỳ ngay sau khi nhận quyết định nghỉ hưu đồng thời có hợp đồng làm việc tiếp (thực tế không nghỉ ngày nào) thì tiếp tục được tham gia công đoàn, như vậy có tiếp tục được làm Chủ tịch (chưa hết nhiệm kỳ) không? Để giải quyết từng trường hợp không thể lấy quy định chung áp dụng mà còn phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của đơn vị, doanh nghiệp. Trước hết sự chỉ đạo của cấp Uỷ đảng, ý kiến của cơ quan chuyên môn và công đoàn, đoàn viên ở đó. Việc tiếp tục sinh hoạt công đoàn với vai trò là đoàn viên thì không phức tạp nhiều, nhưng khi tham gia BCH, nhất là giữ các chức vụ chủ chốt thì cần được tìm hiểu sâu hơn. Nếu đó là những người tâm huyết được đoàn viên, người lao động tin yêu thì cần ủng hộ, nhưng trường hợp lợi dụng để bè cánh, tạo dựng ê kíp, lợi ích nhóm… cần có sự chỉ đạo và phối hợp với đơn vị, doanh nghiệp, thậm chí với cấp trên để giải quyết.

Đơn cử một số lưu ý khi thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam khoá XI. Các ngành, LĐLĐ tỉnh, thành phố và Tổng Liên đoàn cần tập trung những vướng mắc của các cấp để tổ chức hội nghị, hội thảo nhằm đưa ra văn bản chỉ đạo phù hợp với thực tế cơ sở.    

Nguyễn Xuân Thái