banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Dấu ấn của Công đoàn ngành Công Thương tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam
Cập nhật lúc 12:13 ngày 02/12/2023
Tham dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 – 2028, Đoàn đại biểu ngành Công Thương gồm 14 công đoàn viên tiêu biểu.
Bên cạnh gửi đến Đại hội bài tham luận với chủ đề “Tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao năng lực thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động”, Công đoàn ngành Công Thương còn có gian trưng bày sản phẩm của đoàn viên, người lao động trong ngành.
Đoàn đại biểu ngành Công Thương tham dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam
Đoàn đại biểu ngành Công Thương tham gia thảo luận tại tổ số 9 Đại hội hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028
Công đoàn Công Thương Việt Nam hiện trực tiếp quản lý 15 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, với 502 công đoàn cơ sở; phối hợp quản lý 20 công đoàn ngành Công Thương tỉnh, thành phố...
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn song thời gian qua Công đoàn Công Thương Việt Nam đã bám sát chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Công Thương để chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn triển khai hoạt động đáp ứng với tình hình thực tiễn nhằm hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ chính trị; triển khai đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách về an sinh xã hội; chăm lo đời sống cho đoàn viên và người lao động.
Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam - ông Phan Văn Bản trao hỗ trợ xây nhà “Mái ấm Công đoàn”
Phát huy vai trò của mình, công đoàn đã giám sát hoặc tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương, tiền thưởng... liên quan đến đoàn viên, người lao động.
Việc làm, đời sống của người lao động cơ bản ổn định, thu nhập bình quân hiện nay của người lao động trong ngành khoảng 8,9 triệu đồng/người/tháng, cao nhất là lương bình quân tháng của người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (10,5 triệu đồng/người/tháng).
Việc làm, đời sống của người lao động ngành Công Thương cơ bản ổn định
Đời sống tinh thần của cán bộ công nhân viên chức toàn ngành từng bước được nâng cao, thông qua việc sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa và xây dựng văn hóa đặc trưng của từng nhóm cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức với các nội dung phong phú, đa dạng, thu hút được đông đảo đoàn viên công đoàn và người lao động tham gia.
Hầu hết đoàn viên, công nhân viên chức lao động tin tưởng vào đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuân thủ nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị, gắn bó với nghề và doanh nghiệp; có ý thức phấn đấu vì sự phát triển của doanh nghiệp.
Nhiệm kỳ 2023 – 2028, nền kinh tế dự báo còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro; đồng thời, chịu tác động tiêu cực từ nền kinh tế thế giới, các vấn đề xung đột toàn cầu vẫn nguy cơ tiềm ẩn, sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư..., làm ảnh hưởng tới hoạt động ngành Công Thương, tác động tới phong trào công nhân và hoạt động công đoàn.
Sự chuyển dịch lao động vào khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ sẽ tăng nhanh về số lượng và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong lực lượng lao động xã hội. Cơ cấu lao động ngành Công Thương tiếp tục có sự thay đổi mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh có thể bị giải thể, phá sản, làm mất đi cơ hội việc làm của người lao động; ở những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, có mức độ ứng dụng khoa học, công nghệ cao, nhiều người lao động không có hoặc trình độ tay nghề thấp sẽ trở nên thất nghiệp.
Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu ngành Công Thương phải đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, phát huy vai trò đầu tàu trong việc phát triển và đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế. Các cấp công đoàn cần phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức, số lượng cán bộ công đoàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đang cho người lao động luôn được Công đoàn Công Thương Việt Nam chú trọng
Vì vậy, mục tiêu Công đoàn Công Thương Việt Nam đặt ra trong nhiệm kỳ 2023 – 2028 là: Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; tập trung công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng, vì việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động theo hướng thiết thực, hiệu quả; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; phát huy vai trò tiên phong, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần xây dựng ngành Công Thương phát triển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Một số hình ảnh 
Đoàn Đại biểu Công đoàn ngành Công Thương tham dự Đại hội
Đoàn đại biểu Công đoàn ngành Công Thương chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội


Đại biểu chụp ảnh tại gian trưng bày sản phẩm của đoàn viên, người lao động trong ngành Công Thương 
Thanh Tâm (nguồn: congthuong.vn)