banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Ngành Công Thương có 458 đơn vị đã xây dựng quy chế dân chủ cơ sở
Cập nhật lúc 10:19 ngày 28/11/2022
Trong năm 2022, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với công đoàn cơ sở (CĐCS) trong công tác triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; tăng cường hoạt động dân chủ tại cơ sở, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên và NLĐ. 
Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị đại biểu viên chức, người lao động năm 2022
Ông Trần Quang Huy - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam cho biết, ngay từ đầu năm 2022, Công đoàn Công Thương Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn Công đoàn cơ sở thực hiện hiệu quả, công khai những nội dung để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động biết, tham gia ý kiến, giám sát kiểm tra như xây dựng chương trình, kế hoạch công tác năm, tổ chức phong trào thi đua của cơ quan, đơn vị, báo cáo sơ kết, tổng kết; các biện pháp cải tiến lề lối làm việc, chấp hành nội quy, quy tắc ứng xử, văn hóa giao tiếp; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức; các chế độ chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Hầu hết các đơn vị thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Hiện nay, trong ngành Công Thương đã 458 đơn vị đã xây dựng quy chế dân chủ cơ sở theo sát Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14.12.2020, đặc biệt chú trọng công tác đối thoại. Trong đó cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập là 44 đơn vị; doanh nghiệp nhà nước là 203 đơn vị; doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là 211 đơn vị.
Ngoài ra, Công đoàn Công Thương Việt Nam còn phối hợp với Công đoàn cơ sở trong việc thực hiện quy trình, thủ tục ban hành các quy chế như quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ; sử dụng tiết kiệm kinh phí được cấp; việc mua sắm trang thiết bị, phương tiện và các tài sản khác của cơ quan được thực hiện theo quy định của pháp luật. Việc công khai được thực hiện thông qua nhiều hình thức như: phát hành văn bản, niêm yết tại Bảng thông tin của đơn vị hoặc thông qua hệ thống mạng nội bộ. 
“Hiện nay, Công đoàn Tổng Công ty Thép, Công đoàn Hóa chất, Công đoàn SABECO, Công đoàn Tổng Công ty Giấy… là những công đoàn tiêu biểu trong việc xây dựng cũng như sửa đổi quy chế dân chủ phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi ích của CB, CNVCLĐ” - ông Trần Quang Huy cho hay.
Ngoài ra, trong những năm gần đây chính quyền phối hợp công đoàn đã tổ chức sơ kết 6 tháng và tổng kết hàng năm nhằm đóng góp ý kiến vào các Quy chế của đơn vị. Trên cơ sở ý kiến tham gia của cán bộ, công chức, người lao động, đơn vị sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung Quy chế dân chủ; các quy chế, quy định của đơn vị như Quy chế làm việc, Quy chế chi tiêu nội bộ, chi trả thu nhập tăng thêm, giải quyết thanh toán chế độ nghỉ phép, chế độ thai sản, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, chi và bổ sung quy định về quản lý tài sản công, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ... 
Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện các quy chế, quy định, quy trình thực hiện dân chủ, công khai minh bạch tại đơn vị. 
Hà Anh (nguồn: laodong.vn)