banner2019
 
Thứ tư, ngày 22 tháng 01 năm 2025
Thứ tư, ngày 22 tháng 01 năm 2025
Thi đua yêu nước là mục tiêu và động lực của sự phát triển
Cập nhật lúc 12:23 ngày 11/06/2014

Năm 2014 là dịp Kỷ niệm 66 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2014), đồng thời đây chính là Ngày Truyền thống của ngành Thi đua.

Có thể khẳng định rằng, phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” trong CNVCLĐ là phong trào thi đua nổi bật nhất do các cấp công đoàn ngành Công Thương tổ chức, phát động, được đông đảo đoàn viên, người lao động tích cực hưởng ứng, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ngành, địa phương và đơn vị.

 Chủ tịch CĐCTVN Lý Quốc Hùng trao bằng khen cho cá nhân đạt thành tích trong phong trào "Lao động giỏi, Lao động sáng tạo"

Mặc dù, tình hình kinh tế và chính trị thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong tình hình đó, công tác thi đua, khen thưởng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo thường xuyên; như một động lực cơ bản, một giải pháp, sức mạnh tinh thần quan trọng để góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch nhiệm vụ phát kinh tế - xã hội.

Yếu tố thi đua đã đi vào quá trình nhận thức của mỗi cán bộ, công nhân viên chức lao động, mỗi tập thể, xác định được hành vi cần thiết, phương pháp và kế hoạch phấn đấu đi lên. Phần lớn CNVCLĐ ngành Công Thương xác định, thi đua yêu nước không đơn thuần là đạt thành tích để được khen thưởng, mà trên hết, thi đua yêu nước là mục tiêu phấn đấu xây dựng doanh nghiệp tồn tại phát triển một cách bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của mỗi cán bộ công nhân viên chức lao động được đảm bảo.

5 năm qua toàn Ngành đã có hơn 20.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi trên 4.000 tỷ đồng. Số tiền thưởng cho các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trên 100 tỷ đồng. Qua phong trào đã tiết kiệm nhiều vật tư nguyên liệu với số tiền 150 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều sáng kiến giải pháp không tính được bằng tiền nhưng có ý nghĩa lớn về mặt xã hội. Tổng LĐLĐVN đã tặng 650 Bằng Lao động sáng tạo cho các cá nhân thuộc các đơn vị trong Ngành. Những sáng kiến này đều đã được áp dụng vào thực tiễn và mang lại hiệu quả kinh tế cao. CĐCTVN đã gắn biển cho 40 công trình chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI với tổng giá trị các công trình là hơn 9.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo CĐCTVN chúc mừng Vụ Thi đua Khen thưởng - Bộ Công Thương nhân ngày Truyền thống Thi đua yêu nước

Các phong trào thi đua yêu nước được Đảng và Nhà nước chỉ đạo các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương phải được nâng tầm cao mới cả về quy mô, chất lượng và hình thức. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 725/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2011 về việc phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2011 và Kế hoạch 05 năm (2011 - 2015) theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Đây là văn kiện quan trọng, nền tảng chỉ đạo xuyên suốt và thống nhất công tác thi đua khen thưởng giai đoạn  2011 - 2015 gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng năm và giai đoạn.

Các phong trào chung sức đồng loạt triển khai thực hiện kịp thời phong trào thi đua hưởng ứng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Cả nước đã tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng để kịp thời đầu tư hoặc giải quyết các vấn đề thực sự bức thiết của đời sống; các cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, công nhân, viên chức lao động và người dân đã nâng cao ý thức tiết kiệm hơn trong quản lý hành chính, trong sinh hoạt và tiêu dùng. Các phong trào thi đua có tính cộng hưởng cao tại khắp các vùng miền đất nước như: Tiết kiệm điện, nước, nhiên liệu trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống cho người lao động, ủng hộ nhân dân bị thiên tai, phong trào Vì người nghèo… được đông đảo CNVCLĐ tích cực tham gia.

Các đơn vị luôn xác định rõ mục tiêu hướng tớ; lồng ghép các phong trào với tình hình kinh tế - xã hội và tình hình kinh doanh của đơn vị trong giai đoạn cụ thể. Nội dung các phong trào thi đua luôn được đổi mới, đa dạng, phong phú, thiết thực; hướng về cơ sở, đã tạo nên không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp tạo được hiệu ứng tích cực cho xã hội.

Số lượng danh hiệu, hình thức khen thưởng cao như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động các hạng... nhiều hơn và đã chú trọng đến người lao động trực tiếp. 5 năm qua đã có 45 chiến sỹ thi đua toàn quốc, 115 tập thể được tặng cờ thi đua của Chính phủ, 250 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều danh hiệu thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp Công đoàn trong Ngành. Đây là những bông hoa tươi thắm trong phong trào thi đua; là điển hình tiên tiến, nhân tố mới, mô hình mới; là cơ sở khoa học khẳng định sự tồn tại vững chắc của yếu tố thi đua yêu nước trong mọi tình hình, điều kiện khác nhau.

Để đạt thành tích quan trọng và to lớn chính là đóng góp tích cực của đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng trên cả nước nói chung và những người làm công tác thi đua trong ngành Công Thương Việt Nam nói riêng. Trong bối cảnh và điều kiện các doanh nghiệp còn nhiều sức khó khăn, thì thi đua yêu nước cần xác định phải nâng tầm cao mới, phát huy hiệu quả với mục tiêu đi vào lòng người, vì con người; khen thưởng kịp thời, dân chủ, đúng thành tích, phải hướng về cơ sở lấy cơ sở làm động lực phát triển các phong trào thi đua. Thi đua phải đi vào tâm lý, ước mong của mỗi con người; đặc biệt phải chú trọng khen thưởng những công nhân lao động trực tiếp để động viên họ trong lao động sản xuất. Đây vừa là nhiệm vụ của lĩnh vực thi đua khen thưởng và mỗi cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng nói chung và cũng là nhiệm vụ những người làm công tác thi đua khen thưởng trong ngành Công Thương Việt Nam.

                                                           Lê Thị Tâm

                                     Phó Trưởng Ban Chính sách Pháp Luật - CĐCTVN