banner2019
 
Thứ bảy, ngày 18 tháng 01 năm 2025
Thứ bảy, ngày 18 tháng 01 năm 2025
Người lao động cần biết hệ lụy của rút bảo hiểm xã hội một lần
Cập nhật lúc 04:46 ngày 14/12/2021
Tính đến hết tháng 10.2021, cả nước có hơn 700.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020. Tình trạng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhiều và có xu hướng gia tăng là vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động cũng như nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới “mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân”.
Nhiều lao động coi khoản tiền đóng bảo hiểm như "một khoản lớn"
Theo kết quả nghiên cứu của Dự án Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội và công nhân (ECOW) do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ (đối tượng nghiên cứu thực địa của ECOW là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp thuộc hai ngành may và điện tử tại 9 khu công nghiệp trên toàn quốc) cho thấy đa số công nhân muốn rút bảo hiểm xã hội một lần nếu như họ không tiếp tục làm việc nữa. Và nhiều người cũng sẽ không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội khi họ chuyển sang làm việc trong lĩnh vực phi chính thức.
Thực tế cũng cho thấy, công nhân thường rút bảo hiểm xã hội khi họ đã đóng được khoảng 10 năm trở lại. Họ không có nhận thức rõ ràng về các lợi ích của việc có lương hưu khi về già và chỉ quan tâm đến một khoản tiền có thể rút để khởi nghiệp hoặc làm một việc gì đó quan trọng trước mắt như mua nhà, đất, xây sửa nhà cửa, mua xe... Thực trạng rút bảo hiểm xã hội một lần có thể được nhìn nhận là hệ quả của các vấn đề như thu nhập thấp, tiết kiệm thấp, công việc bấp bênh, không có niềm tin dài hạn vào công việc đang làm, nhận thức rõ ràng về lợi ích của bảo hiểm xã hội. Việc công nhân rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ dẫn đến nguy cơ không đảm bảo mục tiêu nâng độ che phủ bảo hiểm xã hội. 
Tuy nhiên quan trọng hơn, điều này sẽ dẫn đến tình trạng người già không có lương hưu, tiếp tục dựa vào con cái như các thế hệ đi trước trong bối cảnh hiện đại hóa và sinh ít con hơn sẽ khiến việc phụ thuộc vào con sẽ khó khăn hơn rất nhiều thế hệ đi trước. Vấn đề này sẽ tạo gánh nặng lên hệ thống an sinh xã hội trong tương lai, đặc biệt là trước đe dọa của việc già hóa dân số.
Trong phạm vi nghiên cứu của Dự án ECOW,  có 61,1% công nhân cho rằng sẽ nhận bảo hiểm xã hội một lần. Tỉ lệ công nhân không có dự định rút là 31,1% và có ý kiến khác là 7,9%. Trong đó, 56,7% công nhân ở miền Bắc có ý định nhận bảo hiểm xã hội một lần, thấp hơn so với 63,3% công nhân ở miền Trung và 63,5% công nhân ở miền Nam. Đối với công nhân điện tử và công nhân may, tỉ lệ này là 59,8% và 62,5%. Sự khác biệt giữa vùng và ngành là không nhiều. Điều này cho thấy đây không phải là một xu hướng cục bộ mà là một xu hướng phổ biến. Do đó đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải có các giải pháp phù hợp hợp để điều chỉnh bổ sung các quy định về pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội cho giai đoạn tới nhằm khuyến khích công nhân không lựa chọn hình thức rút bảo hiểm xã hội một lần.  
Việc rút bảo hiểm xã hội một lần hiện đang là mối quan ngại lớn khi nó có khả năng phá vỡ các nỗ lực nâng cao độ che phủ của bảo hiểm xã hội và làm mất đi nguồn tài chính đảm bảo khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu. Một số cuộc phỏng vấn sâu trong nghiên cứu của Dự án ECOW cho thấy, công nhân có xu hướng sẽ rút bảo hiểm xã hội một lần nếu họ không còn làm trong khu vực chính thức. Trong một số trường hợp công nhân đã thực hiện nhiều lần di cư để làm việc và mỗi lần như vậy họ lại rút bảo hiểm xã hội và lại tiếp tục đóng lại từ đầu khi họ quay lại làm việc trong các khu công nghiệp. Điều này khiến họ không tích lũy được liên tục số năm đóng bảo hiểm và khó có thể đạt được số năm cần thiết để nhận lương hưu khi họ đến tuổi nghỉ hưu. Nhiều công nhân xem khoản tiền đóng bảo hiểm như một "khoản tiền lớn" và có thể giúp họ giải quyết một việc gì đó nên họ thường quyết định rút khi rời khỏi công việc trong khu công nghiệp.
Theo một báo cáo của Tổ chức lao động Quốc tế (2021), việc không có bảo hiểm xã hội và nhận lương hưu khi về già sẽ có tác động tiêu cực nhiều hơn đến nữ giới do tuổi thọ bình quân của nữ giới cao hơn so với nam giới. Bên cạnh đó, do tiến trình đô thị hóa và số con của người trẻ tuổi hiện nay thấp hơn nhiều so với các thế hệ trước đây cũng sẽ dẫn đến những khó khăn của người cao tuổi trong tương lai khi dựa vào sự chu cấp và trông nom của con cái. Do tác động của COVID-19, xu hướng rút bảo hiểm xã hội một lần đã có xu hướng tăng cao.
Với những công nhân có ý định nghỉ hưu sớm, các lựa chọn nghề nghiệp thay thế khá đa dạng. Trong đó, 26,7% công nhân chọn theo hướng khởi nghiệp kinh doanh, 26% dự kiến trở lại với nông nghiệp và 22,5% tiếp tục làm một lao động phổ thông. Cũng có 16,4% muốn dành thời gian cho gia đình và 4,8% chưa rõ công việc tiếp theo là gì nếu nghỉ hưu sớm. Xu hướng về nghề nghiệp nếu nghỉ hưu sớm của công nhân một lần nữa cho thấy đặc điểm của thị trường lao động Việt Nam hiện tại vẫn gần như không có ranh giới giữa khu vực chính thức và phi chính thức. Vì vậy, nhiều công nhân sẵn sàng từ bỏ công việc ở khu vực chính thức với đầy đủ chế độ bảo hiểm của mình để trở thành một lao động trên thị trường phi chính thức.
Kiến nghị xử lý nghiêm hành vi trốn đóng, trục lợi bảo hiểm xã hội
Đối với vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, nghiên cứu của Dự án ECOW còn chỉ rõ có 51,8% công nhân muốn nghỉ hưu sớm nhưng vẫn muốn đóng đủ bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần. Nhưng cũng có gần ½ số công nhân được khảo sát không có khả năng này (chiếm 48,2%). Điều này cho thấy, bản thân công nhân và Nhà nước đều phải đối mặt với thách thức vấn đề an sinh xã hội trong thời gian tới khi công nhân rời khỏi khu vực sản xuất công nghiệp cùng với việc rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, vốn là một công cụ giúp công nhân có thể ổn định được thu nhập và được hưởng các dịch vụ phúc lợi xã hội, như y tế.
Cuối tháng 11 vừa qua, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản do Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu ký, yêu cầu Công đoàn các cấp triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách trước tình trạng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhiều và có xu hướng gia tăng. Một trong những yêu cầu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là Công đoàn các cấp đi sâu tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, xác định nhóm đoàn viên, người lao động có nguy cơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần để tuyên truyền, vận động, giải thích về những hệ lụy của việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần: Tự tước đi quyền lợi liên quan đến khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, mất cơ hội hưởng lương hưu khi về già, không được hưởng chế độ tử tuất, ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân, gia đình hiện tại và tương lai cũng như chính sách an sinh xã hội chung. Tăng cường công tác tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi tiền bảo hiểm xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn và người lao động để người lao động an tâm, tiếp tục tham gia, gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm xã hội.
Linh Nguyên (nguồn: laodong.vn)