banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Những nhiệm vụ chủ chốt của ngành Công Thương năm 2021
Cập nhật lúc 02:48 ngày 15/01/2021
Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2021 tăng 6,5%, ngành Công Thương thực hiện một số nhiệm vụ chung như sau:
- Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; tiếp tục củng cố trạng thái bình thường mới, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, vừa sẵn sàng phòng chống dịch trong tất cả các ngành, lĩnh vực và tại tất cả các cơ quan, đơn vị.
- Ban hành và tập trung triển khai ngay Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 và định hướng đến năm 2022.
- Triển khai tích cực Đề án cơ cấu lại các ngành công nghiệp; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
- Rà soát, cân đối lại tổng thể cơ cấu các nguồn năng lượng và thực hiện các cơ chế chính sách, biện pháp để bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong dài hạn và theo hướng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia mạnh mẽ hơn của khu vực kinh tế ngoài nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; và về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm trong mọi tình huống không để xảy ra thiếu điện phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.
- Bảo đảm cân đối xuất, nhập khẩu, đóng góp tích cực cho tăng trưởng. Tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để phát triển thị trường xuất khẩu và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; đa dạng hóa, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường.
Thực hiện tốt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ"; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu, chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước.
- Thúc đẩy sự phát triển và phát huy hiệu quả vai trò thị trường trong nước, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.
Thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị, chú trọng đến các mặt hàng nông sản. Thực hiện hiệu quả xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam và cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tăng cường quản lý, kiểm tra thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại..., xử lý nghiêm vi phạm.
- Thực hiện đồng bộ và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, đồng thời tích cực chuẩn bị trong nước cho việc thực thi hiệu quả các FTA mới. Tăng cường nghiên cứu các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế trong quá trình hoạch định chính sách về hội nhập.
Chú trọng nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, trong đó tập trung phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế trong hệ thống chính trị, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện các FTA đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và ASEAN.
- Đẩy nhanh việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết có hiệu lực. Chú trọng sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với cam kết quốc tế.
- Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển các công trình, dự án ngành công nghiệp có tính kết nối, lan tỏa phát triển giữa các ngành, lĩnh vực, vùng miền.
- Thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch về cải cách hành chính, trọng tâm là đơn giản hóa thủ tục hành chính; kiểm soát thủ tục hành chính, tiếp tục rà soát, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; đổi mới mạnh mẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức. Công khai, minh bạch hoạt động quản lý, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước.
- Thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để các vụ việc tồn đọng kéo dài.
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền công khai, minh bạch và hiệu quả. Chủ động cung cấp thông tin, nhất là tình hình kinh tế - xã hội, các cơ chế, chính sách mới cho cơ quan thông tấn, báo chí. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại về cơ chế, chính sách gắn với sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Quế Phong (nguồn: tapchicongthuong.vn)