banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng - Sức bật cạnh tranh cho doanh nghiệp
Cập nhật lúc 01:42 ngày 22/12/2020
Ngày 21/12 /2020, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức “Diễn đàn năng suất, chất lượng ngành Công Thương năm 2020”.
Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng; ông Trần Quang Huy - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam; PGS. TS. Nguyễn Quốc Trung - Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS. TS. Nguyễn Phú Hòa - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương; cùng Lãnh đạo các Bộ, Ban ngành Trung ương và địa phương; Lãnh đạo, quản lý cấp cao của các hiệp hội, tổ chức và doanh nghiệp; cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
Với chủ đề “Đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng - Sức bật cạnh tranh cho doanh nghiệp”, Diễn đàn năng suất, chất lượng năm nay mang đến một cái nhìn toàn cảnh về kết quả triển khai Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên cho giai đoạn 2021 - 2030.
99% doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả của các mô hình điểm
Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2012-2020 đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Theo kết quả khảo sát của Bộ Công Thương về hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng, sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp 2012-2020, có tới 99,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động hỗ trợ của Dự án đem lại hiệu quả, trong đó, yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của doanh nghiệp, lên tới 98%.
Dự án cũng đã giúp các doanh nghiệp đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về hệ thống quản lý, chất lượng sản phẩm của nhà nhập khẩu, chuỗi cung ứng của các nhà gia công lắp ráp. 95% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì cải tiến sau khi kết thúc dự án, trong đó 23,4% mô hình được mở rộng và tiếp tục duy trì. Tỷ lệ doanh nghiệp duy trì mô hình công cụ cải tiến và hệ thống quản lý tương đương, khoảng 45%.
Các hoạt động của Dự án đã gắn kết, tác động lan tỏa tích cực tới yêu cầu và triển khai đổi mới công nghệ, thiết bị tại doanh nghiệp. Các mô hình điểm đã trở thành ví dụ trực quan, có tính thuyết phục đối với hoạt động cải tiến trong nội tại doanh nghiệp và góp phần đưa phong trào cải tiến năng suất chất lượng tới nhiều doanh nghiệp và cơ quan tổ chức. Từ đó góp phần giúp các doanh nghiệp chủ động phát triển. 
Phần lớn doanh nghiệp điểm thể hiện nhu cầu nâng cao năng suất chất lượng trong giai đoạn 5 năm tới với tỷ lệ cao hơn ở tất cả các nhóm giải pháp so với các doanh nghiệp nói chung. Trong đó, các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tới việc đầu tư đổi mới công nghệ, chiếm khoảng 96,6%, tiếp theo đến việc áp dụng các mô hình, phần mềm để nâng cao hiệu quả quản lý (93,7%), Đào tạo nguồn nhân lực (91%), Công cụ cải tiến năng suất (90,5%), Hệ thống quản lý chất lượng (80,4%). 91% các doanh nghiệp điểm có nhu cầu tiếp tục được hỗ trợ từ Bộ Công Thương trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Việc duy trì và mở rộng các mô hình điểm đã cho thấy tính bền vững và lan tỏa từ các kết quả của Dự án. Với các hệ thống quản lý đặc thù, việc hỗ trợ các doanh nghiệp đã giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và tham gia vào các chuỗi cung ứng, đặc biệt là chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, 468 mô hình điểm được xây dựng sau 10 năm triển khai Dự án thuộc 08 ngành chủ lực theo Quyết định 604; 62 Quy chuẩn Việt Nam (QCVN), 71 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) được hoàn thành xây dựng, triển khai xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành Lộ trình hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Công Thương đến năm 2025 với mục tiêu bao quát và điều tiết đầy đủ các hoạt động của ngành Công Thương; 55 cuộc hội thảo, 91 khóa tập huấn đã được tổ chức.
Cùng với đó, 66 đơn vị tư vấn tham gia triển khai các nhiệm vụ của Dự án trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là đơn vị/doanh nghiệp tư vấn về cải tiến năng suất chất lượng; 15 Phòng thử nghiệm được hỗ trợ xây dựng, cập nhật hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 17025: 2017; 1 Phòng thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng về giấy thuộc Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã được đầu tư trang thiết bị có khả năng thử nghiệm nhiều chỉ tiêu kỹ thuật đặc thù của các sản phẩm mới.
Ngoài ra, hàng ngàn tin bài tuyên truyền nhằm lan tỏa tinh thần cải tiến năng suất chất lượng trong toàn ngành Công Thương và những lĩnh vực khác của đời sống. 219 bản tin chuyên đề; 94 chương trình, phim. 32 tài liệu hướng dẫn. 189 báo cáo về các trường hợp nghiên cứu điển hình.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá cao kết quả triển khai Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp trong giai đoạn qua; đồng thời đề nghị các đại biểu của Diễn đàn cùng trao đổi, chia sẻ về những kinh nghiệm, sáng kiến để tiếp tục triển khai thành công Chương trình trong giai đoạn tới, thúc đẩy Phong trào năng suất chất lượng phát triển trong từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực cũng như toàn ngành Công Thương.
Nhiều mục tiêu mới giai đoạn 2021-2030
Hiện nay, Bộ Công Thương đã hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 và sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành. Chương trình được xây dựng đặt trong bối cảnh phát triển và các yêu cầu mới của doanh nghiệp về nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, đặc biệt tính tới yêu cầu của quá trình hội nhập, định hướng của Việt Nam trong việc hình thành trung tâm sản xuất của khu vực và thế giới, chủ động tiếp cận và tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo đó, giai đoạn 2021-2030, Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa hướng tới nhiều mục tiêu mới. Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm của toàn ngành công nghiệp phấn đấu đạt mức 7,5%, trong đó tốc độ tăng năng suất của các ngành công nghiệp ưu tiên cao hơn 12%...
Cùng với đó, phấn đấu 100 mô hình điểm về đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm trong các ngành công nghiệp ưu tiên; 1.000 mô hình điểm về áp dụng các công cụ cải tiến và hệ thống quản lý tiên tiến.
Ngoài ra, trong giai đoạn tới, Chương trình hướng tới mục tiêu hình thành các trung tâm đổi mới, phát triển sản phẩm công nghiệp; đầu tư nâng cấp 20 phòng thử nghiệm, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm và đơn vị nghiên cứu, tư vấn chuyển giao công nghệ và phát triển sản phẩm; hình thành các công cụ số hóa hỗ trợ tư vấn và triển khai hoạt động cải tiến năng suất và quản lý chất lượng tại doanh nghiệp.
“Diễn đàn năng suất, chất lượng ngành Công Thương năm 2020” khép lại với phần Trao Bằng khen cho các đơn vị, cá nhân có thành tích triển khai Dự án trong giai đoạn 2012 – 2020; Trao giải thưởng Cuộc thi Nhóm cải tiến Năng suất và chất lượng ngành Công Thương năm 2020.
Khu vực trưng bày đã khái quát được những dấu ấn của Dự án trong gần 10 năm qua. Thông qua các giải pháp, mô hình được sơ đồ hóa, người xem có cái nhìn bao quát hơn về hiệu quả áp dụng cải tiến năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền. 
Trong khuôn khổ Chương trình, Ban Tổ chức cũng thực hiện hoạt động tham qua thực tế hoạt động ứng dụng cải tiến năng suất và chất lượng tại một số doanh nghiệp điển hình.
Tại Diễn đàn, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia và lãnh đạo một số doanh nghiệp đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ về những điểm mới trong hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp cải tiến năng suất chất lượng trong thời gian tới; việc lựa chọn doanh nghiệp, lĩnh vực ưu tiên trong hỗ trợ cải tiến năng suất chất lượng; xu hướng ứng dụng các công cụ quản trị doanh nghiệp hiện nay; ứng dụng công nghệ số trong việc nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; điều kiện để trở thành nhà cung cấp trong chuỗi sản xuất của tập đoàn đa quốc gia; kinh nghiệm tham gia dự án cải tiến năng suất chất lượng…
Nguyễn Hường (nguồn: moit.gov.vn)