banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Bàn về vai trò của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền của người lao động trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP
Cập nhật lúc 04:06 ngày 16/01/2020
1. Khái quát chung về tổ chức công đoàn
Công đoàn là tổ chức có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống chính trị của nước ta. Ngay tại Điều 10, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: "Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Vị trí và vai trò của tổ chức công đoàn được tái khẳng định tại Điều 1, Luật Công đoàn 2012. Điều đó cho thấy, trong các quy định của pháp luật Việt Nam, tổ chức Công đoàn có một vị trí đặc biệt quan trọng, là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động, đồng thời là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động - người có vị thế yếu thế so với người sử dụng lao động trong quan hệ lao động1.
Sự thành lập của tổ chức đại diện người lao động là một phong trào lớn trên thế giới, xuất hiện tại châu Âu vào đầu thế kỷ XIX đồng thời với cuộc cách mạng kĩ nghệ, khi người lao động có nhu cầu cần được bảo vệ trước sức mạng của người sử dụng lao động và tự ý thức được giá trị sức mạnh tập thể2. Ở Việt Nam, tổ chức công đoàn có lịch sử ra đời từ những năm 20 của thế kỷ XX. Dưới các tầng áp bức của chế độ phong kiến thực dân, giai cấp công nhân Việt Nam đã liên kết để thành lập các tổ chức nghiệp đoàn, công hội để đấu tranh đòi quyền lợi cho giai cấp mình. Trong các nghiệp đoàn, công hội đó, tổ chức công hội Ba Son được thành lập những năm 1920, đã đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Ngày 28/7/1929, Ban chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng quyết định triệu tập đại hội thành lập Tổng công hội đỏ Bắc Kỳ. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự ra đời của tổ chức đại diện lao động đầu tiên ở Việt Nam.
Trải qua hơn 90 năm xây dựng và phát triển, tổ chức công đoàn ngày càng khẳng định được vai trò của một tổ chức dẫn dắt và bảo vệ quyền của người lao động trong quan hệ lao động. Tổ chức công đoàn đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành qua các thời kỳ cách mạng của dân tộc, sát cánh cùng giai cấp công nhân và người người lao động qua những giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam. Cùng với giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn luôn là lực lượng tiên phong, đóng vai trò trung tâm trong đời sống chính trị của đất nước.
Hiện nay yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và các tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư đã và đang đặt ra cho đất nước ta và tổ chức công đoàn những thời cơ và thách thức mới. Việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để tiếp tục giữ vững và phát huy những thành quả to lớn và truyền thống của tổ chức công đoàn. Đồng thời, phải khẳng định được vai trò chủ lực, định hướng, dẫn dắt phong trào công nhân trong tình hình mới.
2. Vai trò của tổ chức công đoàn về vấn đề bảo vệ quyền của người lao động khi Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP
Ngày 8/3/2018, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được 11 thành viên ký kết, trong đó có Việt Nam. Đây rõ ràng là Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, quy định nhiều vấn đề như thương mại, đầu tư, viễn thông, môi trường, sở hữu trí tuệ... và một trong những nội dung đó có liên quan đến lĩnh vực lao động. Riêng về lĩnh vực lao động, theo cam kết trong Chương 19 của Hiệp định thì tất cả các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO trong pháp luật, thể chế và thông lệ của họ.
2.1. Một số nội dung chủ yếu liên quan đến quyền tự do liên kết của người lao động trong Hiệp định CPTPP
Hiệp định CPTPP không đặt ra tiêu chuẩn lao động riêng mà yêu cầu các quốc gia thành viên phải thực thi đầy đủ các quyền của người lao động đã được ghi nhận trong các công ước của ILO phù hợp với tinh thần của Tuyên bố năm 1998 của ILO. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia thành viên của Hiệp định sẽ phải thực thi đầy đủ các quyền, bao gồm: (1) Người lao động và người sử dụng lao động, không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào, có quyền được thành lập và gia nhập các tổ chức theo sự lựa chọn của mình mà không phải xin phép trước, với một điều kiện duy nhất là phải tuân theo điều lệ của chính tổ chức đó3. (2) Các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động có quyền lập ra điều lệ, những quy tắc quản lý, tự do bầu các đại diện, tổ chức việc điều hành hoạt động và soạn thảo chương trình hoạt động của mình. Các cơ quan có thẩm quyền phải tránh mọi sự can thiệp có tính chất hạn chế quyền đó, hoặc cản trở việc thi hành hợp pháp quyền đó4. (3) Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động có quyền hợp thành các liên đoàn, tổng liên đoàn và mọi tổ chức, liên đoàn hoặc tổng liên đoàn đó đều có quyền gia nhập đều có quyền liên kết với các tổ chức quốc tế của người lao động và người sử dụng lao động5. (4) Trong khi thi hành những quyền mà Công ước này đã thừa nhận cho mình, người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức tương ứng của họ, cũng như mọi người và mọi tập thể có tổ chức khác, đều phải tôn trọng pháp luật trong nước(6).
Theo Chương 19 của Hiệp định CPTPP, Việt Nam phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở. Tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở có thể lựa chọn gia nhập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động với tư cách là tổ chức độc lập so với hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (hoàn toàn không thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).
Dù thuộc hay không thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức đại diện của người lao động đều phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động đã được đăng ký. Tôn chỉ và mục đích hoạt động của tổ chức đại diện người lao động phải đảm bảo theo đúng các tiêu chuẩn của ILO nhằm để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động thông qua các hình thức tương tác được quy định trong pháp luật bao gồm đối thoại, thương lượng tập thể, đình công và các hành động công nghiệp khác trong quan hệ lao động(7). Trước yêu cầu của tình hình mới, đặt ra những yêu cầu và thách thức cho tổ chức Công đoàn Việt Nam phải đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, nhằm phát huy vai trò là tổ chức đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
2.2. Vai trò của tổ chức công đoàn về vấn đề bảo vệ quyền của người lao động khi Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP
Rõ ràng khi tham gia Hiệp định CPTPP, việc phê chuẩn và thực thi các công ước của tổ chức lao động quốc tế ILO đã và đang đặt ra cho tổ chức công đoàn Việt Nam những cơ hội và những thách thức rất lớn trong vai trò là tổ chức đại diện cho quyền lợi của người lao động. Vai trò của của tổ chức công đoàn cần được nghiên cứu và đánh giá đầy đủ trong hoàn cảnh những nội dung của các công ước đã tác động và ảnh hưởng đến tổ chức công đoàn. Có thể đánh giá vai trò của tổ chức công đoàn ở một số điểm chủ yếu sau:
Thứ nhất, công đoàn vẫn là tổ chức rộng lớn đại diện cho quyền lợi của người lao động. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê (8), đến ngày 29/3/2019 cả nước ước tính có 55,4 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (9) quý I/2019 ước tính là 76,6 % và số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm ước tính 54,3 triệu người. Từ đó, có thể thấy trong cơ cấu dân số của nước ta, lực lượng lao động chiếm một tỷ trọng lớn. Người lao động tham gia lao động, sản xuất trong nhiều ngành, nghề khác nhau trong các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Với bề dày truyền thống và kinh nghiệm hoạt động trong hơn 90 năm của mình, rõ ràng công đoàn vẫn là tổ chức duy nhất mang trong mình hai sứ mệnh là đoàn thể chính trị trong hệ thống chính trị Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và là tổ chức lớn nhất, mạnh nhất đại diện cho người lao động, chăm lo lợi ích và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Thứ hai, công đoàn có vai trò tham gia xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh. Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại đại hóa đất nước và trong bối cảnh của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ tư thì tổ chức công đoàn có vai trò tham gia xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh về cả số lượng và chất lượng. Với việc thực thi các cam kết của Hiệp định CPTPP, công đoàn không còn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động thì việc giảm sút số lượng đoàn viên, nhất là khu vực ngoài nhà nước, làm hạn chế vai trò của tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó, một số thế lực thù địch, lợi dụng quyền tự do hiệp hội để thành lập, thao túng và đội lốt "tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp" để hoạt động ngoài phạm vi quan hệ lao động và tại nơi làm việc, dẫn đến tình trạng quan hệ bị bóp méo hoặc diễn biến phức tạp. Lập trường chính trị và tư tưởng của người lao động cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Vậy nên, công đoàn phải là tổ chức có vai trò xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh.
Thứ ba, công đoàn tham gia xây dựng và hoàn thiện pháp luật, quan tâm và chăm lo đời sống, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người lao động. Trước yêu cầu của việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định CPTPP thì việc tham gia xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật về đại diện lao động có vai trò của tổ chức công đoàn. Việc luật hóa các nội dung trong các Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của người lao động là những yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế. Việc sửa đổi Luật Công đoàn là một trong những yêu cầu đặt ra để tương thích với các quy định của luật quốc tế, phù hợp với sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn còn phải luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống của người lao động, tạo thêm nhiều việc làm, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người lao động.
3. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ người lao động của công đoàn trong giai đoạn mới
Từ thực tiễn hoạt động của tổ chức công đoàn và trước những cơ hội và thách thức trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong giai đoạn hiện nay, bao gồm:
Thứ nhất, phải rà soát, hoàn thiện các quy định về công đoàn, trong đó quan trọng nhất vẫn là sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Công đoàn 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với hoạt động của tổ chức công đoàn. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức công đoàn trong điều kiện của tình hình mới. Trên cơ sở đó cần sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện các quy định có liên quan đến quyền thành lập, gia nhập tổ chức công đoàn của người lao động.
Thứ hai, đổi mới nội dung, phương thức, phương pháp chỉ đạo hoạt động một cách thực chất hơn, bám sát với nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên và người lao động. Việc này có ý nghĩa trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn, để hoạt động của tổ chức được thực chất và hiệu quả hơn. Tránh tình trạng hoạt động của tổ chức công đoàn ở nhiều địa phương, trong nhiều cơ quan, doanh nghiệp còn mang tính hình thức, đối phó, hiệu quả và chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn không cao, chưa thể hiện được vị trí và vai trò của một tổ chức đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nơi làm việc.
Thứ ba, cần thiết phải mở rộng đối tượng gia nhập và hoạt động công đoàn. Mặc dù là một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn nhưng thành viên của tổ chức công đoàn còn bị hạn chế. Cụ thể, trong hướng dẫn số 238/2014/HD-TLD của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 4/3/2014 có quy định các đối tượng không được kết nạp vào tổ chức công đoàn Việt Nam, bao gồm: (1) Người lao động có quốc tịch nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam; (2) Chủ doanh nghiệp, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc, giám đốc; người được ủy quyền quản lý doanh nghiệp hoặc ký hợp đồng lao động với người lao động trong doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm: phó chủ tịch hội đồng quản trị, phó tổng giám đốc, phó giám đốc, giám đốc nhân sự; (3) hiệu trưởng, viện trưởng; phó hiệu trưởng, phó viện trưởng được ủy quyền quản lý đơn vị hoặc ký hợp đồng lao động với người lao động trong đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; (4) xã viên trong các hợp tác xã nông nghiệp. Trong số các đối tượng này, theo chúng tôi nên quy định quyền tham gia tổ chức công đoàn của người lao động có quốc tịch nước ngoài. Đây không chỉ là một trong những biện pháp nhằm mở rộng thành viên cho tổ chức công đoàn mà còn là việc thực thi các cam kết của công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Thứ tư, có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho cán bộ công đoàn cơ sở. Chế độ phụ cấp cho cán bộ công đoàn cơ sở đã được quy định tại Quyết định số 1439/QĐ-TLĐ ngày 14/12/2011 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, là cơ sở cho việc thực hiện chế độ đãi ngộ với cán bộ công đoàn ở các đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức phụ cấp, hệ số phụ cấp hiện nay vẫn còn thấp, chưa tạo động lực cho các cán bộ công đoàn cơ sở, chưa thu hút được những người lao động có năng lực, nhiệt huyết làm cán bộ công đoàn. Vậy nên, cần phải xem xét, quy định lại chế đãi độ xứng đáng hơn cho cán bộ công đoàn cơ sở.
Thứ năm, chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và khẳng định vai trò của Công đoàn Việt Nam, phát huy hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế hỗ trợ cho hoạt động công đoàn. Hiện nay, Việt Nam đã gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhiều công ước quốc tế sẽ có hiệu lực ở Việt Nam. Tuy vậy, hiện tại Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn Công ước 87 về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức năm 1948 của ILO, đây được coi là 1 trong 8 công ước cốt lõi của ILO thuộc khuôn khổ tuyên bố năm 1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Vì vậy, cần phải tiếp tục các bước cần thiết, chuẩn bị cho việc phê chuẩn đối với công ước 87 của ILO. Đây là một yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn hiện nay, nhằm góp phần nâng cao vị thế của công đoàn Việt Nam.
Hoạt động bảo vệ quyền của người lao động luôn là trách nhiệm của tổ chức công đoàn. Để tổ chức công đoàn thực sự là sự là một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn, tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi cho người lao động đòi hỏi tổ chức công đoàn không ngừng đổi mới, thay đổi nội dung và phương thức hoạt động, chuyển biến tư duy và nhận thức cho phù hợp với vai trò lịch sử của tổ chức công đoàn trong giai đoạn mới - đặc biệt trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do đã và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.
ThS. Trần Tuấn Sơn (nguồn: congthuong.vn)