banner2019
 
Thứ ba, ngày 19 tháng 03 năm 2024
Thứ ba, ngày 19 tháng 03 năm 2024
Phụ nữ ngành Công Thương: Phát huy những giá trị tốt đẹp
Cập nhật lúc 10:52 ngày 21/10/2019
Với nhiều lĩnh vực quan trọng như thương mại, dịch vụ, công nghiệp điện, dầu khí, khai thác mỏ… môi trường làm việc trong ngành Công Thương khá vất vả, nhạy cảm… Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn, nữ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành đã không ngừng phấn đấu, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo trên các lĩnh vực, "giỏi việc nước, đảm việc nhà".
Phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, đội nữ công nhân viên chức, lao động ngành Công Thương thời gian qua đã có nhiều đóng góp phát triển ngành và sự bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ. Minh chứng cho điều này là ngày càng nhiều lao động nữ trong ngành có công trình nghiên cứu được nhận giải thưởng: Kovalepskaia, Nữ doanh nhân trí thức thành đạt, Bằng Lao động sáng tạo… Hàng năm, có từ 10-20 chị em được tôn vinh lao động giỏi, lao động sáng tạo cấp công đoàn ngành. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ nữ được tin tưởng và tham gia nhiều vị trí trọng trách trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Công đoàn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, các đơn vị trực thuộc.
Chị Lâm Thị Nguyệt - là một trong những tấm gương lao động nữ xuất sắc ngành Công Thương
Điển hình trong số những tấm gương lao động nữ xuất sắc ngành Công Thương "giỏi việc nước, đảm việc nhà" không thể không nhắc đến chị Lâm Thị Nguyệt – nguyên Cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu số 11, Công ty xăng dầu khu vực V (Petrolimex Đà Nẵng). Làm việc tại Công ty xăng dầu khu vực V từ năm 1991 đến tháng 7/2013, chị Nguyệt nhận nhiệm vụ cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu số 11. Thời điểm này, sản lượng bình quân của cửa hàng đạt xấp xỉ 400 m3/tháng. Song, với sự tận tụy, trách nhiệm, luôn xem cửa hàng là ngôi nhà thứ hai cộng với kinh nghiệm, chị đã tổ chức lao động hợp lý, khai thác các điểm mạnh của từng cá nhân, khích lệ, động viên nhân viên cửa hàng vượt qua thời điểm khó khăn; có chính sách phù hợp với các nhóm khách hàng nhằm gia tăng sản lượng của cửa hàng và thu nhập cho người lao động. Chị thường xuyên nhắn nhủ nhân viên cửa hàng: "Mỗi người cố gắng đạt mục tiêu ngày hôm sau hơn ngày hôm trước chỉ 1%, tích tiểu thành đại, cửa hàng sẽ sớm cán mốc 1.000 m3!". Và chị đã thành công. Đến thời điểm tháng 3/2019, Cửa hàng xăng dầu số 11 đã đạt sản lượng xuất bán 1.000 m3/tháng. Sau gần 30 năm tận tụy với công việc, chị Nguyệt không chỉ được đồng nghiệp yêu mến mà còn được đặt mệnh danh "Nữ thủ lĩnh đặt dấu ấn nghìn khối".
Tuy chị đã nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 4/2019, nhưng nhắc đến chị, không chỉ các chị em trong công ty xăng dầu khu vực V mà nhiều chị em trong ngành coi đó là tấm gương sáng để học tập.
Nữ công nhân ngành Công Thương luôn tận tình với công việc
Cũng giống như chị Nguyệt, chị Nguyễn Phương Thảo - Trưởng Ban Nữ công, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - cũng gắn bó với công ty từ những năm tháng tuổi trẻ, với công việc đầu tiên là công nhân của nhà máy. Có lẽ chính từ sự trưởng thành trong gian khó đã khiến chị thấu hiểu nỗi vất vả của công nhân luyện thép và hun đúc chị trở thành một cán bộ nữ tận tâm. Không chỉ hết lòng với công nhân, chị Thảo còn luôn biết vận dụng kiến thức chuyên môn của một người thợ luyện cán thép xưa để cùng với tập thể, Công đoàn công ty đẩy mạnh các phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa trong sản xuất… Ghi nhận những thành tích của chị, vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tuyên dương chị là Cán bộ nữ công tiêu biểu toàn quốc năm 2019.
Bà Lê Thị Đức - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam:
Để nữ công nhân viên chức, lao động trong ngành tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của mình, các cấp Công đoàn Công Thương Việt Nam sẽ đẩy mạnh hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ; đẩy mạnh phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", "lao động sáng tạo" và các phong trào phù hợp khác để lao động nữ nhận thức và biết cân bằng hài hòa việc nước, việc nhà…

Thanh Tâm (nguồn: congthuong.vn)