banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Để tinh thần Ngày Phụ nữ Việt Nam ở lại
Cập nhật lúc 02:04 ngày 17/10/2019
Tại Việt Nam, ngoài ngày 8/3 cả thế giới dành riêng tôn vinh phái đẹp nói chung, thì chúng ta còn có thêm một ngày đặc biệt – 20/10 để thể hiện lòng kính trọng và yêu thương đến các bà, các mẹ, các chị em trên khắp mọi miền Tổ quốc. 
Phụ nữ là để yêu thương…!
Đã thành thông lệ, trong dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, cánh mày râu thường dành cho người phụ nữ mà mình yêu thương những bó hoa tươi thắm, những món quà ý nghĩa để thay cho lời tri ân đến phái đẹp. Đặc biệt, nhiều cơ quan, đơn vị còn tổ chức gặp mặt để biểu dương, gửi gắm tình cảm trân trọng và ghi nhận đóng góp to lớn của lao động nữ. 
Xã hội ngày càng thay đổi, nhận thức về vai trò của người phụ nữ ngày càng được nâng cao, tỷ lệ nữ trong các cơ quan, đơn vị các cấp đã được tăng dần, thậm chí được văn bản hóa, hiện thực hóa trong các quy định chính thống. Cũng như vậy, trên bình diện gia đình, người phụ nữ luôn đóng một vai trò đặc biệt quan trọng với việc xây dựng nền tảng và giá trị cốt lõi của hạnh phúc từ các thiên chức mà họ được ban tặng.
Tuy nhiên, có một thực tế là, sau mỗi một buổi lễ tôn vinh hoặc sau thời khắc tặng quà, tri ân của phái mạnh, đa số những người vợ, người mẹ, nhất là lực lượng lao động nữ tại các cơ sở lại trở về điệp khúc “trung hậu, đảm đang” để vừa hoàn thành trung bình 8 giờ làm việc tại cơ quan bình đẳng như nam giới, đồng thời tiếp tục dành thêm hơn 4 giờ đồng hồ mỗi ngày cho những việc “không tên” tại nhà (Actionaid VN) mà ít hoặc không thường xuyên nhận được sự san sẻ từ các thành viên nam trong gia đình. Tại sao lại có hai thái độ ứng xử khác nhau về bình đẳng giới như vậy? Phải làm gì để cải thiện thực tế này cũng như không để Việt Nam là nước đi trước về sau trong bình đẳng giới là một việc đã, đang làm nhưng rất khó và lâu dài. Giải pháp của mỗi tổ chức, mỗi cá nhân trong từng thời điểm chưa đủ để giải quyết vấn đề. Chính vì vậy, cần nhiều sự chung tay xây dựng để cùng hoàn thiện các giải pháp. 
Công đoàn chung tay nhằm thay đổi nhận thức về bình đẳng giới 
Trong khuôn khổ bài chia sẻ này, người viết gợi mở, đề cập đến vai trò của công đoàn cơ sở mà trực tiếp là Ban Nữ công quần chúng (sau đây gọi tắt là Công đoàn) nhằm làm giảm bớt gánh nặng công việc chăm sóc không lương (CVCSKL - việc nhà, việc gia đình) cho lao động nữ để những tinh thần tốt đẹp của ngày Phụ nữ Việt Nam thực sự ở lại, tạo điều kiện cho lao động nữ có cơ hội bình đẳng cả bên trong lẫn bên ngoài tổ ấm của mình. Đó là:      
Thứ nhất, Công đoàn tích cực, chủ động tham gia tuyên truyền cùng các cơ quan truyền thông thông tin rộng rãi để thay đổi hình ảnh người phụ nữ cũng như tư duy về bình đẳng giới cho người lao động tránh những định kiến, khuôn mẫu giới và các quan niệm như “việc nhà là việc của đàn bà”... Phổ biến khái niệm và trách nhiệm của mỗi người về CVCSKL để phụ nữ được thừa hưởng một cuộc sống bình đẳng về mọi mặt, hoàn thành chỉ tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới lộ trình rút ngắn khoảng cách thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam.      
Bên cạnh việc lan tỏa các thông điệp yêu thương rất nhân văn với phụ nữ nhưng dễ làm cho người lao động đặc biệt là lao động nam hiểu sang khía cạnh chỉ là khuyến khích chứ không bắt buộc, Công đoàn nên phổ biến rộng rãi dưới hình thức dễ nhớ và ngắn gọn các nội dung quy định cơ bản về Luật Bình đẳng giới (năm 2006) như: chia sẻ việc nhà là trách nhiệm của cả phụ nữ và nam giới hay sự ghi nhận của Luật Hôn nhân và Gia đình (năm 2014): công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi là lao động có thu nhập…  
Thứ hai, nhân dịp kỷ niệm 20/10, Công đoàn hãy phát động nam CNVCLĐ với hành động cụ thể như: dành một ngày làm việc nhà, làm việc nhà như là thành viên trong gia đình… để họ thật sự “đứng trong” tổ ấm, hết giờ làm trở về nhà với đúng nghĩa một người con, trải nghiệm một phần việc “không tên” mà các anh vẫn thường mặc nhiên là của mẹ; cảm nhận nỗi vất vả và sẻ chia thiết thực với người vợ thân yêu. Từ đó hình thành phản xạ thường xuyên trong việc nuôi dạy con cái cũng như CVCSKL của lao động nam. Làm được như vậy chính là cách thể hiện giản dị mà sâu sắc sự hiếu lễ với mẹ; tình yêu, sự khích lệ đối với người vợ của mình khi cuộc sống còn bộn bề những nhọc nhằn, lo toan. 
Đặc biệt, với con trẻ, hình ảnh người cha và trái tim tận tuy, luôn hết lòng vì hạnh phúc gia đình, hết lòng chăm sóc người thân sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức về những năm tháng tuổi thơ. Hình ảnh ấy có giá trị giáo dục hơn bất kì một bài học bình đẳng giới nào khác bởi sự tự nhiên và thuần phác vốn có trong việc hình thành ý thức và xây dựng nhân cách cho một thế hệ tương lai. Chính vì vậy, tạo thói quen san sẻ CVCSKL cho lao động nam hay nói cách khác, khi tổ chức công đoàn tuyên truyền, giáo dục trách nhiệm, tình yêu thương, sự thông cảm bắt đầu từ gia đình sẽ là nền tảng vững chắc góp phần thực hiện thành công bình đẳng giới.   
Thứ ba, trên các diễn đàn dành cho phụ nữ hoặc nội dung sinh hoạt của Ban Nữ công công đoàn các cấp thường vẫn duy trì, củng cố những quan điểm khá cũ như làm đẹp, nấu ăn ngon hay cách giữ chồng… mà chưa nhiều các lớp tập huấn, các buổi trao đổi để hướng dẫn cho nữ CNVCLĐ có sự đổi mới trong tư duy, suy nghĩ, từ bỏ thói quen thu mình, làm thay đổi tích cực các ông chồng và động viên nhau nâng cao quyền lợi chính đáng cũng như biết tổ chức gia đình hạnh phúc, khéo léo san sẻ hợp lý CVCSKL, thử sức thể hiện năng lực và bản lĩnh ở những lĩnh vực mới. Chỉ có như vậy lao động nữ mới ở thế chủ động, dám xây dựng ước mơ, thực hiện hoài bão và quan trọng hơn cả là họ không phải chịu sự bất bình đẳng ngay tại gia đình, nơi làm việc cũng như trong cộng đồng, đất nước vốn đã ban hành nhiều điều luật bảo vệ phụ nữ. Bởi vì thực hiện bình đẳng giới là tạo cơ hội cho phụ nữ được quan tâm, được tôn trọng, được đối xử công bằng nhưng chuyện một người phụ nữ được yêu thương, được tôn vinh và được phát triển bản thân đến đâu lại phụ thuộc vào sự nỗ lực của chính họ. Trên con đường đến đích bình đẳng, Công đoàn đóng vai trò quan trọng, đồng hành, tiếp sức, giúp lao động nữ sử dụng tốt nhất những cơ hội mà gia đình, xã hội và đơn vị dành cho.   
Thứ tư, để giảm bớt gánh nặng CVCSKL cho lao động nữ, Công đoàn cần tiếp tục kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền nhằm vận động đưa giáo dục bình đẳng nam nữ cho các con từ khi ngồi trên ghế nhà trường cũng như tăng tính sẵn có và khả năng tiếp cận của các dịch vụ công nhất là đầu tư xây dựng trường học đặc biệt là trường mẫu giáo; có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện để họ cân bằng công việc và gia đình; mở rộng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi; tổ chức khám BHYT ngoài giờ hành chính (một trong chín kiến nghị của TLĐLĐVN đề xuất với Chính phủ năm 2019); ghi nhận và khuyến khích quyền tương đương cho lao động nam trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình, nghỉ việc chăm con nhỏ, ốm đau…   
Cuối cùng, xin được trích lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi gặp mặt công nhân kỹ thuật cao do TLĐLĐVN tổ chức năm 2019, rằng: “Hãy giảm thời gian lướt web vô ích, giảm chơi game lại, hạn chế ngồi cafe kéo dài…”. Thực hiện câu nói của Thủ tướng không khó và có giá trị rất lớn trong nhiều trường hợp kể cả bình đẳng giới. Đó là, để đi đến các mục tiêu xa của bình đẳng giới, chúng ta hãy bắt đầu từ những việc đơn giản nhất bởi vì chỉ cần một thay đổi nhỏ của mỗi người trong một cộng đồng lớn có thể giải quyết nhiều vấn đề xã hội. 
Để tôn trọng, yêu thương những người phụ nữ thân thiết của mình, nam giới hãy biết từ chối những gì làm ảnh hưởng đến gia đình, dành nhiều thời gian và chia sẻ CVCSKL với họ. Chỉ cần bắt đầu như vậy thì ngày 20/10 sẽ tràn ngập niềm vui và tinh thần ấy sẽ luôn ở lại.
Đinh Lan Phương