banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Hướng đi cho hoạt động hợp tác quốc tế của Công đoàn Công Thương Việt Nam
Cập nhật lúc 01:03 ngày 13/02/2014

          Trong những năm qua, CĐCTVN luôn được xem là điểm sáng về hoạt động đối ngoại của các cấp Công đoàn Việt Nam với nhiều kết quả đáng khích lệ, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao, đảm bảo tính chuyên nghiệp, thống nhất, thiết thực và hiệu quả. Việc định hướng hoạt động đối ngoại của Công đoàn Công Thương Việt Nam luôn là một nội dung được Lãnh đạo và cán bộ CĐCTVN đặc biệt quan tâm.

Năm 2013, CĐCTVN tiếp tục được coi là công đoàn Ngành có hoạt động đối ngoại lớn nhất, phong phú nhất trong hệ thống các công đoàn Ngành và Liên đoàn Lao động trực thuộc Tổng Liên đoàn. Tính riêng đoàn ra, mức trung bình của toàn hệ thống là 1,5 đoàn/đơn vị/năm trong khi số lượng đoàn của CĐCTVN lớn hơn gần gấp 5 lần. CĐCTVN đã tổ chức 7 lượt đoàn ra với 17 lượt cán bộ dự hội nghị, hội thảo và tập huấn tại nước ngoài, đón 5 đoàn với 12 khách quốc tế vào thăm và làm việc song phương, đón 6 lượt đoàn với 17 khách vào phối hợp tổ chức 10 lượt sự kiện. Tổng số người được tham dự tập huấn, hội thảo trong nước là 307 người và ở nước ngoài là 5 người. Ngoài ra, CĐCTVN cũng phối hợp tiếp đón 3 đoàn với 37 lượt khách vào thăm và làm việc tại Việt Nam và cử hàng chục cán bộ dự các lớp tập huấn và hội thảo do Tổng Liên đoàn phối hợp với các đối tác tổ chức.

CĐCTVN giao lưu, trao đổi với CĐ Năng lượng và Mỏ Lào

Nhìn chung, việc trao đổi đoàn đã được tổ chức đảm bảo đúng trình tự, thủ tục. Các hội nghị, hội thảo, tập huấn được thực hiện an toàn và hiệu quả. Qua đó, cán bộ công đoàn ngành Công Thương có cơ hội giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ về mọi mặt đồng thời góp phần giới thiệu về đất nước, con người và tổ chức Công đoàn Việt Nam với bạn bè trên thế giới.

Tuy nhiên, cần nhận thấy một thực tế là số lượng hoạt động đối ngoại năm 2013 của CĐCTVN có sự giảm sút; sau các hoạt động, việc xác định và áp dụng những bài học thiết thực và phù hợp từ các hội thảo, tập huấn quốc tế vào thực tiễn hoạt động của các đơn vị trong Công đoàn Ngành vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng một số giảng viên và việc thực hành giảng dạy chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Việc triển khai từng hoạt động cụ thể có lúc còn bị động, sự phối hợp chưa thực sự nhuần nhuyễn hoặc chưa hoàn toàn đúng đối tượng. Công tác thông tin đối ngoại và hoạt động nghiên cứu chưa được triển khai thường xuyên.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, trước hết là cách nhìn về vai trò và vị trí của công tác đối ngoại công đoàn. Có thể nhận thấy, ở nhiều đơn vị, ngay cả ở công đoàn cấp trên cơ sở, hoạt động đối ngoại vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Chính sách tiết kiệm triệt để trong toàn hệ thống cũng như yêu cầu tập trung phục vụ Đại hội Công đoàn Ngành khiến số lượng sự kiện bị cắt giảm. Bên cạnh đó, vấn đề nhân lực phục vụ công tác đối ngoại vẫn còn bất cập, chưa được tập huấn chuyên sâu. Về mặt khách quan, tại hầu hết các doanh nghiệp, nguồn thu công đoàn bị thu hẹp, thời gian và kinh phí hỗ trợ tổ chức hoạt động phong trào hoặc tham gia hoạt động do cấp trên tổ chức không phải lúc nào cũng thuận lợi. Về thủ tục, để tổ chức một hoạt động, CĐCTVN phải trình qua nhiều cấp, cần thời gian đáng kể để xử lý. Có thể nói, thời kỳ “hoàng kim” của Đổi mới, phát triển kinh tế đất nước và hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam, trong đó có CĐCTVN đã kéo dài hơn 10-20 năm, nay chững lại. Mặt khác, do các nhà tài trợ xác định nền kinh tế Việt Nam đã vượt ngưỡng nghèo, Công đoàn Việt Nam có môi trường hoạt động tương đối thuận lợi, nhất là về kinh phí nên chuyển hướng quan tâm sang các công đoàn ở những nước khó khăn hơn.

Người xưa có câu “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa” nghĩa là quý cái tinh thông, tinh túy (có chất lượng) chứ không quý cái sự nhiều (mà không chất lượng hoặc chất lượng không cao). Thực ra, tùy thuộc vào từng giai đoạn, ta có thể xác định phương hướng đối ngoại phù hợp. Có giai đoạn cần mở rộng (“quý hồ đa”), có thời kỳ cần sự kết hợp giữa mở rộng với tập trung các quan hệ có chiều sâu, đảm bảo tính hiệu quả (“đa” và “tinh”). Trong những điều kiện hạn chế khả năng mở rộng, chẳng hạn như trong năm 2014, với bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, yêu cầu tiết kiệm được quát triệt chặt chẽ, đối ngoại CĐCTVN chuyển sang giai đoạn “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”.

Để thực hiện hiệu quả hoạt động quan hệ quốc tế trong thời gian tới, CĐCTVN cần có sự đầu tư thích đáng, trọng tâm và thiết thực, đảm bảo sự thống nhất trong công tác chỉ đạo thực hiện; biết nắm bắt tình hình và xu hướng vận động, biến đổi của phong trào công nhân, công đoàn trong nước và quốc tế; có kỹ năng lập kế hoạch và tổng hợp hoạt động, đồng thời, biết huy động sự tham gia của các cấp công đoàn trong hệ thống; tranh thủ được sự hỗ trợ về nhân tài, vật lực của đối tác một cách hợp lý. Mặt khác, cần lưu ý, muốn duy trì và phát triển quan hệ giữa các tổ chức, cần có nền tảng hiểu biết, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau. Điểm cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là năng lực, phẩm chất của người làm công tác đối ngoại.

Thiết lập mối quan hệ hợp tác với CĐ Công nghiệp Thực phẩm Ai Cập 

Trên cơ sở nắm rõ phương châm “Chủ động-Linh hoạt-Sáng tạo-Hiệu quả” và “Tiết kiệm”, quán triệt “Quy định Quản lý hoạt động đối ngoại các cấp Công đoàn Việt Nam”, nhiệm vụ đối ngoại trong năm 2014 và các năm tiếp theo được xác định là đổi mới hoạt động quan hệ quốc tế, kiện toàn bộ máy cán bộ làm công tác đối ngoại, nâng cao hiệu quả của thông tin đối ngoại, đầu thư thích đáng cho công tác nghiên cứu quốc tế, tăng cường quan hệ với công đoàn các nước láng giềng, trong đó có công đoàn Trung Quốc, thúc đẩy các quan hệ truyền thống, đề xuất những nội dung hợp tác mới.

Để thực hiện những nhiệm vụ trên, CĐCTVN cần phát triển quan hệ có chiều sâu, tập trung quan hệ với Công đoàn Công nghiệp Toàn cầu (IndustriALL), tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với công đoàn các nước “láng giềng”, nhất là quan hệ với Công đoàn Trung Quốc, phát huy quan hệ tạo với các đối tác lâu năm như các công đoàn ngành của Úc, Đức, Pháp, Bỉ; huy động sự tham gia của các cấp công đoàn và tranh thủ sự ủng hộ của chính người Việt Nam sống tại nước ngoài hoặc làm việc trong các tổ chức đối tác; xác định nội dung hợp tác phải cụ thể, thiết thực, mới mẻ; nâng cao năng lực thông tin, tuyên truyền đối ngoại và nghiên cứu về tình hình công đoàn quốc tế; cần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ làm công tác đối ngoại và phát triển mạng lưới cộng tác viên đối ngoại; tích cực đổi mới công tác chỉ đạo thực hiện hoạt đối ngoại, có sự phân cấp, phân công quản lý, hoàn thiện cơ chế phối hợp (với cấp trên, với Bộ Công Thương và trong nội bộ Công đoàn Ngành) đồng thời có sự hướng dẫn thực hiện và kiểm tra.

Quán triệt quan điểm hoạt động đối ngoại nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ngành Công Thương, CĐCTVN sẽ và phải xác định được hướng đi, kiên định với hướng đi sắp tới của hoạt động này. Kỳ thực “phía trước luôn có một con đường”, dù “trên mặt đất vốn làm gì có đường” nhưng “ người ta đi mãi thì thành đường đó thôi”.

Thanh Xuân