banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Chủ động, sáng tạo trong hoạt động công đoàn
Cập nhật lúc 03:34 ngày 11/02/2014

Nhân dịp Xuân Giáp Ngọ 2014, Bản tin CĐCT đã có cuộc trao đổi với đ/c Đặng Ngọc Tùng, Uỷ viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về kết quả hoạt động công đoàn và phong trào CNVC LĐ năm 2013 và phương hướng năm 2014.


PV: Kính thưa đồng chí Đặng Ngọc Tùng! Năm 2013 là năm diễn ra Đại hội lần thứ XI Công đoàn Việt Nam. Xin đồng chí cho biết một số hoạt động nổi bật trong phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn trong năm vừa qua?

Đ/c Đặng Ngọc Tùng: Năm 2013, mặc dù kinh tế toàn cầu suy giảm; kinh tế đất nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ; việc làm, tiền lương, thu nhập, đời sống của người lao động chưa được cải thiện nhiều. Nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, trong đó có tổ chức Công đoàn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,4% so với năm 2012. Kinh tế vĩ mô giữ ổn định. Lạm phát được kiềm chế; lãi suất ngân hàng giảm. Sản xuất công nghiệp dần dần phục hồi. Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định. Các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm được tăng cường. Hoạt động đối ngoại tiếp tục đạt được những thành công to lớn. Phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn trong năm vừa qua cũng đã đạt được những thành tích rất quan trọng, thể hiện cụ thể trong các mặt công tác sau:
1. Công tác tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI. Năm 2013, là năm cả hệ thống Công đoàn tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức Đại hội Công đoàn cấp tỉnh, ngành Trung ương và tiến hành Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI. Quá trình Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đã tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương và các cấp uỷ đảng; sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các cấp, các ngành, các đơn vị trong cả nước, các tổ chức Công đoàn khu vực và quốc tế; sự lãnh đạo, hướng dẫn, chỉ đạo rất kịp thời của Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn; sự đóng góp trí tuệ, công sức của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và sự nỗ lực cố gắng của các cấp Công đoàn, Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đã diễn ra trang trọng, nghiêm túc, đảm bảo nội dung, chương trình và nguyên tắc, theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, đã phát huy được tinh thần “dân chủ, đoàn kết, đổi mới, thiết thực”. Ngay sau Đại hội, Tổng Liên đoàn và công đoàn các ngành, địa phương đã nhanh chóng tổ chức triển khai học tập quán triệt những nội nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội đến cán bộ, đoàn viên. Nhiều nơi đã chủ động xây dựng chương trình hành động và kế hoạch cụ thể làm cơ sở triển khai thực hiện trong từng năm và cả nhiệm kỳ để thực hiện các nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Đại hội đã đề ra.
2. Công tác tham gia xây dựng pháp luật, chính sách và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên và người lao động. Trọng tâm trong công tác tham gia xây dựng pháp luật, chính sách của tổ chức Công đoàn trong năm 2013 là tích cực nghiên cứu, tham gia sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992. Tổ chức công đoàn đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên và người lao động tham gia ý kiến vào dự thảo Hiến pháp và ngày 28 - 11 - 2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp sửa đổi năm 2013, trong đó có Điều 10 quy định về tổ chức Công đoàn Việt Nam được giữ lại, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với giai đoạn cách mạng hiện nay, tiếp tục khẳng định vai trò và vị trí của tổ chức duy nhất đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ nước ta.  
Tổng Liên đoàn và các cấp Công đoàn cũng đã chủ động tham gia xây dựng và hoàn thiện nhiều chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của CNVCLĐ, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên và người lao động; tích cực, chủ động nghiên cứu, tham gia với Chính phủ xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn năm 2012 và Bộ Luật Lao động năm 2012. Các cấp công đoàn đã chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước tổ chức rà soát, xác định cụ thể nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động làm cơ sở trong việc triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ người lao động; đẩy mạnh các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm, vay vốn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, trợ giúp pháp lý; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; hướng dẫn thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức hội nghị cán bộ công chức, đại hội công nhân viên chức, hội nghị người lao động để ký kết thoả ước lao động tập thể, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm, ổn định thu nhập. Qua đó bảo vệ có hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp...
Công đoàn các cấp đã tham gia có hiệu quả vào đề án tái cơ cấu, sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước. Có nhiều ý kiến đóng góp vào việc tái cơ cấu lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hạn chế lao động mất việc làm, giải quyết chế độ cho lao động dôi dư; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các bức xúc, yêu cầu chính đáng của công nhân, lao động, góp phần tạo cho tình hình tranh chấp lao động trong năm có xu hướng giảm. Các hoạt động xã hội của Công đoàn trong năm 2013 tiếp tục thu hút sự ủng hộ của đông đảo CNVCLĐ cả nước, đã kịp thời chăm lo đến đoàn viên và người lao động những lúc khó khăn, hỗ trợ các gia đình chính sách và những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội. Tiếp tục các hoạt động hướng tới ngư dân và biển đảo. Có nhiều hoạt động hỗ trợ các nghiệp đoàn nghề cá, động viên ngư dân đoàn kết, yên tâm bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân tới các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, các gia đình có công, các trung tâm điều dưỡng; xây dựng Nhà tình nghĩa và các hoạt động xã hội khác tiếp tục đạt nhiều hiệu quả, được đông đảo đoàn viên, người lao động đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.
3. Công tác tuyên truyền, giáo dục. Cùng với nhiệm vụ thường xuyên tuyên truyền trong đoàn viên và người lao động về các Nghị quyết, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến người lao động và Công đoàn, các cấp Công đoàn đã tập trung chỉ đạo, thực hiện tuyên truyền và tham gia ý kiến góp ý sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong CNVCLĐ, mà trọng tâm là Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn năm 2012 và một số Nghị định hướng dẫn thi hành. Trong đó chú trọng hơn đến đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong tuyên truyền đã chú ý hơn đến việc đa dạng các hình thức tiếp cận với đoàn viên và người lao động, tạo điều kiện cho các cán bộ, đoàn viên, người lao động được học tập, tìm hiểu, nghiên cứu các chế độ, chính sách liên quan; kịp thời nắm bắt, trao đổi, giải quyết những bức xúc, khó khăn vướng mắc của người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp. Các cấp công đoàn đã tổ chức tốt Tháng Công nhân với nhiều hoạt động có nội dung phong phú, hình thức đa dạng, thiết thực như “Cùng công nhân vượt khó”, “Chăm lo đời sống công nhân”, “Chuyến hàng Việt”, “Trái tim nghĩa tình”, tuyên dương lao động giỏi, hội thao, đối thoại, thi tìm hiểu pháp luật, trao nhà “Mái ấm Công đoàn”...; tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” gắn với việc tổ chức triển khai Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đoàn viên và người lao động; vận động cán bộ, CNVCLĐ tích cực tham gia xây dựng Đảng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển đảng trong công nhân, lao động; định hướng nội dung thông tin tuyên truyền trong các cơ quan báo, tạp chí, bản tin, nhà xuất bản trong hệ thống Công đoàn và công tác phối hợp với một số cơ quan báo, phát thanh, truyền hình của Trung ương đã kịp thời thông tin về phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn cả nước, phản ánh rõ phong trào thi đua sôi nổi nhân các sự kiện trọng đại của đất nước.
4. Công tác tổ chức các phong trào thi đuaHưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, 100% LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương đã triển khai sâu rộng đến tất cả các cấp Công đoàn về nội dung chính là phát huy truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam khắc phục khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, huy động mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo với mục tiêu “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”, học tập, công tác đạt hiệu quả cao, thực hành tiết kiệm; tích cực hưởng ứng tham gia phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp”,  “Xanh, sạch, đẹp - bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “Thi đua liên kết phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn”, tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động người cán bộ công chức “Trung thành-Tận tụy-Sáng tạo-Gương mẫu”… góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2013 của ngành, địa phương, cơ sở. Qua các phong trào thi đua, đã có 135 công trình gắn biển chào mừng với tổng số vốn đầu tư gần 100 ngàn tỷ đồng; Tổng Liên đoàn đã tổ chức xét chọn và trao giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ II cho 139 công nhân, lao động; phối hợp với Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Lao động tổ chức thành công chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 10 tôn vinh 15 cá nhân và 11 tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phong trào thi đua trên công trình trọng điểm quốc gia như xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu, đường dây 110kv... tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, khả năng làm chủ công nghệ của người lao động, thực sự đào tạo, xây dựng đội ngũ công nhân, lao động trưởng thành cả về chính trị, tay nghề, ý chí, nghị lực vươn lên và góp phần đẩy nhanh tiến độ công trình đảm bảo chất lượng, an toàn.
Để động viên các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã quyết định tặng thưởng 1.564 cờ thi đua, 7.947 bằng khen, 638bằng lao động sáng tạo; quyết định công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp Tổng Liên đoàn cho 118 cá nhân. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 9 tập thể; Chiến sỹ thi đua toàn quốc cho 04 cá nhân; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 165 tập thể, cá nhân...
5. Công tác phát triển đoàn viên, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở.Trong năm qua, các cấp công đoàn đã dành nhiều thời gian, kinh phí, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, tạo điều kiện của chính quyền cùng cấp, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp, nhất là ở khu vực ngoài nhà nước đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo thống kê chưa đầy đủ, 6 tháng đầu năm 2013, cả nước đã kết nạp mới được 247.165 đoàn viên, đạt 76,7% kế hoạch cả năm; thành lập 1.838 công đoàn cơ sở, đạt 78,2% kế hoạch cả năm. Công tác xây dựng công đoàn cơ sở thực sự vững mạnh được các công đoàn ngành, địa phương quan tâm tổ chức thực hiện.
Sau Đại hội Công đoàn các cấp, việc tổ chức tập huấn hoàn thiện và nâng cao kỹ năng hoạt động công đoàn cho đội ngũ cán bộ, nhất là ở cấp trên cơ sở, cán bộ mới sau Đại hội được chú trọng, nội dung đã lựa chọn những vấn đề sát với thực tiễn hoạt động, tập trung hơn đến kỹ năng nắm bắt tình hình người lao động, kỹ năng đối thoại, thương lượng, hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động, đình công... ở khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng Liên đoàn đã tổ chức lớp đào tạo về Lý luận và nghiệp vụ công tác công đoàn cho 48 cán bộ chủ chốt chưa qua đào tạo về công đoàn và triển khai bộ “Tài liệu đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở” tới các cấp. Công đoàn ở các ngành, địa phương cũng đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt các cấp.

6. Tăng cường công tác kiểm tra của các cấp công đoàn. Các cấp công  đoàn luôn chú trọng lãnh đạo tăng cường công tác kiểm tra của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Uỷ ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn tập trung kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Công đoàn; khi tổ chức, cán bộ, đoàn viên có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật của nhà nước, Điều lệ, nghị quyết, quy định của Tổng Liên đoàn; thu, phân phối, sử dụng, quản lý tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế công đoàn, hạn chế tiêu cực, tham nhũng. Trong năm 2013, các cấp công đoàn đã thực hiện được 80.769 cuộc kiểm tra chấp hành Điều lệ; 5.632 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật của nhà nước, Điều lệ, nghị quyết, quy định của Tổng Liên đoàn; 60.957 cuộc kiểm tra về thu, phân phối, sử dụng, quản lý tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế công đoàn. Qua kiểm tra, đã phát hiện 84 tổ chức và 171 cán bộ, đoàn viên vi phạm; trong đó, đã xử lý kỷ luật 45 tổ chức, 113 cá nhân; kiến nghị thu nộp bổ sung kinh phí công đoàn 32,148 tỷ đồng, đoàn phí công đoàn 5,52 tỷ đồng, giảm chi và thu nộp khác 2,862 tỷ đồng. Vi phạm chủ yếu là thủ tục bầu cử, thủ tục kết nạp đoàn viên; nguyên tắc tập trung dân chủ; sắp xếp, bố trí cán bộ; chế độ sinh hoạt, chế độ báo cáo; nhiệm kỳ đại hội; quản lý, sử dụng ngân sách công đoàn; trích nộp và thu chưa đúng, không đủ kinh phí công đoàn, đoàn phí công đoàn... Ngoài ra, công tác nữ công, công tác phân phối, sử dụng, quản lý tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế công đoàn, công tác đối ngoại và các công tác khác trong hoạt động công đoàn thu được kết quả đáng khích lệ.

PV. Xin Đồng chí cho biết những vấn đề trọng tâm nào đặt ra đối với phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn trong năm 2014 và những năm tiếp theo?

Đồng chí Đặng Ngọc Tùng:Năm 2014 và các năm tiếp theo, các cấp Công đoàn tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI; tổ chức công đoàn tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 85 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929- 28/7/2014) và các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Vì vậy, các cấp Công đoàn cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là về Hiến pháp sửa đổi năm 2013; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn Luật Công đoàn năm 2012, Bộ Luật Lao động năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức tuyên truyền, quán triệt, tập huấn và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam trong toàn hệ thống tổ chức Công đoàn, nhằm làm cho cán bộ, đoàn viên, người lao động nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và sự đóng góp của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cụ thể hoá mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ do Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đề ra thành các chương trình, nội dung và biện pháp tổ chức thực hiện của từng cấp công đoàn; triển khai Chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động”.
Hai là, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn”; Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở ở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới tham gia công tác công đoàn. Đồng thời, có kế hoạch tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, cán bộ mới sau đại hội các cấp. Tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo của tổ chức Công đoàn đáp ứng được nhiệm vụ và mở rộng việc liên kết đào tạo trong và ngoài nước.
Ba là,tăng cường chất lượng công tác tham gia xây dựng và triển khai thực hiện pháp luật, chính sách có liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ và đẩy mạnh tham gia công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, công nhân, lao động; Triển khai Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể”. Tiếp tục thực hiện kế hoạch thương lượng, xây dựng thỏa ước lao động tập thể theo nhóm doanh nghiệp, ngành địa phương và ngành trung ương ở một số tỉnh, thành phố trọng điểm; Chủ động tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng nghiên cứu hoàn thiện chính sách, pháp luật và thanh tra, kiểm tra, giám sát việc giải quyết chế độ, chính sách liên quan đến cán bộ, công nhân, viên chức, lao động ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Bốn là,tiếp tục phát động và tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động theo Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, trọng tâm là các đợt thi đua “Mừng Đảng- Mừng xuân, chào mừng kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929- 28/7/2014) và các sự kiện chính trị, lịch sử trọng đại của đất nước; phong trào thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm quốc gia và phục vụ công nghiệp hóa- hiện đại hóa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà trọng tâm là “Xây dựng nông thôn mới”.
Năm là,đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở; quan tâm hơn công tác tổ chức, cán bộ ở các cấp công đoàn; Triển khai thực hiện Chương trình “Phát triển đoàn viên giai đoạn 2013- 2018” và Chương trình “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn”.
Sáu là, tăng cường công tác tài chính công đoàn; Phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức đối thoại với doanh nghiệp về đóng và sử dụng nguồn kinh phí công đoàn theo Luật công đoàn năm 2012 và Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 “Quy định chi tiết về tài chính công đoàn”; các cấp công đoàn nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ thu chi kinh phí công đoàn theo Luật Công đoàn và Nghị định số 191/2013/NĐ-CP. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy quản lý tài chính công đoàn các cấp đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính công đoàn trong giai đoạn mới. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản và hoạt động kinh tế công đoàn.
PV. Thưa Đồng chí! Trong thời gian tới, phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn ngành Công Thương cần tập trung những nội dung gì?
Đồng chí Đặng Ngọc Tùng:  Trong thời gian tới, ngoài những nhiệm vụ chủ yếu chung của tổ chức Công đoàn đã nêu ở trên, với đặc điểm quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, Công đoàn Công Thương Việt Nam cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
1.Chủ động, tích cực góp phần xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, lực lượng nòng cốt của khối liên minh công nhân, nông dân và trí thức; trên cơ sở đó, vận động đoàn viên và người lao động tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Giới thiệu nhiều đoàn viên ưu tú cho Đảng; bồi dưỡng đào tạo những người có đủ đức, năng lực, xuất thân từ công nhân giới thiệu vào các cấp uỷ Đảng và bộ máy lãnh đạo, quản lý các cấp của ngành; xây dựng đội ngũ công nhân lao động của ngành lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, vững vàng về chính trị, tư tưởng, có trình độ học vấn, kỹ thuật, công nghệ và tay nghề cao, có ý thức tổ chức kỷ luật, năng động sáng tạo và đẩy mạnh trí thức hoá đội ngũ công nhân, viên chức, lao động đáp ứng yêu cầu của phát triển của ngành Công Thương trong tình hình nhiệm vụ mới.
2.Các cấp Công đoàn Công Thương Việt Nam cần phải chủ động phối hợp cùng các cơ quan nhà nước chăm lo xây dựng, hoàn thiện và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động cùng ngành nghề; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công nhân, viên chức, lao động ngành Công Thương trên cả nước; Đẩy mạnh các hoạt động của tổ chức công đoàn để bảo vệ có hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.
3. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, công nhân, viên chức, lao động của ngành như: Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”,  “Xanh - Sạch - Đẹp”, “Tiết kiệm và sử dụng năng lượng có hiệu quả”, “Công nhân giỏi, luyện tay nghề giỏi, kinh doanh giỏi, quản lý tốt, mỗi kỹ sư một đề tài, mỗi tổ công đoàn một sáng kiến”, “thi đua học tập văn hoá, nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp”...
Cần chú trọng đẩy mạnh việc thực hiện quyền dân chủ của đoàn viên, công nhân, viên chức và người lao động trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, đơn vị của ngành, nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hiện đại hoá các dây chuyền công nghệ để sản xuất, kinh doanh có năng suất lao động cao hơn, hiệu quả hơn; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch phát triển của Ngành Công Thương năm 2014 và các năm tiếp theo. Thông qua Hội nghị cán bộ, công chức, Hội nghị người lao động, ký kết Thoả ước lao động tập thể, Quy chế phối hợp hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở cơ sở và giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
4. Tiếp tục phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở, trọng tâm là các cơ sở trong các doanh nghiệp, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức công đoàn. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Bồi dưỡng cho các chủ tịch công đoàn cơ sở các kỹ năng hoạt động, nhất là kỹ năng thương thảo, ký được Quy chế phối hợp hoạt động và Thoả ước lao động tập thể có nhiều điều khoản có lợi hơn cho công nhân, viên chức và người lao động so với luật định. Dành đầy đủ kinh phí cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn các cấp. Doanh nghiệp, đơn vị lớn của ngành, có đông lao động cần có biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách, nhưng phải chọn công nhân, lao động tiêu biểu, tích cực, giám sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng vì quyền lợi của công nhân và người lao đông.
5. Thu đủ, thu đúng kinh phí công đoàn, đoàn phí công đoàn; quản lý, chi tốt phục vụ phong trào công nhân lao động và hoạt động công đoàn của ngành, tiết kiệm, tránh phô trương hình thức, lãng phí.
Nhân dịp đón Xuân Giáp Ngọ 2014, thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tôi xin chúc các đồng chí và gia đình Hạnh phúc, Anh khang, Thịnh vượng! Chúc một năm mới thành công! 
PV: Xin cảm ơn Chủ tịch.

Hồng Tiến (thực hiện)