banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
“Công đoàn và doanh nghiệp phải trên cùng một con thuyền để đồng hành với Chính phủ”
Cập nhật lúc 01:09 ngày 16/10/2018
Đại hội XII Công đoàn Việt Nam vừa kết thúc thành công tốt đẹp. 946 đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của hơn 10 triệu đoàn viên công đoàn cả nước nhất trí thông qua Nghị quyết, trong đó có nhiệm vụ: Triển khai chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước” nhằm phát huy vai trò của công nhân lao động và tổ chức Công đoàn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Báo Lao Động đã phỏng vấn đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn thế giới. 
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN
Thưa Chủ tịch, cùng những ấn tượng đặc biệt đối với bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Đại hội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đại biểu dự Đại hội  XII Công đoàn Việt Nam phấn khởi, tự hào, được động viên khích lệ lớn khi có sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng đã cầu thị lắng nghe và cùng với đại biểu thảo luận về chủ đề “Công đoàn đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”. Nhiều đại biểu đã cảm động nói, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là “vị Thủ tướng của công nhân”. Đồng chí nghĩ sao về nhận xét này?
Đồng chí Bùi Văn Cường: Nhiệm kỳ qua, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, triển khai nhiều hoạt động cụ thể chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tuyên truyền, giáo dục, vận động công nhân, viên chức, lao động, góp phần xây dựng giai cấp công nhân không ngừng lớn mạnh.
Trong các hoạt động đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, thúc đẩy các hoạt động đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên, định kỳ đến với công nhân, lao động để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của họ; quan tâm chỉ đạo phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để tạo thêm việc làm; tập trung chỉ đạo việc hoàn thiện thể chế, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; đôn đốc, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội nhằm hạn chế, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Hình ảnh Thủ tướng Chính phủ gần gũi, chăm lo chu đáo đời sống công nhân; thân thiện, quan tâm và tin tưởng sâu sắc tổ chức Công đoàn, đã tạo nên dấu ấn đặc biệt, góp phần quan trọng vào những thành công của hoạt động Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ 2013 - 2018.
Nhận xét của các đại biểu dự Đại hội  về Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng là tình cảm của đông đảo công nhân viên chức lao động cả nước dành cho Thủ tướng nói riêng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta về sự quan tâm, chăm lo chu đáo của các đồng chí đối với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN tại ĐH XII CĐVN.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam
Tại buổi dự và chủ trì thảo luận cùng đại biểu dự Đại hội về chủ đề nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Đại hội đưa vào Nghị quyết để triển khai Chương trình “Công đoàn đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”. Đồng chí có thể cho biết tinh thần đón nhận của đại biểu dự Đại hội về ý kiến chỉ đạo này và những công việc mà Công đoàn Việt Nam sẽ tiến hành để triển khai thực hiện Chương trình?
Đồng chí Bùi Văn Cường: Chiều 24/9/2018, trong bài phát biểu truyền thông điệp tới Đại hội và công nhân viên chức lao động cả nước kết thúc phần thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu vấn đề “Tôi đề nghị các đồng chí đưa chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước” vào Nghị quyết Đại hội và triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ tới; các đồng chí có nhất trí không?”.
Cả Đại hội đồng thanh: “Nhất trí ạ”, và một tràng pháo tay giòn giã biểu thị sự đồng tình cao với đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Đoàn Chủ tịch Đại hội đã họp thống nhất, bổ sung vào văn kiện và Nghị quyết Đại hội. Đại hội đã biểu quyết thông qua nội dung này với sự ủng hộ tuyệt đối.
Ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII sẽ xây dựng thành chương trình hành động cụ thể, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững đất nước đến đông đảo đoàn viên, người lao động; tuyên truyền, động viên người lao động tích cực tham gia học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và chuyển đổi nghề khi cần thiết; nâng cao ý thức kỷ luật lao động, xây dựng tác phong công nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao; tích cực tham gia cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, cổ vũ động viên công nhân, viên chức, lao động hăng hái thi đua, lao động giỏi, lao động sáng tạo; đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, thiết thực chăm lo lợi ích và bảo vệ quyền lợi người lao động để người lao động yên tâm công tác, lao động sản xuất, tạo năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần mình vào nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững đất nước.
Nhân đây, tôi kêu gọi công nhân, viên chức, lao động cả nước, trước hết là các đại biểu dự Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, tích cực tham gia học tập, công tác, đổi mới tư duy và hành động, góp phần vào nhiệm vụ to lớn, nặng nề “nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.
Để triển khai Chương trình này, bên cạnh người lao động và vai trò của tổ chức Công đoàn các cấp thì vai trò của doanh nghiệp là hết sức quan trọng, thưa  Chủ tịch?
Đồng chí Bùi Văn Cường: Doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước. Cộng đồng doanh nghiệp giữ vai trò nền tảng tạo nên năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Doanh nghiệp là chủ thể quan trọng, nòng cốt tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Đất nước có phồn thịnh hay không, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng lên hay không, ta phải dựa vào sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp.
Để khẳng định rõ hơn vai trò đầu tàu trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo, học hỏi kinh nghiệm quản lý, ứng dụng công nghệ hiện đại để hội nhập kinh tế bền vững.
Vậy nhiệm kỳ qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có những hoạt động chủ yếu nào để đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình phát triển, thưa Chủ tịch?
Đồng chí Bùi Văn Cường: Đối với hầu hết các nước, công đoàn thường đối trọng với giới chủ (doanh nghiệp), nhưng ở Việt Nam ta, trong suốt quá trình phát triển gần 90 năm, Công đoàn Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước, luôn chia sẻ và nỗ lực vì doanh nghiệp phát triển.
Nhiệm kỳ qua, các cấp công đoàn đã tập trung tuyên truyền, động viên người lao động hăng say, nhiệt tình lao động, sản xuất, công tác, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, làm lợi cho doanh nghiệp hàng chục nghìn tỉ đồng.
Nhiệm kỳ qua, toàn hệ thống có 3059 đề tài khoa học được nghiên cứu, làm lợi 297,6 tỉ đồng; 117.096 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giá trị làm lợi 17.853,2 tỉ đồng. Công đoàn tham gia quản lý, đổi mới quản trị doanh nghiệp, xây dựng các quy chế, quy định, thang, bảng lương, góp ý phát triển doanh nghiệp.
Với việc đổi mới, nâng cao hiệu quả nhiệm vụ đại diện, chăm lo lợi ích, bảo vệ quyền lợi của người lao động, tích cực tham gia giải quyết các cuộc ngừng việc tập thể, đình công, các cấp công đoàn đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Việc Tổng Liên đoàn nỗ lực tham mưu với Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng các thiết chế công đoàn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất với mục tiêu trong tương lai gần, có hàng triệu công nhân được thụ hưởng các lợi ích như nhà ở, trường học, trạm y tế, siêu thị, nơi vui chơi giải trí… để người lao động yên tâm làm việc, là một bằng chứng sinh động khẳng định Công đoàn Việt Nam luôn đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp.
Hiện nay, ở nhiều doanh nghiệp, công đoàn đang tích cực động viên người lao động tham gia học tập, nâng cao trình độ và kỹ năng nghề nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động để đóng góp được nhiều nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Những hoạt động chủ yếu mà tôi vừa khái quát cho thấy Công đoàn Việt Nam đang nỗ lực hết mình vì sự phát triển của doanh nghiệp. Người lao động và tổ chức Công đoàn rất cần doanh nghiệp và mong muốn doanh nghiệp ngày càng phát triển  và ngược lại, doanh nghiệp cũng rất cần người lao động và tổ chức Công đoàn.
Tôi nghĩ, Công đoàn và doanh nghiệp phải trên cùng một con thuyền, và chỉ có như vậy chúng ta mới đồng hành có hiệu quả với Chính phủ trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước được.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh cùng Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa XII
Là lãnh đạo cao nhất của tổ chức đại diện cho người lao động duy nhất tại Việt Nam hiện nay, theo Chủ tịch, đoàn viên, người lao động cần phải làm gì để đóng góp được nhiều nhất cho doanh nghiệp và đất nước?
Đồng chí Bùi Văn Cường: Như lời nhắn nhủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”, tôi mong muốn công nhân, viên chức, lao động cả nước mỗi người một tay, góp sức chung tạo thành sức mạnh cả dân tộc tham gia nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.
Mỗi anh chị em phải thường xuyên học tập, tự học, học suốt đời, học để thích nghi với bối cảnh tình hình mới, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, học để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, tay nghề, để hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp, để có năng suất cao, thu nhập tốt, để cuộc sống ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Mỗi đoàn viên công đoàn và người lao động phải đổi mới tư duy, nhận thức về tinh thần phụng sự, về khát vọng cống hiến, về lòng tự trọng, sự liêm chính và trung thực, về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội.
Tất cả người lao động Việt Nam dù khu vực công hay tư đều phải nâng cao ý thức kỷ luật lao động, trang bị kiến thức pháp lý, tuân thủ giờ giấc, xây dựng tác phong lao động công nghiệp, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; phải biết trân trọng và tự hào về kết quả công việc hay sản phẩm mà mình góp phần tạo nên.
Cần coi trọng phương thức làm việc theo nhóm và xây dựng tập thể đoàn kết, gắn bó với cơ quan, doanh nghiệp, nỗ lực không ngừng vì lợi ích chung. Phải luôn đổi mới, sáng tạo, tích cực ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, công tác; nghiêm khắc đấu tranh với căn bệnh bảo thủ, trì trệ, quan liêu, sách nhiễu, vô cảm, vô trách nhiệm trong chính bản thân và đồng nghiệp của mình.
Người cán bộ, công chức, viên chức phải quán triệt tinh thần thượng tôn pháp luật, coi sứ mệnh của mình là tham mưu giỏi, phục vụ tốt, gần gũi, gắn bó với nhân dân.
Từng người đổi mới, từng cơ quan, doanh nghiệp đổi mới, góp gió sẽ thành bão. Khi đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động tự đổi mới mình, chắc chắn sẽ tạo nên phong trào đổi mới trong toàn xã hội, sẽ tạo ra năng suất lao động mới cao hơn và từ đó sẽ đóng góp trực tiếp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10), Chủ tịch mong muốn và gửi gắm gì đối với các doanh nhân Việt Nam?
Đồng chí Bùi Văn Cường: Tôi mong muốn các doanh nhân nước nhà thực sự là những chiến binh trên mặt trận phát triển kinh tế, mang trong mình khát vọng phồn vinh dân tộc để vươn ra biển lớn.
Tôi cũng đề nghị các doanh nhân thực sự coi người lao động là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp, luôn gần gũi, tôn trọng và lắng nghe họ; tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động về môi trường làm việc, đảm bảo việc làm bền vững, có thu nhập và đời sống ngày một nâng cao.
- Xin cảm ơn Chủ tịch.
ĐẠI HỘI XII CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM XÁC ĐỊNH 3 KHÂU ĐỘT PHÁ TRONG NHIỆM KỲ 2018-2023:
1/ Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động; chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ người lao động
2/ Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ
3/ Xây dựng nguồn lực công đoàn đủ mạnh, đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Nguồn: Lao động