banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Kết quả hoạt động đối ngoại của CĐCTVN nhiệm kỳ 2013-2018
Cập nhật lúc 10:22 ngày 01/07/2018
Là công đoàn tập hợp nhiều ngành nghề, đa dạng trong sản xuất kinh doanh và thương mại, công tác đối ngoại của Công đoàn Công Thương Việt Nam nhiều năm qua luôn được đánh giá là hoạt động có hiệu quả và giữ vị trí quan trọng trong công tác đối ngoại chung của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, .
Hiện tại Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCT VN) có quan hệ với gần 30 công đoàn ngành nghề và tổ chức xã hội quốc tế. Là thành viên của Công đoàn Công nghiệp toàn cầu (Industri ALL), CĐCT VN có quan hệ gắn bó với các công đoàn quốc tế cùng ngành nghề như công đoàn: Kim khí Đức (IG Metall), Mỏ-Hóa chất-Năng lượng Đức (IG BCE), Công nghiệp Belarus (BTUWI), Kim khí Bỉ (ABVV), Kim khí Pháp (FTM-CGT), Hóa chất Pháp (FNIC), Chế tạo Australia (AMWU), Kim khí Nhật (JCM), Thực phẩm đồ uống Singapore (FDAWU),… Trong  5 năm (2013 - 2017) CĐCT VN đã cử 40 đoàn với 112 lượt cán bộ  thăm và làm việc theo lời mời của công đoàn và tổ chức xã hội quốc tế, tổ chức đón 23 đoàn với 177 lượt khách quốc tế đến Việt Nam theo lời mời của Tổng Liên đoàn và CĐCT VN, đăng cai và tổ chức 81 Hội thảo quốc tế với các chủ đề liên quan đến lao động, công đoàn. Ngoài ra, CĐCT VN còn cử nhiều lượt cán bộ tham gia đoàn của Bộ Công Thương, Tổng Liên đoàn, các Tập đoàn, Tổng công ty dự Hội nghị, Hội thảo tại các nước. Đây là con số không nhỏ thể hiện hoạt động đối ngoại phong phú của CĐCT VN.
Thông qua hoạt động đối ngoại, CĐCT VN đã đóng góp tích cực vào hoạt động của Tổng Liên đoàn và hoạt động đối ngoại nhân dân, xây dựng hình ảnh Việt Nam thân thiện đang phát triển với toàn thế giới. Nhiều hoạt động của Công đoàn Việt Nam, của CĐCT VN đã được giới thiệu, trao đổi kinh nghiệm với công đoàn quốc tế. Chỉ riêng tham gia hoạt động thường niên (hoặc 2 năm/ lần) lĩnh vực Điện, điện tử và Công nghệ thông tin, Công nghiệp ô tô khu vực, Mạng lưới Hóa chất, Mạng lưới cao su, Mạng lưới thương mại được tổ chức tại các nước trong khu vực và Việt Nam với nhiều chủ đề khác nhau về: phát triển đoàn viên, thương lượng tập thể, tiền lương, quan hệ lao động hài hòa… đã giúp tổ chức công đoàn có thêm nhiều thông tin ngành nghề, có thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích áp dụng vào hoạt động công đoàn ở Việt Nam. Ngoài những mối quan hệ truyền thống với các công đoàn ngành quốc tế, nhiệm kỳ vừa qua CĐCT VN đã thiết lập quan hệ mới với Công đoàn Thực phẩm Ai Cập (JPEG), Công đoàn Kim khí Hàn Quốc (FKTMU), Công đoàn Thương mại và Dịch vụ Pháp. Phát triển các mối quan hệ với các công đoàn ngành quốc tế nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm hoạt động, gắn kết người lao động, tăng cường vai trò của tổ chức công đoàn khi Việt Nam là thành viên WTO, đã và tham gia các FTA. 
Nhiều chương trình, dự án hợp tác với công đoàn quốc tế, với các tổ chức chính trị xã hội thời gian qua đã hỗ trợ cho hoạt động của CĐCT VN. Chương trình hợp tác với Viện Friedric Ebert Stiftung (FES), Công đoàn Mỏ-Hóa chất-Năng lượng Đức (IG BCE) về “Vai trò của công đoàn với bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu” thực hiện trong giai đoạn 2013-2017 được các doanh nghiệp và CĐCS đánh giá cao. Chương trình đã xây dựng được bộ tài liệu và đào tạo đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm, báo cáo viên, tập huấn cho đội ngũ cán bộ an toàn vệ sinh viên, cán bộ CĐCS và người lao động hiểu biết về tác hại ô nhiễm môi trường, hiểm họa  của biến đổi khí hậu đã và đang tác động trực tiếp đến Việt Nam và khắp thế giới. Thông qua truyền thông, tuyên truyền và hàng chục lớp đào tạo với sự tài trợ của FES, IG BCE đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm ảnh hưởng tác động biến đổi khí hậu bằng ý thức, việc làm cụ thể của người lao động ngay tại nơi làm việc và khu dân cư sinh sống. Dự án về “An toàn vệ sinh lao động” từ năm 2010 với sự hỗ trợ của Tổ chức nhân dân vì y tế, giáo dục và phát triển hải ngoại của Australia (APHEDA) và Công đoàn Chế tạo Australia (AMWU), ban đầu chuyên gia được cử đến Việt Nam trực tiếp giảng dạy các lớp tập huấn tại doanh nghiệp, đến năm 2015 đã chuyển sang đào tạo cán bộ an toàn, cán bộ CĐCS trở thành giảng viên kiêm nhiệm để có thể trực tiếp giảng dạy, tổ chức các lớp tập huấn cho người lao động. Đã có hàng trăm lớp tập huấn do chính các giảng viên kiêm nhiệm giảng dạy được mở tại doanh nghiệp, đơn vị tạo sức lan tỏa ảnh hưởng tốt đến người lao động được lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ, đánh giá cao. Chương trình trao đổi, hướng dẫn và kinh nghiệm “Thương lượng tập thể” do Công đoàn Kim khí Bỉ (ABVV) được tổ chức hàng năm thông qua hội thảo, tập huấn là dịp để cán bộ công đoàn trong ngành Công Thương cùng với các chuyên gia ABVV góp ý đánh giá, rút kinh nghiệm các bước tiến hành thương lượng, cách thức thương lượng, nội dung thương lượng để xây dựng được bản Thỏa ước lao động thể có lợi cho người lao động, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp. Nhiều hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn do CĐCT VN chủ trì, đăng cai tổ chức với sự tài trợ của IndustriALL, FES, Ủy ban Châu Âu… với nhiều chủ đề không chỉ có sự quan tâm tham gia của cán bộ công đoàn mà còn có cả đại diện cho lãnh đạo chuyên môn tham gia. Thông qua chương trình hợp tác và các dự án, hàng chục lượt cán bộ công đoàn được thăm quan tập huấn tại Đức, Bỉ và các nước trong khu vực. Thực tế, học tập, thăm quan qua những chuyến đi nước ngoài đã giúp cán bộ công đoàn có thêm kiến thức, hiểu biết, kinh nghiệm áp dụng vào công việc công đoàn, công việc chuyên môn tại đơn vị cơ sở, Tcty, ngành.
Tiếp tục chương trình hợp tác với Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào (LFTU) với sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn từ năm 2003 về hỗ trợ đào tạo giảng viên kiêm nhiệm, nhiệm kỳ 2013 - 2018, CĐCT VN đã phối hợp đào tạo thành công 2 khóa cho 60 giảng viên kiêm nhiệm cho công đoàn Lào. Các khóa đào tạo được tổ chức ở Lào và Việt Nam với sự hỗ trợ một phần kinh phí của CĐCT VN. Đây là chương trình được Tổng Liên đoàn và LFTU đánh giá cao, phù hợp với thực tiễn của Lào và Việt Nam. Các giảng viên sau khi được đào tạo đã tổ chức các lớp tập huấn cho cơ sở, hỗ trợ tích cực cho công tác đào tạo của công đoàn Lào. Chương trình hợp tác đã góp phần tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa nhân dân và tổ chức công đoàn hai nước Việt Nam, Lào.
Quan hệ hợp tác quốc tế về công đoàn còn được triển khai đến các Tổng công ty, Công ty. Thông qua chương trình công tác của chuyên môn, Công đoàn TCty Thép Việt Nam đã chủ động kết nối và triển khai quan hệ hợp tác với Công đoàn Công ty TNHH Tập đoàn Gang Thép Côn Minh, Trung Quốc (Tập đoàn góp vốn với TCty Thép tại Việt Nam). Công đoàn Tcty Thép và Công đoàn Tập đoàn Gang Thép Côn Minh bước đầu đã có những chuyến thăm trao đổi đoàn, động viên người lao động Việt Nam và chuyên gia Trung Quốc đang làm việc tại liên doanh Thép Việt Trung (Lào Cai). Nhiều cán bộ công đoàn cơ sở được đối tác chuyên môn và công đoàn Cty mẹ mời thăm quan trao đổi như ở Cty liên doanh ô tô Ford Việt Nam, Cty Honda Việt Nam.
Với mong muốn tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ truyền thống với các công đoàn ngành quốc tế và mở rộng quan hệ với nhiều công đoàn và tổ chức xã hội, CĐCT VN đã thực hiện tốt công tác đối ngoại theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn. Kết quả, công tác đối ngoại đã góp phần vào thành tích chung phong trào công nhân viên chức và hoạt động công đoàn của Công đoàn Công Thương Việt Nam đạt được trong nhiệm kỳ qua.  
Nguyễn Xuân Thái