banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Một số vấn đề cần quan tâm để CĐCS hoạt động hiệu quả
Cập nhật lúc 03:19 ngày 19/04/2018
Những năm qua, hoạt động của các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở (CĐCS) có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, đáp ứng nguyện vọng của đoàn viên và công nhân lao động. 
CĐCS là cấp công đoàn trực tiếp quan hệ với đoàn viên và người lao động, trực tiếp triển khai tổ chức nhiệm vụ, hoạt động công đoàn, chính vì vậy có thể nói CĐCS là khâu quan trọng, nền tảng của tổ chức công đoàn. Tổ chức công đoàn muốn vững mạnh trước hết phải vững mạnh từ CĐCS, có nhiều CĐCS vững mạnh thì cả hệ thống công đoàn mới vững mạnh.
CĐCS vững mạnh là phải thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, thực sự là chỗ dựa của đoàn viên và người lao động. Trong Điều lệ Công đoàn Việt Nam, từ Điều 18 đến Điều 23 quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của CĐCS (phân chia các loại hình CĐCS khác nhau: Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nghiệp đoàn) nội dung cơ bản gồm: Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn; Đại diện người lao động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, phối hợp thực hiện quy chế dân chủ; Kiểm tra, giám sát việc thi hành chế độ, chính sách, pháp luật với người lao động. Tập hợp yêu cầu nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; Tổ chức các phong trào thi đua, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc; Phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn vững mạnh; Quản lý tài chính, tài sản công đoàn. 
Chức năng nhiệm vụ của CĐCS được quy định khá cụ thể, để thực hiện tốt, có hiệu quả đòi hỏi CĐCS phải nỗ lực rất nhiều. Song hiện tại còn khá nhiều bất cập, hạn chế cho hoạt động của CĐCS. Trước hết cần có đủ chế tài cần thiết để thực hiện những quy định pháp luật tạo điều kiện cho CĐCS hoạt động. Cùng với Luật Công đoàn sửa đổi năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định 43/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Điều 10 Luật Công đoàn, Nghị định 200/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết Điều 11 Luật Công đoàn, Nghị định 191/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết về tài chính Công đoàn, song vẫn chưa có những Nghị định, quy định chế tài xử phạt những hành vi vi phạm Luật Công đoàn. Việc cản trở, gây khó khăn cho thành lập công đoàn, cho hoạt động công đoàn không phải là trường hợp cá biệt ở một vài doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài. Khá nhiều quy định trong Luật nhưng không có văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện, đơn cử một ví dụ: Khoản 2, Điều 24 Bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn “Cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng đối với chủ tịch, phó chủ tịch CĐCS; 12 giờ làm việc trong một tháng đối với ủy viên ban chấp hành, tổ trưởng, tổ phó công đoàn để làm công tác công đoàn và được đơn vị sử dụng trả lương…”, nhưng cho đến nay, cán bộ công đoàn kiêm nhiệm ở cơ sở thực hiện đầy đủ thời gian làm việc, hoàn thành phần việc chuyên môn, hoạt động công đoàn ngoài giờ làm việc, vào ngày nghỉ nhưng chưa có ai được trả tiền cho thời gian làm việc công đoàn ngoài giờ.
Hoạt động tuyên truyền, giáo dục của công đoàn cơ sở khá dập khuôn, máy móc không thực sự đi vào đời sống đoàn viên, người lao động. Vẫn nhiều nơi tổ chức tuyên truyền theo kiểu hô hào, mít tinh, gây nhàm chán, không được mọi người hưởng ứng, ủng hộ. Rất ít CĐCS đổi mới hoạt động tuyên truyền theo hướng đến với người lao động bằng những việc làm cụ thể. Chẳng hạn khi tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến quan hệ lao động thay bằng việc tập trung phổ biến, hoặc bản tin, sổ tay tóm tắt những quy định cơ bản trong luật hoặc cách xử lý, giải thích những tình huống thường gặp liên quan đến người lao động. CĐCS phải là nơi để người lao động trải lòng, tin tưởng gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng, là nơi giúp họ giải quyết những thắc mắc, va chạm trong cuộc sống. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác tuyên truyền càng cần được quan tâm, làm thế nào để đoàn viên, người lao động quan tâm đến những thông tin đúng đắn, chính xác, hiểu và chấp hành đúng pháp luật.  
Nội dung hoạt động của CĐCS hiện tại khá dàn trải, chưa thực sự đi vào trọng tâm. Phần lớn CĐCS chỉ tập trung vào việc hiếu hỷ, thăm hỏi, trợ cấp đoàn viên, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, thăm quan nghỉ mát. Ngay cả đánh giá của công đoàn cấp trên với CĐCS cũng tập trung nhiều vào các tiêu chí đó, vì vậy một số CĐCS việc làm ổn định, thu nhập cao, tổ chức nhiều hoạt động tinh thần được đánh giá tốt, năm nào cũng được khen thưởng, ngược lại những đơn vị khó khăn, cán bộ công đoàn vất vả trong việc người lao động thiếu việc, thu nhập thấp, tìm cách hài hòa quyền lợi của người lao động với doanh nghiệp thì thường được đánh giá kém, ít được chú ý, khen thưởng. 
Một nhiệm vụ quan trọng của CĐCS trong kinh tế thị trường cần tập trung xây dựng bản thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp có lợi cho người lao động. Quan hệ lao động phức tạp, luôn chứa đựng mâu thuẫn, tranh chấp về quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động. Thực tế hiện nay, CĐCS chưa đánh giá hết tầm quan trọng của bản thỏa ước lao động tập thể và chưa tập trung đàm phán để ký kết được bản thỏa ước có giá trị, đem lại quyền lợi mang tính pháp ý với người lao động. Qua theo dõi, phần lớn các bản thỏa ước lao động tập thể vẫn mang tình hình thức (nhất là các doanh nghiệp nhà nước), còn ít doanh nghiệp coi thỏa ước lao động tập thể là “Luật con của doanh nghiệp”. Theo điều tra năm 2014 của Viện Công nhân và Công đoàn tại 100 doanh nghiệp ở 16 tỉnh, thành phố thì chỉ có khoảng 80% CĐCS có khả năng đàm phán, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Để hoạt động CĐCS có hiệu quả, một vấn đề quan trọng cần đặc biệt quan tâm là công tác cán bộ. Hiện nay hầu hết cán bộ công đoàn ở cơ sở đều kiêm nhiệm. Họ là những cán bộ chuyên môn có năng lực, giữ cương vị lãnh đạo các bộ phận, phòng, ban thậm chí là phó thủ trưởng, phó giám đốc. Do phải hoàn thành công việc chuyên môn nên ít có thời gian, công sức cho việc công đoàn. Trong khi đó, chỉ đạo, yêu cầu của công đoàn cấp trên lại quá nhiều, chỉ riêng việc báo cáo tháng, quý, năm, báo cáo chuyên đề, báo cáo thống kê, báo cáo mỗi đợt hoạt động do công đoàn cấp trên phát động… cũng đã làm cho CĐCS tốn khá nhiều thời gian. Mặt khác, do kiêm nhiệm nên cán bộ công đoàn cơ sở chưa biết việc, chưa thạo việc công đoàn nhưng lại không có thời gian đi học tập, nghiên cứu, không có thông tin, không giải thích, hướng dẫn chế độ chính sách cho đoàn viên, người lao động. Cũng vì kiêm nhiệm, hưởng lương của giới chủ nên một số cán bộ công đoàn ngại hoặc không dám đấu tranh. Cũng vẫn theo điều tra của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2014 có tới gần 30% cán bộ CĐCS có trình độ, nghiệp vụ công đoàn ở mức yếu. 
Việc lựa chọn cán bộ CĐCS cũng là một khó khăn cho tổ chức công đoàn, do kiêm nhiệm công tác công đoàn tức là phải thêm bỏ thời gian và công sức nhưng quyền lợi lại rất khiêm tốn. Phần phụ cấp ít ỏi (theo quy định) chỉ có thể áp dụng ở những cơ sở có đông đoàn viên, thu nhập khá, các cơ sở khó khăn không có nguồn chi cho phần phụ cấp này. Vì vậy tham gia ban chấp hành công đoàn chủ yếu ở lòng nhiệt tình, sự động viên của đoàn viên. Mặt khác, cán bộ CĐCS ít có điều kiện được tham gia học tập, tập huấn, cho nên nếu không tự nghiên cứu, học tập thì khó có khả năng đại diện, bảo vệ cho đoàn viên. Mấy nhiệm kỳ gần đây, ở doanh nghiệp ít người muốn tham gia ban chấp hành công đoàn khi mà quyền lợi không đi cùng với nhiệm vụ, thậm chí có thể khó khăn, nguy cơ chuyển việc, mất việc nếu không được sự ủng hộ của người sử dụng lao động. 
Để hoạt động CĐCS hiệu quả cần sự phối hợp của cơ quan chuyên môn. Theo chỉ đạo và hướng dẫn của công đoàn cấp trên, CĐCS phải xây dựng được quy chế phối hợp làm việc với cơ quan chuyên môn đồng cấp. Song dù có hay không có quy chế phối hợp hoạt động, CĐCS phần lớn dựa vào sự đồng thuận hay không đồng thuận của lãnh đạo chuyên môn, nhất là người đứng đầu đơn vị, doanh nghiệp. Có trường hợp doanh nghiệp thành lập CĐCS nhưng hầu như không hoạt động gì, chỉ vì chủ doanh nghiệp cho thành lập công đoàn để đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm. Hoặc trường hợp doanh nghiệp chuyển sang cổ phần, chủ doanh nghiệp không còn đại diện phần vốn nhà nước, đã quay lưng gây khó khăn cho hoạt động công đoàn.     
Hơn nữa, để hoạt động CĐCS có chất lượng hiệu quả cần sự tham gia của cả hệ thống, từ ban văn bản luật đến xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ của các cấp công đoàn. Những năm gần đây, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập khu vực và quốc tế đặt ra nhiều vấn đề với Công đoàn Việt Nam. Đổi mới hoạt động CĐCS càng là yêu cầu cấp bách, quan trọng để thực sự trở thành chỗ dựa tin tưởng cho đoàn viên, người lao động tại cơ sở. Năm 2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn trong giai đoạn hiện nay” dự kiến thực hiện trong 10 năm (2016-2025), với mục tiêu giữ vững đoàn viên, không ngừng phát triển số lượng đoàn viên và thành lập công đoàn trong các thành phần kinh tế, bằng chất lượng hoạt động để công đoàn luôn là tổ chức đại diện cho đoàn viên, người lao động.
Nguyễn Xuân Thái