banner2019
 
Thứ bảy, ngày 11 tháng 01 năm 2025
Thứ bảy, ngày 11 tháng 01 năm 2025
CĐCTVN tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến tham gia sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam tại khu vực phía Nam
Cập nhật lúc 08:41 ngày 19/03/2018
Sáng ngày 15/3/2018, tại TPHCM, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Trịnh Xuân Tuyên - Phó Chủ tịch CĐCTVN chủ trì buổi Hội thảo, tham gia có Chủ tịch Công đoàn của 25 Công đoàn cấp trên cơ sở, Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Công Thương Việt Nam và Công đoàn ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
            Đồng chí Trịnh Xuân Tuyên - Phó Chủ tịch CĐCTVN chủ trì Hội thảo
Tại buổi Hội thảo đồng chí Trịnh Xuân Tuyên cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay cơ bản những quy định của Điều lệ và hướng dẫn thi hành Điều lệ CĐVN đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các cấp Công đoàn, tạo tiền đề cho việc tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và đảm bảo cho các cấp Công đoàn Việt Nam hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, tham gia nhiều Hiệp định thương mại đa phương và chuẩn bị sửa đổi Bộ Luật lao động, ngoài ra, qua gần 5 năm thực hiện Điều lệ CĐVN khóa XI, đã bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp với sự phát triển của thực tế, chưa phát huy hết khả năng của CĐCS trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên, NLĐ, do đó việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam là điều cần thiết. 
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tích cực đóng góp, tham gia ý kiến về nhiều vấn đề trong Dự thảo bao gồm XI chương, 42 điều, các ý kiến, tham gia chủ yếu tập trung vào các vấn đề gồm: Huy hiệu công đoàn, tên gọi, quyền hạn, nhiệm vụ của đoàn viên, nguyên tắc và cơ cấu tổ chức của công đoàn các cấp….
Các đại biểu tham gia, góp ý kiến tại Hội thảo
Trong đó một số ý kiến cho rằng nên thống nhất tên gọi chung của Công đoàn là “Công đoàn Việt Nam” và “Lời nói đầu” được chuyển lên trước “Huy hiệu Công đoàn Việt Nam”; cần quy định rõ hình thức của tổ công đoàn, công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên (điều kiện thành lập, quy mô..) vì thực tế đây là cấp cuối cùng, nơi sinh hoạt, tập hợp, lắng nghe, gần gũi và tuyên truyền tới đoàn viên công đoàn. Có ý kiến khác cho rằng việc sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam nên gắn với sửa đổi Luật Công đoàn cho phù hợp, cần có quy định cụ thể, chặt chẽ về công tác đoàn viên, quản lý đoàn viên và sử dụng thẻ đoàn viên vì thực tế hiện nay trong Điều lệ chưa có quy định cụ thể và có chế tài bắt buộc đối với những doanh nghiệp (Công ty cung ứng lao động) phải có tổ chức công đoàn, nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý, phát triển đoàn viên và thực hiện được chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và người lao động. Bên cạnh đó còn nhiều ý kiến khác tham gia đóng góp nhiều ý kiến về các vấn đề như: Công tác kiểm tra, giám sát; hình thức Đại hội Công đoàn và Cơ quan lãnh đạo cao nhất của tổ chức Công đoàn Việt Nam…một cách tích cực đầy trách nhiệm, được ban tổ chức tổng hợp đầy đủ.
Đại biểu chụp ảnh tại Hội nghị
Kết thúc Hội thảo đồng chí Trịnh Xuân Tuyên - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam đã ghi nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu và khẳng định những ý kiến của các đại biểu sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu, tổng hợp một cách đầy đủ để hoàn thiện đưa vào báo cáo tổng hợp trình tại Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam lần thứ III và báo cáo với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để hoàn thiện, bổ sung vào Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII.  
                                                                                                          Lê Hải