banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Bữa ăn giữa ca của người lao động trong các doanh nghiệp
Cập nhật lúc 10:38 ngày 28/06/2013

Cuối tháng 6/2012, Viện Công nhân - Công đoàn đã khảo sát bữa ăn ca của NLĐ tại 60 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đại diện 4 vùng lương trong cả nước. Trong đó có: 11 doanh nghiệp nhà nước; 12 doanh nghiệp cổ phần; 13 doanh nghiệp FDI; 12 công ty trách nhiệm hữu hạn vốn tư nhân; 12 doanh nghiệp tư nhân tại 12 tỉnh, thành phố trong cả nước là: Hà Nội, Nam Định, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Hải Dương, Quảng Nam, Đà Nẵng, Kon Tum, Đồng Nai, Bình Dương và tp Hồ Chí Minh.


Thực trạng bữa ăn ca của người lao động trong doanh nghiệp

Theo kết quả khảo sát, có 95% doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ, hoặc một phần bữa ăn ca cho NLĐ. Trong đó có 85% số doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ, hầu hết các doanh nghiệp ở vùng I và doanh nghiệp FDI đều hỗ trợ toàn bộ bữa ăn ca cho NLĐ; có 10% doanh nghiệp hỗ trợ một nửa; và 5% số doanh nghiệp khảo sát không hỗ trợ tiền ăn ca cho NLĐ.

Các hình thức tổ chức bữa ăn ca

Có 46,9% số doanh nghiệp tự tổ chức nấu ăn cho NLĐ. Hình thức này có ưu điểm là tận dụng được mặt bằng sẵn có của đơn vị, chi phí phục vụ, điện nước, lương nhân công được doanh nghiệp hỗ trợ và rất chủ động trong việc kiểm tra giám sát chế độ và vệ sinh ăn uống. NLĐ có thể được hưởng lợi tối đa giá trị bữa ăn công nghiệp mà doanh nghiệp cung cấp, chất lượng bữa ăn cũng được đảm bảo. Có 25,6% số doanh nghiệp thuê dịch vụ bên ngoài cung cấp bữa ăn giữa ca. Hình thức này, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí nhân công, không phải chịu trách nhiệm về tổ chức bữa ăn, nhất là liên quan đến an toàn vệ sinh. Song, chất lượng, số lượng và công tác kiểm tra giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của bữa ăn giữa ca không kiểm soát được, vì vậy, số vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) thường xảy ra ở các doanh nghiệp này.

Có 27,5% số doanh nghiệp do điều kiện khó khăn về mặt bằng và kinh phí nên để NLĐ tự lo bữa ăn giữa ca cho mình, trên cơ sở doanh nghiệp hỗ trợ một phần tiền ăn hàng tháng. Hình thức này, có thể tạo sự chủ động cho NLĐ, doanh nghiệp giảm được chi phí phục vụ, mặt bằng, nhưng thời gian, khẩu phần ăn không được thống nhất, một bộ phận NLĐ do tiết kiệm quá mức dẫn đến bữa ăn ca không đảm bảo.

Đa số các doanh nghiệp khảo sát hỗ trợ tiền ăn ca cho NLĐ, với mức bình quân 13.900 đồng/xuất (khoảng 368.000 đồng/ tháng). Trong đó: có 25,0% số DN hỗ trợ mức ăn giữa ca là 9.000 đồng/xuất; 46,5% hỗ trợ mức 13.000 đồng/xuất và 28,5% mức 20.000 đồng/xuất. Cao nhất là vùng I, mức trung bình 15.000/xuất; thấp nhất là vùng IV, mức trung bình 13.000 đồng/xuất.

Có 10,4% NLĐ chỉ được DN hỗ trợ một nửa tiền ăn ca, mức trung bình là 8.000 đồng/xuất, thậm chí có doanh nghiệp chỉ hỗ trợ ở mức 5.000 đồng/xuất còn lại NLĐ tự đóng góp. Tuy nhiên, cũng qua khảo sát, nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hỗ trợ tiền ăn ca tính thẳng vào lương với mức 20- 25 ngàn đồng/ngày thực làm, để NLĐ tự lo.

Nhìn chung, các DN có mức hỗ trợ tiền ăn cao thì lượng cơm và thức ăn đủ no: ở DNNN có 83,3% NLĐ cho biết là thức ăn đủ; 37,5% NLĐ cho biết lượng cơm nhiều và 10% lượng thứ ăn nhiều. Người lao động trong doanh nghiệp FDI và công ty cổ phần phải ăn uống kham khổ hơn, có 24,3% số NLĐ ở công ty cổ phần; 37,5% NLĐ ở doanh nghiệp FDI nói bữa ăn thường thiếu thức ăn.

Về tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa ăn giữa ca

Về vệ sinh an toàn thực phẩm: Có tới 79,1% NLĐ cho rằng doanh nghiệp tự nấu ăn thì vệ sinh đảm bảo sạch sẽ; có 19,8% cho rằng chưa đảm bảo vệ sinh và 1,1% cho rằng mất vệ sinh, có nguy cơ dịch bệnh. Trong khi đó tỷ lệ chưa đảm bảo vệ sinh của hình thức thuê dịch vụ bên ngoài rất cao, chiếm tới 45,0%.

Theo loại hình doanh nghiệp, NLĐ trong các doanh nghiệp FDI tỷ lệ trả lời bữa ăn chưa bảo đảm vệ sinh cao nhất, chiếm tới 41,3%; công ty cổ phần là 31,1%; các loại hình khác đều xấp xỉ 20%.

Về vấn đề ngộ độc thực phẩm: Trong phạm vi các doanh nghiệp khảo sát, có 2,5% NLĐ cho biết ở doanh nghiệp họ đã xẩy ra ngộ độc, số lượng NLĐ bị ngộ độc không nhiều, trong khi đó có tới 84,1% NLĐ trả lời họ “chưa rõ” sắp tới có xẩy ra hay không, vì họ nhận thấy nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xẩy ra bất cứ lúc nào.

Tại các doanh nghiệp tự tổ chức bữa ăn cho NLĐ thì công đoàn cơ sở cùng với cán bộ quản lý và cán bộ y tế kiểm tra, giám sát bữa ăn ca, cán bộ công đoàn được đề cao trong công tác này. Ở các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ cung cấp bữa ăn công nghiệp từ bên ngoài thì cán bộ doanh nghiệp đảm nhiệm chính công việc này.

Đánh giá của cơ quan chức năng về bữa ăn ca của NLĐ trong DN

Theo đánh giá của Viện dinh dưỡng khẩu phần ăn của NLĐ tại một số khu công nghiệp mới chỉ đáp ứng được 89,7% nhu cầu về năng lượng. Bữa ăn của NLĐ không chỉ thấp về chất lượng mà còn nghèo về giá trị dinh dưỡng. Trong thành phần bữa ăn chỉ có 12% lượng calo được cung cấp từ protein; 16% từ chất béo, còn lại 72% là từ các chất bột đường như gạo, ngô, khoai.

Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất những năm gần đây có từ 11 – 20 vụ ngộ độc thực phẩm mỗi năm (có vụ hơn 1.000 người mắc). Tuy không có ca tử vong, nhưng nhiều người phải nhập viện. Các bếp ăn tập thể ở các DN các tỉnh phía nam chiếm trên 1/3 số vụ. Nguyên nhân do dị ứng cá biển là 48,2%; vi sinh vật là 37%; hóa chất, độc tố vi khuẩn là 14,8. Hầu hết thức ăn nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm có nguồn gốc từ ngoại tỉnh (85,2%) và từ các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn.

Mấy biện pháp đảm bảo bữa ăn giữa ca cho người lao động trong doanh nghiệp

Trước mắt, căn cứ vào giá cả thị trường tại các địa phương khảo sát, vào ý kiến đề xuất mức ăn giữa ca của người lao động và tình hình biến động giá cả thị trường, nhóm nghiên cứu đề nghị mức ăn ca cho NLĐ trong điều kiện lao động bình thường cần quy định theo vùng (phù hợp với vùng lương tối thiểu). Cụ thể Vùng I: 20.000đ/suất; Vùng II: 18.000đ/suất; Vùng III: 16.000đ/suất; Vùng IV: 14.000đ/suất.

Về lâu dài, Luật tiền lương tối thiểu cần có những quy định bắt buộc doanh nghiệp phải cung cấp bữa ăn giữa ca cho NLĐ và cần quy định mức ăn ca thấp nhất bằng 1% tiền lương tối thiểu vùng. Chính phủ cần có quy định khi xây dựng quy hoạch các KCN, KCX, cần dành quỹ đất để cho các doanh nghiệp hoặc cho các KCN xây dựng bếp ăn tập thể cho NLĐ. Có cơ chế, chính sách ưu đãi và khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức bữa ăn giữa ca cho NLĐ đảm bảo cả về lượng và chất.

Tổng Liên đoàn chỉ đạo các cấp công đoàn, đặc biệt là CĐCS cần phải coi bữa ăn ca của NLĐ là một trong những nội dung bắt buộc trong thương lượng và ký kết TƯLĐTT. Công đoàn cơ sở phối hợp với NSDLĐ lựa chọn hình thức tổ chức bữa ăn giữa ca đảm bảo tốt nhất cho NLĐ về lượng, chất và ATVSTP, tạo điều kiện để NLĐ được phục vụ tốt nhất.

Công đoàn cơ sở cần thực hiện quyền kiểm tra, giám sát chất lượng bữa ăn ca. nhất là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATVSTP, kịp thời phản ánh với các cơ quan hữu quan khi phát hiện sai phạm về ATVSTP trong bữa ăn ca của NLĐ. Đề nghị có chế tài xử phạt nghiêm và kiên quyết đối với những vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm.