banner2019
 
Thứ năm, ngày 23 tháng 01 năm 2025
Thứ năm, ngày 23 tháng 01 năm 2025
“Bẫy tam giác” và Cuộc chiến chống Lao động tạm thời
Cập nhật lúc 10:34 ngày 09/12/2013

Ngày 07/10/2012, ngày Thế giới vì Việc làm Thỏa đáng, dưới ngọn cờ của IndustriALL, rất nhiều tổ chức công đoàn trên thế giới đã tổ chức các hoạt động chống lại Việc làm Tạm thời. Khắp nơi, từ Ác-hen-ti-na cho tới Ma-li, từ Pa-lét-xtin cho tới Đức, người lao động đã cất cao tiếng nói, lay động nhận thức của công chúng về nội dung này. Công nhân cũng đã tuần hành trên các đường phố Buốc-ki-na Phát-xô, Cô-lum-bia, Hồng Kông, Hung-ga-ry, In-đô-nê-xia, Thái Lan và nhiều nước khác. Vào ngày này, việc làm tạm thời và cuộc chiến chống lại nó một lần nữa được đưa ra.

Ngày nay, trong tất cả các ngành nghề, tại mọi nơi trên thế giới, chúng ta đang chứng kiến sự biến đổi to lớn về hình thức tuyển dụng lao động. Lao động thông qua văn phòng trung gian, người môi giới, ký gửi lao động hay nhà thầu phụ được sử dụng để thay thế lao động trực tiếp, không xác định thời hạn. Công việc ổn định và đảm bảo ngày càng trở nên hiếm hoi trong khi việc làm tạm thời có vẻ tăng lên. Đối với lao động trẻ, đặc biệt là những sinh viên mới ra trường hoặc người mới tốt nghiệp PTTH, hầu như không có lựa chọn nào khả dĩ hơn-những việc họ được mời chỉ là việc tạm thời.

Theo một báo cáo được tiến hành năm 2009, bất chấp những quy định của luật pháp về việc cấm sử dụng lao động hợp đồng có thời hạn hoặc qua thầu phụ để thay thế lao động được tuyển trực tiếp hoặc giảm giờ làm bình thường của họ, lao động tạm thời vẫn hiễn hữu. 10% lực lượng lao động ở Mê-hi-cô được tuyển dụng thông qua môi giới tạm thời, gần 60% lao động trong ngành điện tử của nước này thuộc quân số của văn phòng môi giới. Ở Nga, có gần 75% công ty nước ngoài và 35% công ty trong nước sử dụng lao động tạm thời (con số này có thể cao hơn bởi có nhiều văn phòng không đăng ký hoạt động). Trong hai năm 2010-2011, có khoảng 70.000 đến 100.000 lao động có liên hệ với văn phòng môi giới. Ở Anh, ước tính con số dao động trong khoảng 270.000 đến 1,4 triệu trong năm 2008. Ngành điện tử Thái Lan hiện có hơn một nửa lao động làm việc tạm thời (khoảng 250.000 người). Ở Phi-líp-pin, 10,8% lao động được tuyển qua văn phòng môi giới lao động. 60 triệu lao động Trung Quốc cũng nằm trong số này. Ở Việt Nam chưa có số liệu chính thức nhưng hiện tượng lao động tạm thời được sử dụng và sử dụng nhiều lần dưới cùng một hình thức là có thật và đang tồn tại trong thời gian dài, đặc biệt trong các ngành dệt may, da giày, thậm chí trong nhiều ngành chế tạo kỹ thuật cao.

Lao động tạm thời dưới bất kỳ dạng nào (lao động qua cá nhân hoặc tổ chức môi giới, lao động theo hợp động ngắn hạn, lao động thuê mướn, ký gửi hay lao động của nhà thầu phụ) đều làm suy yếu quyền lợi của người lao động, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập và điều kiện làm việc của họ. Những lao động bị mắc kẹt trong “cái bẫy tam giác” (bẫy quan hệ lao động ba bên)-được văn phòng môi giới hay nhà thầu phụ tuyển dụng chính thức nhưng thực tế là làm việc cho một hoặc nhiều công ty khác do văn phòng/nhà thầu chỉ định-rất ít có cơ hội thỏa thuận với người sử dụng lao động thực sự, không được hưởng lợi từ thương lượng tập thể hay gia nhập công đoàn. Việc không được tham gia thương lượng tập thể của lao động dạng này thể hiện rất rõ và phổ biến. Họ không thể thương lượng với công ty mà họ làm việc bởi về mặt pháp luật đó không phải là người tuyển-dụng họ; họ cũng không thể thương lượng và nếu có thể thì cũng chẳng hiệu quả khi thương lượng với văn phòng môi giới vì chính doanh nghiệp mới là người kiểm soát tiền công và điều kiện làm việc của họ. Cái gọi là thương lượng đã diễn ra giữa văn phòng môi giới với công ty sử dụng lao động trong khi người lao động của chúng ta đang đứng ngoài kia, chờ trong giá lạnh.

Các tổ chức công đoàn, trong đó có Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn Công Thương Việt Nam nói riêng cần quan tâm hơn đến vấn đề này, ngăn cản sự mở rộng quy mô của dạng lao động tạm thời bằng việc vận động, kết nạp lao động tạm thời, tác động đến các cấp chính quyền và cả doanh nghiệp, đảm bảo lao động qua môi giới có cơ hội tiếp cận với việc làm bền vững, tiến tới ký kết hợp đồng trực tiếp, đảm bảo sự bình đẳng đầy đủ giữa lao động tạm thời với các lao động khác tại nơi làm việc, đảm bảo quyền tự do thương lượng tập thể và quyền gia nhập công đoàn của đối tượng này.

 

 

Thanh Xuân