banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thúc đẩy trách nhiệm xã hội doanh nghiệp - không chỉ có Công đoàn
Cập nhật lúc 10:31 ngày 12/05/2013

Việc triển khai các hoạt động trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) hiện ở các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2010 và 2011, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tổ chức 4 lớp tập huấn về CSR cho cán bộ công đoàn các doanh nghiệp. Tháng 9/ 2012 hai hội thảo về “Vai trò của Công đoàn trong việc thúc đẩy trách nhiệm xã hội doanh nghiệp” được Công đoàn Công Thương tổ chức tại hai khu vực, nhưng phần lớn cũng vẫn chỉ có đại diện công đoàn tham gia.

 

Thực hiện CSR ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, khó khăn trước hết ở nhận thức của lãnh đạo về vai trò của CSR, hiểu đúng về CSR trong nền kinh tế thị trường. Tại các hội thảo khi được hỏi về hiểu như thế nào về CSR, phần lớn các đại biểu đều cho rằng CSR là sự tham gia của doanh nghiệp vào các hoạt động xã hội, từ thiện. Có đại biểu khi được mời tham dự hội thảo đã xin không tham gia vì “chủ yếu làm công tác xã hội ở địa phương, ở những vùng khác để cho đơn vị các đơn vị tại địa bàn” hoặc “đến hội nghị có phải đóng góp gì không ?!”. Có lãnh đạo chuyên môn khi nhận được giấy mời chuyển cho công đoàn “đi là đủ rồi, xem phải đóng góp quỹ nào để về báo cáo”. Như vậy hầu hết cán bộ (cả chuyên môn và công đoàn) đều chưa thật hiểu CSR là gì, vai trò của CSR với phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Có lẽ cụm từ “trách nhiệm xã hội doanh nghiệp” được dịch từ Corporate social responsibility (CSR) không bao hàm hết ý nghĩa mọi hoạt động của CSR. Vì vậy khi nói đến trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, người ta liên tưởng ngay đến việc doanh nghiệp phải làm gì, có trách nhiệm đóng góp gì với xã hội mà không hiểu CSR khá đa dạng và phức tạp, bao gồm những cam kết mang tính bắt buộc (sự tuân thủ quy định về pháp luật) và những cam kết mang tính từ nguyện (thực hiện những bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp, khu vực và quốc tế). Chính vì vậy thông qua hội thảo các đại biểu đã hiểu rõ hơn những nội dung CSR, doanh nghiệp lựa chọn để thực hiện và trách nhiệm của Công đoàn, nhất là trong việc tuân thủ quy định pháp luật về lao động ngay tại doanh nghiệp mình. Nhiều phát biểu tại hội thảo về những việc làm của doanh nghiệp mà thực chất đó là những nội dung thực hiện CSR: phong trào “Nhà máy công viên” của Tổng Cty Thép Việt Nam do Công đoàn khởi xướng trong 2 năm đã công nhận 5 Cty đạt danh hiệu này. Để đạt danh hiệu này gồm nhiều tiêu chí: về tăng trưởng, lợi nhuận, việc đảm bảo quyền lợi người lao động qua ký HĐLĐ, Thoả ước LĐTT, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở,.. và vấn đề môi trường bao gồm cả môi trường làm việc (an toàn lao động, ứng xử, văn hoá doanh nghiệp), môi trường tự nhiên (nước, khí thải, cây xanh) trong doanh nghiệp và ngoài doanh nghiệp… trên thực tế đó là những cam kết (hay đó là bộ quy tắc ứng xử của TCty Thép) được các doanh nghiệp cùng phấn đấu thực hiện. Những hoạt động vì môi trường của TCty Thuốc lá Việt Nam, TCty Hoá chất Việt Nam đã mang lại lợi ích không chỉ người lao động trong doanh nghiệp mà còn hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, dân cư. Ở Cty Xây lắp điện 4 (TCty Xây dựng công nghiệp Việt Nam) ngoài việc đảm bảo mối quan hệ lao động hài hoà tại doanh nghiệp, tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, còn ưu tiên tuyển dụng, tạo việc làm cho nhân dân địa phương nơi Cty làm việc. TCty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn đã giải quyết tốt vấn đề sản xuất với môi trường, có nhiều hoạt động tạo giúp đỡ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương có doanh nghiệp thông qua hỗ trợ ngành nghề, liên kết, trợ giúp, ủng hộ. Mọi người đều biết từ một nơi heo hút, Giấy Bãi Bằng đã làm thay đổi cả một vùng khi có một nhà mày sản xuất bột giấy và giấy ở đây. Hàng nghìn người trở thành công nhân thuộc TCty Giấy có công ăn việc làm từ trồng rừng đến sản xuất giấy. Hàng loạt vấn đề Tcty đã và đang làm như: bảo vệ rừng, xử lý nước thải, đảm bảo việc làm thu nhập, đời sống văn hoá tinh thần, dịch vụ cần thiết… thu hút lao động gắn bó với TCty. Thương hiệu Giấy Bãi Bằng đã nổi tiếng và càng được nhiều người biết đến qua các hoạt động xã hội của TCty.

Sau hội thảo, có đại biểu phát biểu: “cứ nghĩ trách nhiệm xã hội là điều gì rất khó nhưng những việc chúng tôi làm cũng là đang thực hiện CSR rồi, có điều cần làm thế nào để tốt hơn thôi”. Đúng như vậy, ở các TCty, Cty lớn (vốn nhà nước chi phối) thì vấn đề thực hiện CSR không khó khăn, phức tạp, song ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều vấn đề cần được quan tâm. Việc thực hiện những quy định pháp luật nhiều nơi, nhiều lúc còn vi phạm như: ký HĐLĐ, Thoả ước LĐTT, làm thêm giờ, không tham gia BHXH, an toàn vệ sinh lao động, vi phạm xử lý nước thải, môi trường… Nhiều ý kiến tham gia nêu những khó khăn khi thực hiện CSR do chính quyền không quan tâm, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, chủ yếu làm sao để có việc làm nên không chú ý các vấn đề khác, đặc biệt vị thế của công đoàn tại đơn vị không có sức thuyết phục người sử dụng lao động và người lao động.

Điều mong mỏi của những người tổ chức hội thảo là trao đổi kinh nghiệm từ các đơn vị khi thực hiện CSR, mà chủ yếu từ các nhà quản lý, lãnh đạo chuyên môn phải là những người hiểu đúng, quyết định thực hiện CSR với sự tham gia của tổ chức Công đoàn. Song đáng tiếc lãnh đạo chuyên môn chưa đồng hành cùng công đoàn tham gia CSR nên kết quả hội thảo chưa cao. Để nhiều người, nhiều đơn vị biết về CSR có lẽ Công đoàn Công Thương Việt Nam nên tổ chức nhiều lớp tập huấn không chỉ cho cán bộ công đoàn mà phải có đại diện chuyên môn, nhất là lãnh đạo doanh nghiệp. Để kết thúc bài viết này, xin dẫn phát biểu của một phó giám đốc doanh nghiệp khi kết thúc hội thảo: “Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp không chỉ có công đoàn, chính quyền phải đóng vai trò quyết định với sự tham gia tích cực của Công đoàn”.

CĐCT