banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói về bước ngoặt mới của HĐ Đối tác xuyên Thái Bình Dương CPTPP
Cập nhật lúc 04:46 ngày 13/11/2017
Bên lề Hội nghị cấp cao APEC, các Bộ trưởng đã họp Hội nghị Bộ trưởng TPP vào các ngày 8,9, 10/11/2017 về việc thảo luận sớm đưa Hiệp định TPP vào thực thi trong bối cảnh tình hình mới.
Sau cuộc họp của các Bộ trưởng phụ trách về kinh tế tại Hà Nội và Đà Nẵng, các nước trong TPP 11 đã lần lượt tổ chức các cuộc họp ở cấp Trưởng đoàn đàm phán và đã thống nhất được rất nhiều nội dung cơ bản quan trọng.
Các Bộ trưởng ra tuyên bố chung
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Trên cơ sở các kết quả của các buổi đàm phán, các Bộ trưởng đã họp trong những ngày vừa qua tại Đà Nẵng và đã thống nhất một số nội dung quan trọng. Trong đó, thống nhất với tên gọi mới của Hiệp định TPP gồm 11 nước thành viên là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (viết tắt CPTPP).
Các Bộ trưởng cũng đã ra tuyên bố chung khẳng định các nước trong CPTPP đã thống nhất những vấn đề cốt lõi của Hiệp định này theo hướng giữ nguyên các nội dung của Hiệp định TPP cũ nhưng cho phép các nước thành viên được tạm hoãn một số nghĩa vụ để đảm bảo cân bằng trong bối cảnh mới với chất lượng cao của Hiệp định.
Các Bộ trưởng cũng nhất trí Hiệp định TPP là một Hiệp định toàn diện và có tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng các lợi ích của các nước thành viên có tính đến trình độ phát triển của các nước.
Các Bộ trưởng tiếp tục giao các Trưởng đoàn đàm phán để xử lý các vấn đề kỹ thuật còn chưa đạt được sự đồng thuận cũng như tiến hành rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc tiến hành ký kết Hiệp định.
Kết quả đạt được tại Đà Nẵng đã thể hiện những nỗ lực rất lớn của 11 nước thành viên TPP nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tăng cường phát triển thương mại và hợp tác khu vực, thực hiện hội nhập mở cửa hiệu quả hơn.
Trả lời câu hỏi báo chí về việc các nước TPP nói chung và Việt Nam nói riêng có gặp khó khăn gì khi mà Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Hiệp định TPP 12 đã được các quốc gia tham gia đàm phán và xây dựng với tiêu chuẩn rất cao trên các lĩnh vực và khi đạt được sự đồng thuận này thì tất cả các quốc gia đều hài lòng vì nó không những là một dự thảo Hiệp định với tiêu chuẩn chất lượng cao mà còn đạt được điểm cân bằng chung của các quốc gia tham gia Hiệp định này.
Vì vậy khi Hoa Kỳ, một quốc gia có sức nặng kinh tế, với vai trò của mình rút ra khỏi Hiệp định TPP thì cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho các quốc gia trong quan điểm tiếp tục duy trì Hiệp định TPP với tiêu chuẩn chất lượng cao như vậy. Để đạt được điểm cân bằng mới với những lợi ích, nghĩa vụ và cam kết của mình thì trong tất cả các vòng đàm phán trong thời gian vừa qua, các Trưởng đoàn đàm phán (theo chỉ đạo của các Bộ trưởng) đã có những cách tiếp cận rất thực tiễn nhưng làm sao vẫn duy trì được một Hiệp định chất lượng cao, vẫn đảm bảo được mục tiêu ban đầu.
Mặt khác, có thêm quan điểm thực tiễn hơn để đảm bảo tính thực thi của 11 quốc gia. Bốn vòng đàm phán của cấp Trưởng đoàn đàm phán tại các thời gian, địa điểm khác nhau đã phản ánh đầy đủ các khó khăn này, nhưng tuy nhiên với quan điểm xây dựng của các Bộ trưởng TPP, Chính phủ của các nước đã giúp chúng tôi đi đến đạt được các thỏa thuận rất quan trọng cốt lõi của Hiệp định TPP11 nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu của TPP 12 chất lượng cao. Đồng thời đáp ứng được yêu cầu của các quốc gia trong TPP 11 có những điểm cân bằng mới.
Vấn đề tiếp theo là còn một số yêu cầu cần cụ thể hóa trước khi có thể ký kết chính thức những điểm liên quan đến các nội dung có thể xem xét tạm hoãn, cơ chế, phương thức để tạm hoãn thì các cấp Trưởng đoàn đàm phán sẽ đàm phán cụ thể và cũng cần thời gian để đảm bảo lợi ích hài hòa và có được sự đồng thuận như trong Hội nghị Bộ trưởng TPP 11. “Tôi cho rằng đoạn đường khó khăn nhất chúng ta đã đi qua, và đang đến rất gần với Hiệp định TPP 11 mà chúng ta có tên gọi là CPTPP. Tôi rất tin tưởng vào tương lai như vậy”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
TPP đổi tên thành CPTPP
Liên quan đến câu hỏi sự khác nhau giữa CPTPP và TPP là gì và tại sao các bộ trưởng lại thống nhất đổi tên?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Liên quan đến tên gọi của TPP, không chỉ đơn thuần là sự khác biệt của Hiệp định có 12 thành viên (TPP12) với Hiệp định có 11 thành viên (TPP11), mà vấn đề chúng tôi đã thảo luận và thống nhất một quan điểm rất được đánh giá cao của tất cả các quốc gia trong TPP 11 về việc duy trì TPP 11 với chất lượng rất cao, mang tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ là về mở cửa thị trường, thương mại kinh tế,…
Mặc dù trong bối cảnh mới có một quốc gia rút ra khỏi Hiệp định TPP này nhưng tất cả các quốc gia đều khẳng định quyết tâm và mong muốn của mình tiếp tục con đường này. Chính vì vậy tính chất và chất lượng của Hiệp định thể hiện qua 2 từ bổ sung là Toàn diện và Tiến bộ, đó là điều mà tất cả các Bộ trưởng TPP đều hướng đến, thống nhất, nhấn mạnh và coi đó là mục tiêu chung cho tính bao trùm của Hiệp định TPP. Vì vậy, tên gọi mới CPTPP đã được sự đồng thuận rất cao của các Bộ trưởng.
Những "khúc mắc" trong đàm phán TPP
Về câu hỏi: Đâu là vấn đề vấn đề khúc mắc nhất, ảnh hưởng nhất đến VN khi đàm phán TPP?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời: Những quá trình đàm phán TPP 11 cho mục tiêu là duy trì Hiệp định TPP có chất lượng cao nhất, thì đây cũng đã đặt ra những khó khăn cho các nước khi mà phải tìm ra điểm cân bằng mới cho việc duy trì Hiệp định TPP 11 trong bối cảnh mới này, và đây không chỉ là khó khăn riêng của Việt Nam, mà của cả các quốc gia khác đều phải xem xét đánh giá lại về yêu cầu, lợi ích, điểm cân bằng để đảm bảo duy trì Hiệp định TPP này. Vì vậy, quá trình đàm phán của các quốc gia đều phản ánh quá trình tham vấn, xây dựng chính sách của mỗi quốc gia trong quá trình đàm phán để đảm bảo mục tiêu hiệu quả cho các quốc gia tham gia.
Việt Nam cũng giống như các quốc gia khác đều có nghiên cứu, đánh giá rất cụ thể trong việc cải cách mở cửa, thực hiện hội nhập… trong các khía cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để đưa ra được quan điểm cân bằng về lợi ích của Việt nam khi tham gia Hiệp định TPP 11, đồng thời đóng góp cho TPP 11 đạt được sự đồng thuận chung để đưa vào thực thi.
Những khúc mắc ở đây thì không hẳn là khúc mắc, nhưng có những khó khăn mà chúng tôi phải nỗ lực rất lớn để chia sẻ chung với các quốc gia TPP 11 nhưng đồng thời tạo được sự đồng thuận chung trong các cơ quan, tổ chức có liên quan đến cơ chế tham vấn trong nước. Mặt khác với tư cách đồng chủ trì cùng Nhật Bản để chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng TPP giữa năm và tháng 11 năm 2017 tại Đà Nẵng thì cũng có những khó khăn nhất định trong duy trì thảo luận, trao đổi cởi mở, thẳng thắng, nhưng trên tinh thần xây dựng của các quốc gia thành viên để chúng tôi chia sẻ và tìm ra được điểm cân bằng chung cho tất cả các quốc gia.
"Chúng tôi rất vui mừng chia sẻ với vai trò là đồng chủ trì chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình để đạt được thỏa thuận Bộ trưởng TPP về những nguyên tắc cơ bản nhất và những yếu tố cơ bản nhất của CPTPP và những phần việc còn lại cũng đã có hướng để triển khai trong thời gian tới", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương