banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Lương chưa đủ sống nói chi đến tích lũy
Cập nhật lúc 12:09 ngày 30/09/2017
Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) vừa công bố kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm và thu nhập của công nhân. Theo đó, so với mức tiền lương tối thiểu hiện nay, người lao động vẫn chưa đủ sống.
So với mức tiền lương tối thiểu hiện nay, người lao động vẫn chưa đủ sống.
Khảo sát được thực hiện trên 816 hộ gia đình 4 người, có hai vợ chồng là công nhân và hai người ăn theo. Theo đó, nếu một gia đình 4 người gồm 2 vợ chồng nuôi 2 đứa con, chi tiêu hết 9.038.000 đồng/tháng. Tức là mỗi người lao động nuôi một người thì mức chi tiêu là 4.519.000 đồng/tháng, trong khi đó thu nhập trung bình của đối tượng tham gia khảo sát là những người có thu nhập 4.716.500 đồng/tháng.

Cụ thể tiền ăn trung bình hết 3,3 triệu đồng/tháng; tiền thuê nhà trọ trung bình 995.000 đồng/tháng; tiền điện, nước, gas là 624.000 đồng/tháng; xăng xe, đi lại, điện thoại là 593.000 đồng/tháng; chi phí học tập của con cái (tính những người có hai con đi học) trung bình 1,34 triệu đồng/tháng; khám chữa bệnh, thăm hỏi ốm đau, hiếu, hỷ trung bình là 760.000 đồng/tháng; đồ dùng cá nhân, trang phục là 702.000 đồng/tháng; các khoản khác khoảng 750.000 đồng/tháng.

So với mức lương tối thiểu vùng hiện nay là 3.750.000 đồng/tháng thì mỗi người còn thiếu 769.000 đồng/tháng, cả gia đình thì còn thiếu 1.538.000 đồng/tháng. Sắp tới, nếu điều chỉnh lương tối thiểu lên 3.980.000 đồng/tháng thì mỗi gia đình còn thiếu 1.074.000 đồng/tháng.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy 57,6% số người lao động được khảo sát cho biết, trong tháng 3/2017, họ có làm thêm giờ, mức trung bình là 33,7 giờ/tháng, với số tiền gần 1,2 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập đáng kể để người lao động trang trải cho cuộc sống đang thiếu thốn của họ.

Trong số này, 84,4% số người lao động cho biết muốn đi làm thêm là để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, số còn lại phải làm thêm theo sắp xếp của doanh nghiệp.

Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ (Viện Công nhân và Công đoàn), với tình hình thu nhập và chi tiêu (dù là rất tằn tiện, dè sẻn) của người lao động, thì đời sống của người lao động vùng I, II thực sự khó khăn, thiếu thốn. Do đó, trong 5 tháng đầu năm 2017, tình trạng tranh chấp lao động dẫn đến đình công, mà nguyên nhân chủ yếu liên quan đến tiền lương, thu nhập và điều chỉnh lương tối thiểu (chiếm 54,1%), tương ứng với 72/133 cuộc ngừng việc.
Theo Báo mới