banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Mong muốn cán bộ công đoàn là một nghề được đảm bảo
Cập nhật lúc 01:19 ngày 07/01/2014
Trong hoạt động công đoàn, trên cương vị là Chủ tịch Công đoàn Công nghiệp Hóa chất VN, tôi tâm đắc nhất chủ trương mà Nghị quyết Đại hội công đoàn Việt Nam lần thứ X và Dự thảo Báo cáo của Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XI đã đề ra là hướng về cơ sở. Đây là một chủ trương rất đúng đắn và tôi hết sức quan tâm. Bởi trong tình hình hiện nay, nếu công đoàn cơ sở mà hoạt động tốt thì sẽ là nhân tố quan trọng thức đẩy sự lớn mạnh của tổ chức công đoàn.

Công đoàn cơ sở chính là địa bàn quan trọng nhất triển khai Nghị quyết của CĐ và cũng là bộ phận triển khai trực tiếp tất cả phong trào thi đua do công đoàn phát động. Đây cũng là nơi đúc rút ra những ưu nhược điểm của chương trình hành động, từ đó có những kiến nghị lên cấp trên để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Do vậy, nếu các hoạt động công đoàn mà gắn với cơ sở sẽ có ý nghĩa hết sức thuyết phục. Tuy nhiên, trong thời gian qua, công đoàn cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. Lâu nay chúng ta thấy rằng, đa số các công đoàn tổng công ty, các công đoàn cơ sở phải tự thân mày mò, tự thân tìm ra phương thức hoạt động mà thiếu đi sự khảo sát, đánh giá của tổ chức công đoàn. Do không có khảo sát đánh giá, nên tổ chức Công đoàn đã không thấy hết được đâu là thuận lợi, đâu là khó khăn trong quá trình hoạt động để đề ra chủ trương cho đúng. Theo tôi, đây là một trong những nguyên nhân làm cho tầm quan trọng của tổ chức công đoàn bị giảm sút.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc hướng về cơ sở, Công đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam đặc biệt quan tâm đến nội dung này trong nhiệm kỳ qua và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Với phương châm hướng về cơ sở, hàng năm, Công đoàn Công nghiệp Hóa chất VN tiến hành khảo sát tất cả các CĐCS xem họ cần gì và có khó khăn gì, từ đó từng bước hướng dẫn và đáp ứng yêu cầu.
 

Thăm hỏi và tặng quà công nhân lao động nhân dịp tết cổ truyền dân tộc

 

Qua việc sâu sát cơ sở, Công đoàn Công nghiệp Hóa chất VN nắm bắt được những đề xuất, kiến nghị của họ, sau đó tổng hợp và có những đề nghị, kiến nghị với lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo Đảng uỷ để có những chủ trương, chỉ thị liên tịch để mà tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cơ sở.

Thứ hai là, định hướng tốt các phong trào thi đua phù hợp với từng thời điểm để người lao động có điều kiện phát huy sáng tạo của mình, doanh nghiệp có điều kiện phát triển bền vững.

Thứ ba là, nếu cơ sở làm tốt thì, Công đoàn Công nghiệp Hóa chất VN có tổng kết, khen thưởng, biểu dương để nhân rộng điển hình.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, nhận thấy đang tồn tại một điều rất lạ đối với việc thu hút cán bộ tham gia làm cán bộ công đoàn chuyên trách. Quả thực tổ chức Công đoàn chưa tạo được sức hút để thu hút cán bộ chuyên môn tham gia làm cán bộ công đoàn chuyên trách. Cụ thể là, hiện nay rất nhiều CĐCS, cán bộ đủ tiêu chuẩn nhưng không muốn làm chủ tịch công đoàn chuyên trách mà chỉ thích kiêm nhiệm. Mặc dù, theo quy định, chủ tịch công đoàn chuyên trách được hưởng lương bằng phó tổng giám đốc. Nhiều đồng chí thậm chí chỉ là trưởng, quản đốc, phó quản đốc nhưng cũng chỉ thích làm kiêm nhiệm không thích chuyển sang chuyên trách để được hưởng lương cao hơn. Đây là một vấn đề mà tổ chức công đoàn phải xem xét. Tìm hiểu và khảo sát vấn đề này, chúng tôi phần nào tìm được câu trả lời. Thứ nhất, sở dĩ cán bộ không thích làm cán bộ công đoàn chuyên trách là vì cơ chế, chính sách cho các cán bộ công đoàn chuyên trách chưa rõ ràng. Thứ hai là cơ chế để bảo vệ cán bộ cũng chưa thật tốt, cán bộ công đoàn chưa yên tâm. Bởi trong quá trình hoạt động, nhiều khi cán bộ công đoàn đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho người lao động thì chắc chắn có những xung đột đối với chủ doanh nghiệp. Được lòng quần chúng thì mất lòng lãnh đạo. Khi mà cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn chưa rõ ràng thì cán bộ công đoàn bao giờ cũng muốn giữ “một cái chân” làm chuyên môn để giả sử khi người ta đấu tranh mà không được bảo vệ, ta sẽ lùi về làm chuyên môn. Đây là lí do chính mà cán bộ của ta không muốn làm cán bộ công đoàn chuyên trách. Thứ ba là, cán bộ công đoàn lại công tác theo nhiệm kỳ, mùa vụ. Đã là nhiệm kỳ thì hết nhiệm kỳ lại phải bầu lại. Nếu thời gian còn lại đủ để tham gia thì không sao nhưng nếu không đủ thời gian để tiếp tục tham gia thì họ không được bầu tiếp. Vậy thời gian còn lại đó họ làm cái gì, trong khi nếu là chuyên môn thì cứ nam đúng 60 tuổi, nữ 55 tuổi là nghỉ hưu, không phải quan tâm đến nhiệm kỳ. Hoặc là khi người ta đang làm mà do mâu thuẫn hay do một lý do nào đó nhiệm kỳ sắp đến người ta không trúng thì họ sẽ làm gì tiếp theo. Tổ chức Công đoàn chưa có quy định cụ thể nào để giải quyết những tình huống đó. Đây chính là lý do hạn chế sự nhiệt tình của các bộ công đoàn cơ sở.

Ký kết giao ước thi đua tại công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình

 

Vậy để phát huy tốt vai trò của cơ sở cũng như thực chất hướng về cơ sở đến với Đại hội Công đoàn lần này, chúng tôi mong muốn trong thời gian tiếp theo, Tổng Liên đoàn cần có những cuộc khảo sát và cần có những đề nghị về mặt chính sách đối với Đảng, Nhà nước để tháo gỡ những khó khăn trên, đồng thời Tổng Liên đoàn cần có những quy định để tạo mọi điều kiện để cán bộ công đoàn cơ sở yên tâm công tác và coi việc làm cán bộ công đoàn như một cái nghề được đảm bảo. Nghề đó được xã hội, các cấp tôn vinh. Có như vậy, cán bộ công đoàn mới phấn khởi và tích cực tham gia công tác công tác công đoàn.

Vũ Tiến Dũng
Chủ tịch Công đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam