banner2019
 
Thứ bảy, ngày 18 tháng 01 năm 2025
Thứ bảy, ngày 18 tháng 01 năm 2025
Muốn nâng cao năng suất, cần nâng cao mức sống cho người lao động
Cập nhật lúc 03:14 ngày 03/08/2017
Các doanh nghiệp (DN) chủ yếu nhập máy móc, thiết bị lạc hậu 2-3 thế hệ. Với máy móc, công nghệ lạc hậu, rất khó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, nhiều người lao động (NLĐ) muốn học tập nâng cao tay nghề lại không thể.
Tại một hội thảo được tổ chức gần đây, ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ KHCN - cho rằng, trình độ KHCN của Việt Nam mới chỉ ở mức trung bình. Việt Nam vẫn đang thiếu những công cụ pháp lý hiệu quả để có thể kiểm soát, ngăn chặn các công nghệ lạc hậu được du nhập về trong nước.
Công nhân may đang làm việc trong một nhà máy tại tỉnh Hưng Yên. Ảnh: H.N
Luẩn quẩn “quả trứng có trước hay con gà...”
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KHCN) - từ năm 2011 đến nay, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đạt khoảng 4,5%/năm. So sánh với các nước trong khu vực, đơn cử như Thái Lan, Philippines và Indonesia, chúng ta có cao hơn một chút, nhưng so với các nước trong khu vực thì vẫn đang thấp hơn nhiều.
Một nghịch lý là, chủ DN muốn có năng suất cao, nhưng lại chọn lao động giá rẻ để giảm bớt chi phí nhân công. Lao động giá rẻ chiếm số lượng lớn và chất lượng lao động không đồng đều đang trở thành rào cản để tăng năng suất lao động. Và, vì năng suất lao động chưa cao, nên chủ sử dụng lao động luôn tìm mọi lý do, viện đủ mọi cách để trả công cho người lao động một cách rẻ mạt nhất có thể. Để đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động và nhằm để được hưởng mức lương cao hơn, người lao động cũng mong muốn học tập, nâng cao tay nghề. Tuy nhiên, lương thấp và không đủ sống, không đủ tái tạo sức lao động bền vững thì khó có thể nghĩ đến việc người lao động tự đào tạo để tăng năng suất.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, chủ một DN trong lĩnh vực máy móc thiết bị than phiền: “Công nhân có tay nghề thấp, nhưng luôn đòi hỏi phải được trả công cao. Năng suất lao động thấp, nhưng mức lương cao là điều vô lý”.
Lập luận lại ý kiến này, chị Dương Thị Thơm (từng là công nhân tại KCN Quế Võ - Bắc Ninh, vì thu nhập quá thấp đã bỏ việc ra ngoài kinh doanh) cho hay: Khi tuyển dụng, DN chỉ cần công nhân có tay nghề ở mức trung bình để trả lương thấp. Sau một thời gian, dù muốn học thêm để nâng cao tay nghề, nhưng giờ làm thêm liên tục tăng, lương không đủ chi tiêu làm sao dôi ra để đầu tư học tập. “Thời gian làm thêm giờ đã vắt kiệt sức lực. Chúng tôi về đến nhà là chỉ muốn lăn ra ngủ vì quá mệt mỏi, làm sao có thể học nổi” - chị Dương Thị Thơm chia sẻ.
Chính vì vậy, cái vòng luẩn quẩn năng suất - mức thu nhập không khác gì câu chuyện “quả trứng có trước hay con gà có trước”. Người sử dụng lao động vẫn vin vào câu chuyện này để cắt xén tiền công của NLĐ đến mức thấp nhất có thể.
Cần nâng cao mức sống
Theo ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội - tốc độ đổi mới công nghệ trong các DN thời gian qua rất thấp, chưa đạt như mong muốn (10%/năm), một số ngành, lĩnh vực (các nhà máy nhiệt điện, ximăng, mía đường, luyện cán thép, khai khoáng… vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu. Điều này đã khiến năng suất lao động không cao, làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, trong mối quan hệ này, giới chủ phải chấp nhận có sự đầu tư thích đáng cho NLĐ. Để đảm bảo mức tăng năng suất lao động so với các nước trong khu vực và đảm bảo đời sống tối thiểu của NLĐ, ông Tuấn cho rằng, có rất nhiều giải pháp cần phải thực hiện nhưng một trong những giải pháp làm được ngay mà không tốn kém là DN cần thu hút NLĐ cùng cải tiến quá trình công việc hiện nay, sắp xếp lại mọi thứ để giảm lãng phí, giảm nhân công và những thứ không hiệu quả. “Điều đầu tiên DN cần tập trung sắp xếp, loại bỏ các thứ lãng phí, cải tiến quá trình sản xuất từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, từ hiệu quả này có thể bù đắp một phần tăng thu nhập cho NLĐ, thu hút NLĐ cùng tham gia và xây dựng những chiến lược mang tính dài hơi hơn như đổi mới KHCN rồi ra sản phẩm mới, mở rộng thị trường…”.
Trao đổi với PV, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều chung ý kiến: Muốn cải thiện được năng suất lao động, quan trọng nhất là phải nâng cao được hàm lượng công nghệ, nâng cao chất lượng lao động, thay vì giá trị sản xuất chỉ dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ và khai thác tài nguyên. Do đó, DN cần đổi mới trang thiết bị, máy móc, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để đáp ứng nhu cầu đổi mới. Đổi mới máy móc thiết bị cũng đồng nghĩa với việc tăng năng lực sản xuất của DN cả về số lượng và chất lượng. Với một dàn máy móc thiết bị hiện đại đồng bộ, DN sẽ tiết kiệm được chi phí nguyên vật liệu cho một đơn vị sản phẩm, ít tiêu hao nhiên liệu hơn và lượng phế phẩm cũng ít đi. Các khoản chi phí sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị cũng giảm.
Còn theo PGS-TS Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - để tạo điều kiện cho NLĐ có thể nâng cao tay nghề, DN cần đảm bảo mức sống để NLĐ có phần chi phí đầu tư cho học tập, tập huấn. Đồng thời cũng phải đầu tư công nghệ, máy móc phù hợp, đồng bộ. Bởi, nếu NLĐ có tay nghề cao, nhưng thao tác trên phương tiện lao động cũ kỹ, lạc hậu, cũng không thể nâng cao năng suất. Thực tế cho thấy, đời sống của NLĐ đang rất khó khăn, do đó muốn lôi kéo và tạo sự đồng thuận cần phải cải thiện đời sống cho NLĐ.
Nguồn Báo LĐ