banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
ĐỂ KHÔNG CÒN “LUẬT MỘT BÊN VÀ ĐÌNH CÔNG MỘT BÊN”: Làm thế nào để đình công hợp pháp?
Cập nhật lúc 10:13 ngày 17/05/2017

Trước thực trạng các cuộc ngừng việc tập thể, đình công từ trước đến nay đều bất hợp pháp, không đúng theo trình tự thủ tục, nhiều cán bộ CĐ, chuyên gia cho rằng cần sửa đổi quy định của Bộ luật LĐ về tổ chức và lãnh đạo đình công cũng như cần xem xét lại quy định cấp CĐ nào sẽ đứng ra đảm nhiệm việc này?


Đặc điểm chung của các cuộc ngừng việc tập thể là tự phát, không do CĐCS lãnh đạo, tổ chức. Trong ảnh: CN cung cấp thông tin cho phóng viên về yêu sách của mình trong một cuộc đình công tại Thái Bình năm 2013. Ảnh: Quế Chi

Cần sửa luật

Theo ông Đoàn Văn Đây - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - đối với thủ tục giải quyết tranh chấp LĐ tập thể về lợi ích qua hòa giải (5 ngày), trọng tài (7 ngày) và đình công, là quá dài so với thực tế. “Do đó, cần quy định đơn giản về mặt thủ tục và rút ngắn hơn về mặt thời gian. Chỉ cần hai bên (người sử dụng LĐ và NLĐ) thương lượng không thành công thì tập thể NLĐ có quyền tổ chức đình công” - ông Đây nói.

Vẫn theo ông Đây, hiện tại tất cả các tỉnh nơi xảy ra đình công thì có đoàn công tác của tỉnh và huyện xuống nắm tình hình, bàn các giải pháp theo yêu cầu của NLĐ, đồng thời thuyết phục cả hai bên để tìm ra điểm chung hài hòa đôi bên. “Đây là mô hình thực tế và cơ chế giải quyết này có hiệu quả nên kiến nghị đưa vào trong quy định của pháp luật” - ông Đây đề xuất.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Việt - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang - nên sửa Luật LĐ quy định về tổ chức và lãnh đạo đình công để luật đi vào cuộc sống. Theo ông, công đoạn lấy ý kiến NLĐ cần dễ dàng hơn, không cần phải lấy ý kiến trên 50% số lượng CN như hiện nay; thời gian thông báo trước cuộc đình công cần rút ngắn hơn, vì thời gian ít nhất 5 ngày là quá chậm; rút gọn quy trình giải quyết cũng như tổ chức lãnh đạo đình công, tạo điều kiện cho NLĐ...

Hiện nay, luật không cho phép đình công về quyền, mà chỉ cho phép đình công về lợi ích. Theo nhiều cán bộ CĐ, dù không cho phép, thì thực tế, các cuộc ngừng việc tập thể vì CN bị xâm hại về quyền vẫn diễn ra. Trong thực tế, quyền và lợi ích thường đan xen với nhau. Do vậy, theo ông Đoàn Văn Đây - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - luật cần phải cho phép đình công cả về quyền và lợi ích. 

Cấp CĐ nào lãnh đạo đình công?

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó ban QHLĐ Tổng LĐLĐVN - để luật đình công đi vào cuộc sống, việc sửa Luật LĐ là cơ bản và quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Theo ông, cần nâng cao vai trò, năng lực của cán bộ CĐ, nhất là CĐCS cần tăng cường ý thức chấp hành của người sử dụng LĐ; tăng cường vai trò của các thiết chế giải quyết tranh chấp LĐ, đình công (như trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cơ quan trọng tài). Hiện nay, luật quy định CĐCS là chủ thể lãnh đạo đình công.

Có ý kiến cho rằng, cần chuyển vai trò lãnh đạo đình công cho CĐ cấp trên cơ sở, vì cấp này hội tụ đầy đủ điều kiện về vật chất, nhân lực, trình độ. Có ý kiến lại cho rằng, CĐCS cần là chủ thể lãnh đạo đình công; còn CĐ cấp trên cơ sở chỉ đóng vai trò hỗ trợ về pháp lý, kinh phí.... Bên cạnh đó, không nên giao cụ thể vai trò lãnh đạo CĐ cho cấp nào mà chỉ nên quy định đình công là quyền của CĐ. Được biết, quy định trên được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. 

Thực tế hầu hết cán bộ CĐ tại các DN đều kiêm nhiệm và hưởng lương từ người sử dụng LĐ nên ngại va chạm, sợ bị ảnh hưởng tới việc làm. Vì vậy, cần có cơ chế bảo vệ cán bộ CĐCS, có như vậy họ mới có thể đứng ra tổ chức đình công.

Theo bà Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện CN CĐ (Tổng LĐLĐVN) - để lãnh đạo được một cuộc đình công, CĐ cần phải có sự tin tưởng của NLĐ. Với thực tế hiện nay nhiều cán bộ CĐ ở các DN là quản lý cấp trung, bà Lan đề xuất cần xem xét lại cơ cấu tổ chức của BCH CĐ; đồng thời cần có sức mạnh tập thể của NLĐ. Nếu CĐ không tổ chức được hành động tập thể thì không thể tổ chức đình công.

Nguồn Báo Lao động