banner2019
 
Chủ nhật, ngày 19 tháng 01 năm 2025
Chủ nhật, ngày 19 tháng 01 năm 2025
Chăm lo đời sống người lao động
Cập nhật lúc 08:57 ngày 05/05/2017

Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh trước hết là giải quyết tốt vấn đề việc làm là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi công nhân, sự tham gia đóng góp tích cực của người sử dụng lao động...

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Lao động (1-5), từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng và phát huy vai trò giai cấp công nhân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đời sống giai cấp công nhân Việt Nam ngày được nâng cao, phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế, vấn đề lao động việc làm, đời sống của một bộ phận công nhân còn gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, chăm lo xây dựng giai cấp công nhân phát triển vững mạnh là trách nhiệm không chỉ của Đảng, Nhà nước mà còn của chính giai cấp công nhân.


Theo Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2016: Tổng số công nhân đến năm 2016 là 14,5 triệu người, trong đó có 64% là nữ, bao gồm số công nhân đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; số công nhân làm việc trong các hộ sản xuất kinh doanh cá thể; số lao động Việt Nam đang làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài; số lao động chân tay trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể.

Sau hơn 30 năm đổi mới, giai cấp công nhân nước ta đã có những chuyển biến quan trọng, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; đóng góp trực tiếp và to lớn vào sự phát triển của đất nước. Về mặt sản xuất, giai cấp công nhân là lực lượng cơ bản, chủ yếu, có vai trò to lớn trong nền kinh tế quốc dân. Mặc dù về số lượng giai cấp công nhân chiếm tỷ lệ không lớn trong tổng số dân cư (chiếm tỷ lệ 11% dân số và 21% lực lượng lao động xã hội) nhưng nắm giữ những cơ sở vật chất và các phương tiện sản xuất hiện đại nhất của xã hội, quyết định phương hướng phát triển chủ yếu của nền kinh tế.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đời sống của đội ngũ công nhân trong các thành phần ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2008 cho thấy ở nước ta còn có 14,7% công nhân trong tình trạng thường xuyên không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, 51,7% công nhân trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 35,6% công nhân trong các doanh nghiệp tư nhân phải đi thuê nhà ở trọ10. Đặc biệt, sự an toàn đối với người lao động chưa được bảo đảm. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Thương binh - Xã hội, từ năm 2005 - 2010, cả nước đã xảy ra hàng chục ngàn vụ tai nạn lao động dẫn đến những thiệt hại rất lớn về người và vật chất. Riêng năm 2010, xảy ra 5.125 vụ tai nạn lao động, trong đó có 554 vụ tai nạn lao động chết người. Tổng số người bị nạn là 5.307 người, trong đó có 600 người chết, 1.260 người bị thương nặng. Tổng thiệt hại về vật chất lên tới 137,5 tỷ đồng; số ngày nghỉ do tai nạn lao động cũng lên đến 75.454 ngày.

Tình trạng việc làm của công nhân lao động còn gặp nhiều khó khăn, cường độ làm việc rất cao, tai nạn lao động vẫn gia tăng. Đặc biệt là tiền lương, thu nhập của người lao động chưa tương xứng với cường độ và thời gian lao động; vấn đề ngộ độc thực phẩm, bữa ăn công nhân có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động là điều rất đáng lo ngại. Bên cạnh đó, điều kiện sinh hoạt tinh thần cũng rất thiếu thốn, tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động vẫn còn diễn ra phổ biến. Tranh chấp lao động và đình công trong công nhân lao động có nhiều diễn biến phức tạp.

Để giải quyết việc làm cho giai cấp công nhân, nhiều yêu cầu mới sẽ đặt ra, trong đó có hai giải pháp chủ yếu: Một là, hướng mạnh việc mở rộng thu hút đầu tư vào những lĩnh vực sản xuất và dịch vụ với công nghệ tiên tiến. Hai là, chủ động phát triển có chiến lược và có kế hoạch để đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất và dịch vụ với công nghệ, chất lượng cao.

Xét về tổng thể, cần chủ động điều chỉnh, phân bổ tái sản xuất đầu tư để duy trì một tỷ lệ thích hợp, cân đối giữa kết quả thu được của tăng trưởng kinh tế - thu ngân sách của toàn xã hội và từng địa bàn với thu nhập thực tế của công nhân. Không nên để tình trạng ở không ít địa phương, đặc biệt là những khu vực có tốc độ tăng trưởng cao liên tục mà thu nhập và đời sống thực tế của đại bộ phận công nhân lại thấp đi. Mức lương tối thiểu cần phải được Nhà nước chủ động điều chỉnh trên cơ sở được tính toán cân nhắc kỹ, toàn diện. Không thể đề cao, “tuyệt đối hóa” lợi thế lao động rẻ trong kêu gọi thu hút đầu tư. Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, tổ chức của cơ quan giám sát điều chỉnh quan hệ lao động, chính sách an sinh và các tổ chức chính trị - xã hội trong công nhân. Cần có những nghiên cứu sâu hơn với cơ sở khoa học, pháp lý đầy đủ về các vấn đề quan hệ lao động, tiền lương, chính sách thuế…

Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh trước hết là giải quyết tốt vấn đề việc làm là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi công nhân, sự tham gia đóng góp tích cực của người sử dụng lao động; trong đó, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước có vai trò quyết định, công đoàn có vai trò quan trọng trực tiếp trong chăm lo xây dựng giai cấp công nhân.

Vũ Quang Vinh