banner2019
 
Chủ nhật, ngày 19 tháng 01 năm 2025
Chủ nhật, ngày 19 tháng 01 năm 2025
CĐCTVN: Mái nhà chung cho người lao động
Cập nhật lúc 08:19 ngày 03/05/2017

Với mục tiêu “hướng về cơ sở, vì lợi ích đoàn viên”, Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) đã có nhiều chính sách cụ thể cho từng trường hợp, mỗi đơn vị; từ đó tăng cường các hoạt động xã hội, giải quyết việc làm, chăm lo đời sống, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ).


Công đoàn Công Thương Việt Nam nhận cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Bảo đảm tính dân chủ tại cơ sở

Với số lượng CNVCLĐ toàn hệ thống là 175.239 người, 16 công đoàn cấp trên cơ sở, 418 công đoàn cơ sở (CĐCS) và 146 CĐCS trực thuộc các công ty, cục, vụ, viện và trung tâm đào tạo... nên khối lượng công việc mà các cán bộ công đoàn của CĐCTVN phải xử lý giải quyết là không hề nhỏ. Đặc biệt, đây lại là công việc liên quan trực tiếp đến chính sách quyền lợi của người lao động (NLĐ) nên mọi công tác phải luôn được thực hiện một cách nhanh chóng, hợp tình, hợp lý dựa trên những quy định pháp luật của nhà nước; đồng thời phù hợp với tình hình thực tế tại từng đơn vị.

Năm 2016, CĐCTVN đã ghi nhận thành tích đáng khích lệ khi 100% doanh nghiệp trong ngành không xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng NLĐ. Trong dịp Tết Nguyên đán 2017, toàn ngành cũng không xảy ra bất cứ tranh chấp lao động nào dẫn đến đình công, bãi công tại doanh nghiệp, tạo sự ổn định trong quan hệ lao động và trật tự, an toàn xã hội; giúp NLĐ an tâm sản xuất, kinh doanh.

“Có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực xây dựng dân chủ, đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) tại từng CĐCS trực thuộc CĐCTVN” - ông Lý Quốc Hùng - Chủ tịch CĐCTVN - cho biết. Ngay từ đầu năm, CĐCTVN phối hợp với Bộ Công Thương ban hành Công văn liên tịch số 28/BCT-CĐCTV hướng dẫn thực hiện dân chủ tại các đơn vị trong ngành. Theo đó, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành Công Thương phối hợp với tổ chức công đoàn cụ thể hóa việc thực hiện quy chế dân chủ, tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch; giải quyết những vấn đề bức xúc, đáp ứng kịp thời tâm tư, nguyện vọng của NLĐ.

Cụ thể, công đoàn các đơn vị đã phối hợp với người sử dụng lao động đồng cấp xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng theo Nghị định 153/2016/NĐ-CP, triển khai chi tiết, cụ thể, gắn với tình hình thực tế của đơn vị và công khai cho NLĐ được biết. Công đoàn đã chủ động đề nghị, thống nhất với người sử dụng lao động thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại nghị định này; trong đó doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc ban đêm, làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp. Do vậy, 100% các doanh nghiệp đã cam kết thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo quy định nhưng không cắt giảm các chế độ khác mà NLĐ được hưởng.

CĐCTVN cũng đã làm việc với các công đoàn cấp trên cơ sở, đề nghị rà soát lại các thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) đã ký kết và đẩy mạnh thực hiện công tác nâng cao chất lượng TƯLĐTT. Các cấp công đoàn đã tiến hành rà soát, thống kê, thương lượng, đánh giá chất lượng TƯLĐTT. Đồng thời, công đoàn ngành còn tích cực tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn các CĐCS trong việc xây dựng, thực hiện TƯLĐTT. Thống kê cho thấy, tỉ lệ ký kết văn bản này ở các doanh nghiệp đạt trên 90%; trong đó, doanh nghiệp nhà nước từ 97 - 98%, doanh nghiệp FDI trên 80%. Hơn 60% thỏa ước có nhiều điểm có lợi cho người lao động.

Sát cánh cùng người lao động

Chia sẻ về những dự định trong năm 2017, ông Lý Quốc Hùng cho biết, đây là năm có nhiều chuyển biến mới trong tình hình thế giới diễn biến khó lường. Trong xu thế toàn cầu hóa, kinh tế Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng và phải cạnh tranh gay gắt hơn; liên kết kinh tế khu vực với nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương được đẩy mạnh. Những điều kiện này vừa là thuận lợi, cũng là khó khăn tác động không nhỏ đến quá trình triển khai thực hiện mục tiêu nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020 của ngành Công Thương nói chung và CĐCTVN nói riêng. Đặc biệt, việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước khi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới, đòi hỏi CNVCLĐ phải có trình độ chuyên môn cao, tay nghề vững, không ngừng học tập để tiếp cận những thiết bị công nghiệp mới.

Công đoàn Công Thương Việt Nam cùng công đoàn các cấp luôn tập trung hỗ trợ người lao động về vật chất cũng như tinh thần, bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động.

Từ định hướng đó, các cấp công đoàn đã, đang và sẽ vận dụng sáng tạo và tổ chức nhiều phong trào thi đua, nhiều hội thi mang tính ngành, nghề phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, của doanh nghiệp, tiêu biểu như: Phong trào “Luyện tay nghề giỏi”, “Kinh doanh giỏi”, “Quản lý tốt”, “Mỗi kỹ sư một đề tài, mỗi tổ công đoàn một sáng kiến”, phong trào thi đua “Ba tốt” (quản lý vật tư tốt, làm kế hoạch tốt, tổ chức lao động tốt). Ngoài ra, còn có phong trào “Thi đua 2 tốt” gắn với cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và cuộc vận động “Chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục” đối với khối trường…; tập trung hơn cả là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”.

Những phong trào này sẽ là cơ sở để NLĐ cố gắng phấn đấu thi đua hơn nữa đóng góp vào phát triển chung của đơn vị. Cùng với đó, năm 2017 cũng được CĐCTVN xác định là “Năm vì lợi ích đoàn viên công đoàn”. “Mọi hoạt động công đoàn sẽ tập trung bảo đảm thiết thực vào lợi ích của đoàn viên, từ các chính sách về an toàn lao động, bảo đảm chế độ tiền lương, hỗ trợ chế độ việc làm gia đình, hỗ trợ đào tạo học tập nâng cao chuyên môn cho đến các hoạt động sinh hoạt văn hóa - thể thao... Để từ đó, CĐCTVN đã, đang và sẽ là chỗ dựa tinh thần vững chắc của NLĐ toàn Ngành” - ông Lý Quốc Hùng khẳng định.

Năm 2016, thu nhập bình quân toàn ngành Công Thương đạt 5.963.000 đồng/người/tháng. Toàn Ngành có 11.436 cán bộ được cơ quan, đơn vị bố trí nhà ở. Hầu hết các đơn vị đã chú trọng chăm lo đến đời sống tinh thần của NLĐ thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và xây dựng thiết chế văn hóa tại khu dân cư, khu tập thể CNVCLĐ.

Nguồn Báo CT