banner2019
 
Chủ nhật, ngày 19 tháng 01 năm 2025
Chủ nhật, ngày 19 tháng 01 năm 2025
Yêu cầu đối với hoạt động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới
Cập nhật lúc 09:15 ngày 07/04/2017

Với 11 chương và 44 điều thay vì 11 chương và 45 điều như hiện hành,  Dự thảo Điều lệ công đoàn Việt Nam sẽ đáp ứng được yêu cầu hoạt động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới.

Nêu rõ hơn quyền lợi của đoàn viên

Theo Dự thảo sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam (CĐVN), đối tượng tập hợp của CĐVN, ngoài các đối tượng đã quy định trong Điều lệ và Hướng dẫn thi hành khóa XI, dự thảo bổ sung thêm các đối tượng được kết nạp vào tổ chức CĐ như: Lao động (LĐ) trong các hợp tác xã nông nghiệp có quan hệ tiền lương theo quy định của pháp luật LĐ; LĐ giúp việc gia đình, có hợp đồng lao động theo Luật LĐ và xem xét, bổ sung quy định đối tượng không được kết nạp vào tổ chức CĐVN (người LĐ có quốc tịch nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, người đang trong thời gian chấp hành các hình phạt tù theo quyết định của tòa án, hoặc đang bị cơ quan điều tra về các hành vi vi phạm pháp luật...).


Chia sẻ về quan điểm, nguyên tắc sửa đổi, bổ sung Điều lệ CĐVN, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Lý khẳng định: Dự thảo được sửa đổi theo hướng: Giữ vững nguyên tắc tổ chức và hoạt động CĐVN về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cấp CĐ, dưới sự lãnh đạo của Đảng; tập hợp những điểm bất cập hoặc chưa cụ thể hóa trên cơ sở các nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, Luật CĐ, Bộ luật Lao động để đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ CĐVN đáp ứng yêu cầu hoạt động CĐVN trong tình hình mới; đáp ứng hội nhập quốc tế, tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức, nội dung hoạt động CĐ, lấy lợi ích của đoàn viên làm cốt lõi, nhằm tập hợp đông đảo CNVCLĐ tự nguyện gia nhập tổ chức CĐ vững mạnh.Về quyền và nhiệm vụ của đoàn viên, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung, ngoài quy định rõ hơn về quyền, nhiệm vụ của đoàn viên CĐ còn đề cập cụ thể đến lợi ích của đoàn viên, như: Được hưởng lợi ích từ các thiết chế của tổ chức CĐVN và các hình thức liên kết, hợp tác khác của các cấp CĐVN; được cấp thẻ đoàn viên CĐ và sử dụng theo hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Đáng chú ý, dự thảo bổ sung thêm về công tác đoàn viên: Quản lý, đánh giá, phân loại đoàn viên; khen thưởng, kỷ luật đoàn viên và giúp đỡ, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng...

Tiếp tục xin ý kiến rộng rãi để hoàn thiện dự thảo

Theo Dự thảo Điều lệ mới, sẽ thống nhất tên gọi của tổ chức CĐ là CĐVN, trong đó khẳng định: CĐVN là tổ chức chính trị rộng lớn của giai cấp công nhân, cán bộ, công chức, viên chức và những người LĐ khác (gọi chung là người LĐ), trong đó cơ quan trung ương của CĐVN là Tổng LĐLĐVN.

Tổng hợp góp ý sửa đổi Điều lệ CĐVN tại đại hội, hội nghị CĐ cấp cơ sở, gửi trước ngày 15/1/2018. Đối với các đơn vị được Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN chỉ định đại hội điểm, gửi trước ngày 15/10/2017.

Với CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở, tổng hợp góp ý sửa đổi gửi trước ngày 15/4/2018 (đơn vị được Tổng LĐ chỉ định đại hội điểm, gửi trước ngày 15/1/2018). Với CĐ ngành trung ương, CĐ Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐ gửi trước ngày 15/7/2018 (đơn vị Tổng LĐ chỉ định đại hội điểm, gửi trước ngày 15/4/2018).

Góp ý về sửa đổi điều lệ Công đoàn Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến- Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội khẳng định: “Tôi hoàn toàn đồng tình với ý mà Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN báo cáo với Ban Chấp hành, đó là chúng ta nên nghiên cứu để đổi tên tổ chức CĐ cho phù hợp với các quy định của Đảng, với Hiến pháp 2013 và Luật CĐ 2012. Tổng LĐLĐVN là cơ quan lãnh đạo cấp trung ương, còn CĐVN là đến từng người LĐ, đến đoàn viên, đến CĐ cơ sở. Vì thế, tôi đồng tình với Dự thảo là nên nói về CĐVN, như thế nó cũng phù hợp với các công ước quốc tế, phù hợp với giai đoạn mới khi Việt Nam tham gia hội nhập sâu hơn vào quốc tế, trong đó có vấn đề LĐ, CĐ”.

Về điểm này, nhiều ý kiến thảo luận cũng cho rằng để tên CĐVN hợp lý hơn vì nó phù hợp với Hiến pháp. Hơn nữa, trước đây, tổ chức CĐ cũng đã mang tên này rồi.

Liên quan đến việc thành lập Ban Nữ công quần chúng, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng: Theo Điều lệ đương nhiệm thì cứ có 10 LĐ nữ trở lên thì thành lập Ban Nữ công. Trong khi dự thảo Điều lệ quy định cứ 20 nữ đoàn viên trở lên mới thành lập Ban nữ công quần chúng; còn dưới 20 nữ đoàn viên thì chỉ phân công 1 ủy viên Ban Chấp hành phụ trách công tác nữ công.

“Hiện nay, có thể nói hoạt động của nữ công nhân lao động nói chung và Ban Nữ công quần chúng nói riêng là rất khó khăn bởi có nhiều vấn đề phải quan tâm: Sức khỏe, việc làm, chăm sóc sức khỏe cho con em công nhân lao động… Vì thế, tôi cho rằng nên giữ nguyên quy định như hiện hành”, Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến đề nghị.

Tại phiên thảo luận tại các tổ, các đại biểu cũng đã thảo luận sôi nổi tập trung vào những nội dung chính như: Tiếp tục xác định nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên CĐ và người LĐ là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức CĐ; nâng cao chất lượng tham gia chính sách pháp luật, lấy đó làm điểm tựa bảo vệ quyền lợi đoàn viên và NLĐ.

Đặc biệt, nâng cao chất lượng hoạt động của CĐ cơ sở, trong đó cần tập trung làm tốt công tác đoàn viên, quản lý đoàn viên và phát triển đoàn viên; nâng cao trình độ năng lực, chuyên môn của cán bộ CĐ cơ sở...

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường, trên cơ sở những ý kiến đóng góp tại hội nghị Ban Chấp hành, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XI trình tại Đại hội XII CĐVN và dự thảo báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ CĐVN.

Dự thảo Điều lệ CĐVN cũng sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử đa phương tiện CĐVN (congdoan.vn) để xin ý kiến. Theo yêu cầu của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, các LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Tổng LĐLĐVN triển khai lấy ý kiến cán bộ, đoàn viên vào Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) và tổng hợp báo cáo kết quả về Tổng LĐ.

Nguồn Báo Lao động Thủ đô