banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Các nhà máy phân bón DAP của Vinachem: Người lao động không còn lo thiếu việc làm
Cập nhật lúc 07:24 ngày 13/03/2017

Cuối năm 2016, Ban chỉ đạo của Chính phủ xử lý tồn tại, yếu kém của một số nhà máy, dự án lớn thuộc ngành công thương đã liệt kê 4 doanh nghiệp của Tập đoàn Hoá chất VN làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả. Việc làm ăn thua lỗ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động ở những đơn vị này. Tuy nhiên, ngay trong những tháng đầu năm 2017, việc sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã có những khởi sắc.


Công nhân Nhà máy DAP Lào Cai trong dây chuyền sản xuất

Thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng

Theo các số liệu báo cáo, đạm Ninh Bình trong 4 năm (2012-2015) lỗ gần 2.000 tỉ đồng nên phải dừng hoạt động. Năm 2016, đạm Hà Bắc lỗ gần 700 tỉ đồng, DAP Hải Phòng lỗ trên 400 tỉ đồng, DAP Lào Cai lỗ gần 800 tỉ đồng. Cùng với đó, là đời sống của hàng trăm người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Văn Tiền - Phó TGĐ Cty cổ phần DAP số 2 - Vinachem (DAP Lào Cai) - cho biết: Cuối tháng 12.2014, Cty ra mẻ sản phẩm đầu tiên; qua quá trình chạy thử, đến tháng 6.2015, nhà máy sản xuất mới được nghiệm thu. Tuy nhiên thị trường phân bón trong nước lúc đó gặp khó khăn, giá bán giảm từ 9.000đ/kg xuống còn 7.000đ/kg, dẫn đến sản xuất bị thua lỗ. Năm 2015, Cty lỗ hơn 100 tỉ đồng, năm 2016 là trên 800 tỉ đồng.

Nhìn nhận những nguyên nhân dẫn đến thua lỗ, ông Tiền cho biết: Do nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm, nhập khẩu tăng cao, giá bán sản phẩm DAP 61% liên tục sụt giảm; giá mua nguyên liệu chính tăng, thị trường tiêu thụ khó khăn; độ tan của sản phẩm chưa tương đương với sản phẩm nhập khẩu; dự án mới đưa vào sản xuất có chi phí khấu hao, lãi vay vốn đầu tư làm tăng giá thành sản xuất, thuế VAT đầu vào không được khấu trừ, đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm của Cty. Do sản xuất gặp khó nên trong năm 2016, có 121 lao động nghỉ việc. Hiện Cty còn khoảng 600 lao động làm việc. Mức lương của NLĐ cũng giảm sút, trung bình hiện trên 5 triệu đồng/người.

Còn theo ông Nguyễn Văn Phiên - Phó TGĐ Cty CP DAP-Vinachem (DAP Hải Phòng) cho biết: Năm 2009, Cty bắt đầu đi vào hoạt động và có lãi. Tuy nhiên, năm 2016 lỗ hơn 400 tỉ đồng. Nói về nguyên nhân dẫn đến thua lỗ, ông Phiên thừa nhận, ngoài những yếu tố khách quan như thị trường giảm, giá quá thấp ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ, còn có nguyên nhân chủ quan là do Cty không lường hết diễn biến của thị trường, để xảy ra tình trạng tồn kho, không có biện pháp quyết liệt, công tác dự báo thị trường chưa chuẩn.

Công nhân tăng ca để đảm bảo sản xuất

Trước những khó khăn, thách thức, ông Nguyễn Văn Tiền cho biết: Cty DAP Lào Cai đã tìm nhiều biện pháp để sản xuất, đảm bảo việc làm và đời sống của NLĐ. Theo ông Tiền, ngay khi sản phẩm phân bón 61% khó tiêu thụ trên thị trường, Cty đã nghiên cứu, chuyển hướng và sản xuất thành công phân bón 64%. “Từ tết ra, chúng tôi có nhiều đơn hàng được ký kết, NLĐ đã phải tăng ca sản xuất mới đảm bảo tiến độ. Mục tiêu năm 2017 của chúng tôi là giảm lỗ xuống còn 200 tỉ đồng, rồi tiến tới hết lỗ và có lãi” - ông Tiền nói.

Cũng theo ông Tiền, trong 2 tháng đầu năm 2017, DAP Lào Cai đã sản xuất 16.000 tấn phân bón, trong tháng 3, Cty sẽ sản xuất 23.000 tấn. Mục tiêu cả năm 2017, Cty sẽ sản xuất 180.000 tấn DAP loại 64%, 61% và 90.000 tấn axít. “Để đạt được mục tiêu đề ra, Cty sẽ thực hiện đồng loạt các công việc như rà soát, củng cố lại công nghệ, giảm chi phí sản xuất, bám sát thị trường để có những biện pháp giải quyết kịp thời. Cùng với đó là đề nghị Nhà nước cho Cty được hoàn thế VAT” - ông Tiền nói.

Anh Nguyễn Trí Thức - Trưởng ca sản xuất của Nhà máy DAP Lào Cai - cho biết: Hiện tại ca sản xuất của phân xưởng anh có 41 người. Năm trước, khi Cty chưa tái cơ cấu, NLĐ làm việc cầm chừng. Từ đầu tháng 2.2017 đến nay, mọi người trong tổ sản xuất đều phải tăng ca 12 giờ mỗi ngày, mức lương của công nhân cũng được tăng lên, trung bình 7 triệu đồng/người/tháng. Công nhân Trần Ngọc Duẩn (SN 1990, quê Thái Bình) - hiện làm ở bộ phận đóng bao của Cty DAP Lào Cai - cho biết: Anh đã làm được 2 năm tại Cty. Năm 2016, mức lương trung bình của công nhân khoảng trên 5 triệu đồng/tháng, từ tháng 2.2017, Cty bố trí tăng ca, nên thu nhập cũng được tăng lên. “Chúng tôi mong được được gắn bó lâu dài với nhà máy, để cùng với lãnh đạo nỗ lực sản xuất, kinh doanh và mong Cty vượt qua khó khăn, để NLĐ có thu nhập, đảm bảo đời sống” - anh Duẩn nói.

Tại Cty DAP Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Phiên cho biết: Biện pháp năm 2017 của Cty là quyết liệt thực hiện việc bám sát thị trường giá bán từng tuần, từng tháng để có những điều chỉnh kịp thời, tránh tình trạng sản phẩm tồn kho. Theo ông Phiên, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng lượng phủ rộng thị trường, tiếp cận những cánh đồng mẫu lớn, những Cty giống cây trồng, cung cấp sản phẩm trực tiếp cho người sử dụng đang được Cty hướng tới. “Những tháng đầu năm 2017, sau khi tái cơ cấu lao động, công nhân không phải lo về việc làm” - ông Phiên nói. Hiện tại, Cty có 681 CNLĐ, mức thu nhập bình quân là xấp xỉ 7 triệu đồng/người/tháng.

Theo Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), nhận thức được những thách thức đang phải đối mặt, tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị tích cực tìm các giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn. Diễn biến thị trường phân bón đầu năm 2017 có dấu hiệu khởi sắc, giá bán phân đạm urê, DAP bước đầu hồi phục và tăng nhẹ đã giúp cho các Cty này từng bước đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tình hình sản xuất kinh doanh tại các đơn vị đã có chuyển biến tích cực. Hiện nay cả 4 đơn vị nói trên đều đang duy trì sản xuất cao tải: Cty đạm Hà Bắc đang sản xuất ổn định ở 90% công suất; đạm Ninh Bình đang chạy 85% công suất; DAP Hải Phòng đang chạy máy đạt 100% công suất; DAP Lào Cai đang tăng dần công suất hoạt động từ 60% lên 100% vào cuối tháng 2.

Nguồn Báo LĐ