banner2019
 
Chủ nhật, ngày 19 tháng 01 năm 2025
Chủ nhật, ngày 19 tháng 01 năm 2025
Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng nợ ngân hàng 57 tỉ đồng: Ưu tiên trả các khoản nợ cho người lao động
Cập nhật lúc 11:47 ngày 04/03/2017

Thời gian qua, Báo Lao Động đã đưa tin về việc phải giải quyết ngay quyền lợi của người lao động (NLĐ) tại Cty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng (GSS) sau khi Cty này tiến hành tái cơ cấu, phục hồi sản xuất.


Quyền lợi người lao động bị... xem nhẹ

GSS tiền thân là Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng Thái Nguyên trực thuộc Cty Gang thép Thái Nguyên được cổ phần hóa năm 2007 với tổng số lao động khi đó khoảng trên 1.000 người. Do quá trình sản xuất kinh doanh bị thua lỗ, có nguy cơ phá sản nên quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng….

Tháng 6.2016, Ban lãnh đạo GSS đã phối hợp với các cơ quan ban ngành hữu quan đưa ra nhiều giải pháp phục hồi sản xuất. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh Thái Nguyên, GSS đã có nhà đầu tư vào để khôi phục sản xuất là Cty cổ phần thương mại Thái Hưng và đã có nguồn tài chính khoảng 57 tỉ đồng từ việc bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên, quyền lợi của NLĐ tại đây có nguy cơ không được xem xét, giải quyết vì GSS đang nợ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - chi nhánh Thái Nguyên với khoản nợ gốc và lãi lên tới gần 57 tỉ đồng.

Trước tình huống nêu trên, thực hiện văn bản số 2875/UBND-TCD ngày 15.8.2016 của UBND Thái Nguyên về việc tham mưu trả lời đơn của đại diện tập thể NLĐ tại GSS và Báo Lao Động, ngày 29.8.2016, Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì tổ chức buổi làm việc với tập thể NLĐ tại GSS với sự tham gia của các ngành chức năng, gồm: Đại diện UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh, lãnh đạo Sở LĐTBXH, Sở Công Thương, đại diện Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - chi nhánh Thái Nguyên, cơ quan bảo hiểm và LĐLĐ tỉnh….

Tại buổi làm việc, đại diện Ban lãnh đạo và cán bộ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - chi nhánh Thái Nguyên đã cam kết cắt giảm lãi suất để cho GSS giải quyết quyền lợi của NLĐ. Cụ thể, ngân hàng sẽ thu hồi 38 tỉ đồng (gồm nợ gốc là trên 33 tỉ đồng và 5 tỉ tiền lãi). Số 17 tỉ đồng tiền lãi còn lại, trước mắt sẽ để lại khoản tiền lãi hơn 9 tỉ đồng (thuộc thẩm quyền) để giải quyết ngay cho quyền lợi NLĐ; khoản tiền lãi hơn 8 tỉ đồng còn lại đang chờ cấp trên phê duyệt và sẽ trao lại cho GSS khi có ý kiến của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.

Công đoàn Công Thương lên tiếng

Ngày 20.2.2017, thay mặt lãnh đạo và tập thể NLĐ GSS, ông Bùi Long Xuyên - Tổng Giám đốc Cty GSS - lại tiếp tục gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết quyền lợi NLĐ của GSS như Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - chi nhánh Thái Nguyên đã thỏa thuận.

Trước những vấn đề bức xúc của NLĐ, ngày 23.2.2017, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã có Công văn số 55/CĐCT-CSPL để hỗ trợ, tạo điều kiện cho GSS. Nội dung công văn nêu rõ: Công đoàn Cty GSS là công đoàn cơ sở thành viên trực thuộc Công đoàn Cty CP Gang thép Thái Nguyên - Công đoàn Tổng Cty Thép VN - Công đoàn Công Thương VN. Trong những năm qua, vì nhiều lý do, hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty hầu như ngừng trệ, NLĐ không có việc làm, các chế độ đối với NLĐ không được đảm bảo, cuộc sống của NLĐ vô cùng khó khăn. Theo đó, Công đoàn Công Thương Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương, Tổng LĐLĐVN, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam và UBND tỉnh Thái Nguyên quan tâm, xem xét chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho GSS được thanh toán phần nợ gốc với số tiền là 33.200.796.364 đồng trong số tiền nợ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - chi nhánh Thái Nguyên. Được khoanh nợ và thanh toán sau khoản nợ Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên (bao gồm cả gốc và lãi) là 7.354.810.065 đồng. Số tiền bán đấu giá tài sản còn lại được ưu tiên để GSS chi trả các khoản nợ cho NLĐ. Việc chi trả các khoản nợ cho NLĐ được thực hiện đúng đối tượng, công bằng giữa các nhóm NLĐ (hiện đang còn công tác tại đơn vị, đã về nghỉ hưu, chấm dứt hợp đồng lao động...) theo nội dung kết luận tại biên bản của hội nghị liên ngành tỉnh Thái Nguyên ngày 29.8.2016.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Tổng Giám đốc GSS Long Xuyên cho biết, Công văn số 55/CĐCT-CSPL của Công đoàn Công Thương Việt Nam rất hợp lý và chia sẻ với hoàn cảnh của NLĐ Cty hiện nay, nhất là trong thời điểm hiện tại, GSS đã tái sản xuất trở lại với dây chuyền cán thép công suất 10 vạn tấn thép xây dựng/năm cùng hơn 200 lao động đã có việc làm, hứa hẹn sẽ thanh toán toàn bộ số nợ còn lại trong một tương lai không xa. “Việc cần nhất bây giờ là giải quyết quyền lợi cho NLĐ trong công ty, tạo cho họ niềm tin, vững tâm công tác, tạo ra của cải để thanh toán những khoản nợ còn tồn đọng của công ty” - Tổng Giám đốc GSS nói.

Nguồn Báo LĐ