banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Cán bộ công đoàn phải chắc mới bảo vệ được người lao động
Cập nhật lúc 08:58 ngày 10/02/2017

Cán bộ Công đoàn phải biết rõ địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của tổ chức mình. Đó chính là vũ khí lợi hại để đấu tranh với giới chủ, bảo vệ quyền lợi người lao động

“Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động” là cụm từ thường thấy trong văn kiện đại hội Công đoàn (CĐ) các cấp thời gian qua. Khi điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi thì hoạt động CĐ phải đổi mới cho phù hợp là điều tất yếu.


Bắt đầu từ cán bộ CĐ

Trước tiên, cần đề cập đến 2 khái niệm: Nội dung và phương thức. Nói nôm na là trong tình hình hội nhập sâu rộng hiện nay, CĐ phải làm gì và làm bằng cách nào để đạt mục đích cuối cùng là CĐ ngày càng hấp dẫn hơn, thật sự là chỗ dựa tin cậy của người lao động (NLĐ).

Về nội dung thì từ Đại hội VIII CĐ Việt Nam (nhiệm kỳ 1998-2003) đã xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của CĐ là đại diện, bảo vệ NLĐ. Đây chính là thuộc tính bẩm sinh của CĐ. Trước đây, trong thời kỳ bao cấp với đặc điểm là sự thuần nhất của nền kinh tế với 2 thành phần cơ bản là kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể thì CĐ, Đảng, chính quyền gần như chỉ là một. Thủ trưởng, các đoàn thể và NLĐ “chia nhau công việc mà làm” như anh em trong một nhà, tất cả đều nhằm phục vụ Nhà nước. Vì thế, không có đối kháng, không có mâu thuẫn quyền lợi.

Khi đất nước mở cửa, đổi mới với sự xuất hiện của kinh tế nhiều thành phần thì tính chất của quan hệ lao động đã thay đổi: Đã có sự phân biệt vai vế giữa chủ và người làm thuê; trong đó chủ lúc nào cũng muốn “bóc lột” NLĐ bằng cách trả lương thấp, kéo dài thời gian làm việc, không đóng BHXH, BHYT… Đến lúc này thì thuộc tính bẩm sinh của CĐ mới thật sự được bộc lộ.

Và NLĐ đòi hỏi ở CĐ nhiều hơn là chuyện phân chia tem phiếu, thăm hỏi ốm đau, tổ chức vui chơi, ca hát… Bây giờ, họ muốn CĐ phải đứng ra đại diện nói lên tiếng nói của NLĐ để yêu cầu tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc, đóng BHXH đầy đủ; bảo vệ nhân phẩm, danh dự… CĐ với tư cách là tổ chức đại diện của NLĐ nhất thiết phải làm được và làm tốt những điều này.

Nhưng làm bằng cách nào? Thời gian qua, chúng ta vẫn nghe nói có nhiều cán bộ CĐ “theo đuôi chủ”, không bảo vệ được quyền lợi NLĐ. Nói như vậy có phần “oan” cho cán bộ CĐ. Ông bà ta nói “Ăn cây nào, rào cây nấy”. Họ ăn lương chủ, bảo họ “rào cây công nhân - CĐ” là không tưởng! Tuy nhiên, thực tế cũng có không ít cán bộ CĐ mạnh mẽ đấu tranh bảo vệ NLĐ mà chủ vẫn phải vui vẻ trả lương và nể phục.

Có được điều này chính là nhờ họ biết cách làm cho người ta tin, nói người ta nghe… Đó là những người thông minh, tâm huyết, am tường và bản lĩnh. Do vậy, có thể nói, muốn đổi mới phương thức, trước tiên phải từ đổi mới cán bộ.

Đổi mới như thế nào?

Như đã nói, thời bao cấp, CĐ là cánh tay mặt của chính quyền, là một trong các thành phần của “bộ tứ”. Nhưng với nền kinh tế nhiều thành phần như hiện nay thì nhiều nơi chỉ có chủ doanh nghiệp và CĐ. Đừng bao giờ ảo tưởng về một sự bình đẳng giữa ông chủ với người làm thuê. Trong thực tế, nơi nào chủ tốt thì CĐ hoạt động thuận lợi, công nhân được nhờ; nơi nào chủ không tốt thì CĐ bị gây khó khăn, quyền lợi công nhân bị xâm phạm.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là phó mặc cho hên xui may rủi. Hoạt động CĐ phải bám chặt “bửu bối” là Luật CĐ đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2013. Trước tiên, mỗi cán bộ CĐ phải biết rõ địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của tổ chức mình. Đó chính là vũ khí lợi hại để đấu tranh với giới chủ, bảo vệ quyền lợi NLĐ. Để đổi mới nội dung hoạt động CĐ một cách hữu hiệu, phải bám sát chức năng của CĐ; trong đó, quan trọng nhất là chức năng đại diện, tiếp theo là chức năng giáo dục. 

CĐ phải tham gia với người sử dụng lao động ban hành nội quy, quy chế đúng luật; giúp NLĐ ký kết hợp đồng bảo đảm quyền lợi về lương, BHXH, điều kiện làm việc, phúc lợi tập thể; chủ động soạn thảo và đề xuất thương lượng, ký kết thỏa ước lao động sao cho vừa giúp NLĐ an tâm làm việc vừa giúp doanh nghiệp giữ được nguồn vốn quý là đội ngũ lao động. Làm thế nào khi NLĐ thắc mắc về quyền lợi thì họ sẽ mạnh dạn tìm đến hỏi CĐ, nhờ CĐ can thiệp chứ không phải gửi đơn lên cơ quan chức năng hoặc báo chí…

Giáo dục cũng rất quan trọng trong tình hình hiện nay. CĐ phải dành một chi phí thỏa đáng cho công tác giáo dục; trong đó giáo dục pháp luật là quan trọng nhất vì nếu không biết luật thì sẽ không thể bảo vệ được chính mình; không biết luật có thể xâm phạm quyền lợi người khác. Bộ Luật Lao động, Luật CĐ, Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Giao thông Đường bộ… Những đạo luật căn bản, thiết thân nhất thì bắt buộc phải biết.

Nguồn Báo Lao động