banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cơ hội và thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng bền vững của Việt Nam
Cập nhật lúc 09:21 ngày 03/02/2017

Khái niệm cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (FIR) lần đầu tiên được đề cập đến trong bản “Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao” được Chính phủ Đức thông qua vào năm 2012.

Đến nay, cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường ở tất cả các cấp - toàn cầu, khu vực và từng quốc gia. Đối với Việt Nam, cần có những chính sách điều chỉnh về kinh tế - xã hội để hóa giải thách thức và tận dụng cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.


1- Trong lịch sử phát triển công nghệ và công nghiệp, nhân loại chứng kiến ba cuộc cách mạng công nghiệp từ cuối thế kỷ XVIII với phát minh động cơ hơi nước, cuối thế kỷ XIX với năng lượng điện, cuối thế kỷ XX với vai trò của điện tử, công nghệ thông tin và sản xuất tự động. Giờ đây thế giới đang nói đến sự khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trí tuệ ảo, kỷ nguyên số và sự phát triển bùng nổ của các công nghệ liên ngành, đa ngành, xuyên ngành làm lu mờ ranh giới của các lĩnh vực nghiên cứu đơn ngành truyền thống, như vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Tốc độ phát triển theo cấp số lũy thừa và quy mô tác động của các công nghệ mới thời hiện đại đã và sẽ làm thay đổi mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, mọi hệ thống sản xuất, quản lý và điều hành.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cơ hội và thách thức rất lớn. Khoa học và công nghệ sẽ biến những điều tưởng chừng không thể trở thành có thể. Năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ tăng; chi phí thương mại giảm sẽ làm tăng doanh thu toàn cầu, thúc đẩy tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, nâng cao tính tiện ích cho cuộc sống cá nhân. 

Trên khía cạnh kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động mạnh mẽ đến sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri thức - “thông minh”. Các thành tựu mới của khoa học - công nghệ được ứng dụng để tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và quản lý, quản trị... Từ góc độ cơ cấu ngành kinh tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm “mờ dần” tính chất giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Từ góc độ tiêu dùng, người dân được hưởng lợi nhờ tiếp cận được với nhiều sản phẩm và dịch vụ mới có chất lượng với chi phí thấp hơn. 

Từ góc độ sản xuất, trong dài hạn, cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động tích cực. Với việc tăng cường tự động hóa và ứng dụng số hóa trong quá trình sản xuất, tài nguyên thiên nhiên, lao động phổ thông ngày càng mất dần lợi thế; sản xuất chuyển dịch dần sang những nước phát triển, nhiều lao động có kỹ năng và chuyên môn cao. Kinh tế thế giới bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào động lực công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay cho tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào truyền thống. 

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đang vẽ lại bản đồ thế giới, với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đối với doanh nghiệp, cách mạng công nghệ cao dẫn đến cải thiện chất lượng, tốc độ hay giá cả, tăng cường sự minh bạch, sự tham gia của người tiêu dùng xây dựng dựa trên các mạng di động và mạng dữ liệu, khiến các công ty phải định hướng lại quá trình thiết kế, thị trường và quá trình cung cấp các sản phẩm, dịch vụ. Dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khách hàng ngày càng trở thành trung tâm của nền kinh tế.

Tác động đến xã hội, trong những thập niên gần đây, bất bình đẳng về thu nhập đã có xu hướng tăng nhanh, và cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm khuyếch đại thêm xu hướng này do lợi nhuận từ kỹ năng cao và quá trình số hóa, tự động hóa tăng mạnh. Trong khi đó, lợi nhuận của kỹ năng giản đơn bị thay thế và giảm mạnh. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng trên toàn cầu.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy một thực tế đầy thách thức đối với các quốc gia đang phát triển mà Việt Nam không phải là ngoại lệ, khi nhóm người có thu nhập thấp chiếm đa số và còn chưa được tiếp cận, thụ hưởng các lợi ích trực tiếp từ quá trình tăng trưởng này, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại có thể khiến cho sự bất bình đẳng và phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng khi máy móc và trí tuệ nhân tạo thay thế cho sức người và tạo áp lực lớn lên thị trường lao động. Nhu cầu nhân công giá rẻ kỹ năng thấp sẽ nhường chỗ cho nhu cầu đối với nhân lực trình độ cao và nếu không có giải pháp tổng thể nâng cao kỹ năng của người lao động, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng dư thừa lao động và thất nghiệp. Bên cạnh vấn đề bảo tồn hệ sinh thái và môi trường, sự bất bình đẳng sẽ là vấn đề xã hội lớn nhất mà các quốc gia phải đối mặt trong quá trình khai thác các lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp để tăng trưởng kinh tế.

Làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp, buộc các doanh nghiệp phải rà soát lại mô hình kinh doanh; cải thiện phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ; không ngừng đổi mới sáng tạo để thích ứng với các thay đổi liên tục của thị trường. Thách thức đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, là thiếu tầm nhìn dài hạn, nguồn lực tài chính, thông tin và nguồn nhân lực kỹ năng cao để có thể tiến hành đổi mới công nghệ. 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng sẽ tạo sức ép lên chính các cơ quan quyền lực công. Kỷ nguyên số với các công nghệ mới, nền tảng điều hành mới liên tục thay đổi cho phép người dân được tham gia rộng rãi hơn vào các hoạt động hoạch định chính sách, đồng thời, các cơ quan công quyền có thể dựa trên hạ tầng công nghệ số để tối ưu hóa hệ thống giám sát và điều hành xã hội theo kiểu chính phủ điện tử, đô thị thông minh... Bộ máy hành chính nhà nước vì vậy buộc phải cải tổ theo hướng minh bạch và hiệu quả. Các nhà hoạch định chính sách và pháp luật cũng phải đổi mới tư duy, trau dồi năng lực, hợp tác chặt chẽ với khu vực doanh nghiệp và các lực lượng xã hội để có thể thích nghi và ứng biến linh hoạt với các thay đổi, thấu hiểu được bối cảnh mới thì mới có thể điều tiết được các thay đổi trong hoạt động kinh tế, xã hội cho phù hợp. Bên cạnh đó, các thách thức trước tác động của làn sóng công nghệ mới, công nghệ cao đối với vấn đề an ninh quốc gia và khu vực rất cần giải pháp mạnh mẽ để nỗ lực ứng phó, đặc biệt đối với các tội phạm công nghệ cao, vũ khí sinh học, vũ khí tự động... có tầm ảnh hưởng xuyên quốc gia.

2- Để chủ động ứng phó với các tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, Việt Nam đã và sẽ kiên trì thực hiện quan điểm cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài, giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Trong bối cảnh quy mô của nền kinh tế và các nguồn lực còn hạn chế, Chính phủ vẫn dành ưu tiên cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ như một trong ba đột phá chiến lược. Đối với nhóm người có thu nhập thấp trong xã hội, Chính phủ quan tâm thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp tạo việc làm, thu nhập thông qua đào tạo nghề và hỗ trợ tín dụng; chú trọng dạy nghề cho thanh niên nông thôn, nông dân, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và lao động nữ. Bên cạnh các chương trình quốc gia về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để nâng cao tiềm lực, trình độ khoa học - công nghệ trong nước phục vụ phát triển, Chính phủ cũng dành nguồn lực đầu tư cho các chương trình hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách tăng trưởng xanh cũng được chú trọng hơn thông qua các biện pháp siết chặt giám sát, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất công nghiệp.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với tốc độ nhanh theo cấp số nhân và tác động mạnh đến Việt Nam, cả tác động thuận lợi cũng như bất lợi. Nếu tận dụng tốt cơ hội và vượt qua các thách thức, Việt Nam sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến và thực hiện được mục tiêu sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; ngược lại, khoảng cách phát triển với các nước đi trước sẽ tiếp tục gia tăng. Để hóa giải thách thức, tận dụng tốt cơ hội, Việt Nam cần thực hiện một chương trình nghị sự kép: tiếp tục giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội và môi trường còn tồn đọng từ giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây; nhanh chóng tận dụng những cơ hội và vượt lên những thách thức mới xuất hiện liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tăng tốc trên phạm vi toàn cầu. Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần phải bao gồm những nội dung liên quan đến cả hai nhóm này, trong đó cần xác định những cơ hội và thách thức liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư như một nội dung bắt buộc của việc phân tích bối cảnh để điều chỉnh những thông số của các kế hoạch phát triển trung hạn và dài hạn, đặc biệt là chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, trước hết là in-tơ-nét, thông tin, truyền thông… Tăng cường nâng cao nhận thức của các cơ quan hoạch định chính sách cũng như khu vực doanh nghiệp (nhất là đối với các doanh nghiệp trong ngành năng lượng, khai thác tài nguyên, công nghiệp chế tạo do các ngành có khả năng chịu nhiều tác động) và khu vực ngân hàng về cách mạng công nghiệp lần thứ tư để giúp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và đầu tư, qua đó giúp ngăn ngừa các khoản nợ xấu phát sinh trong tương lai.

Về lâu dài, Việt Nam cần nhanh chóng chuyển từ lợi thế so sánh cấp thấp sang lợi thế so sánh cấp cao hơn và cần đa dạng hóa lợi thế so sánh. Muốn vậy phải kết hợp đồng thời nhiều yếu tố, như vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên sẵn có và nguồn nhân lực phong phú, trong đó nguồn nhân lực là yếu tố then chốt. Với hơn 70% dân số Việt Nam sống ở các khu vực nông thôn, trong tương lai gần, các lĩnh vực này vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, cần tiếp tục đầu tư phát triển ở mức chuyên sâu hơn nhằm ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất, chất lượng và tạo giá trị gia tăng cao hơn.

Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thiết lập các cụm liên kết ngành; dành ưu tiên đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng gắn với việc cải thiện tính kết nối (mở rộng độ bao phủ, tăng tốc độ truy cập và hạ giá sử dụng in-tơ-nét); phát triển thị trường vốn dài hạn và thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư mạo hiểm gắn với phát triển công nghệ và sáng tạo. Thực hiện chính sách công nghiệp phù hợp để tăng cường mối liên kết chặt chẽ hơn giữa khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là có các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và một số doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ, nhất là công nghệ, công nghiệp hỗ trợ gắn với các chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước, khu vực doanh nghiệp và các trường đại học công nghệ để thúc đẩy sự phát triển một số ngành chọn lọc, đặc biệt là công nghệ thông tin. Thực hiện cải cách mạnh hệ thống giáo dục, đào tạo theo hướng hỗ trợ mạnh mẽ cho các ngành khoa học và công nghệ bằng các thể chế và chính sách hiệu quả. Tăng cường quảng bá để nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ, hướng sinh viên vào học các ngành khoa học và công nghệ; nuôi dưỡng các kỹ năng khoa học và công nghệ. Khuyến khích tinh thần học tập suốt đời, học tập liên tục trên cơ sở tận dụng những công nghệ học tập mới dựa trên in-tơ-nét. Có cơ chế để khuyến khích sự gắn kết giữa các doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục đào tạo.

Bên cạnh các giải pháp kinh tế và xã hội nêu trên, dưới góc độ chính sách khoa học và công nghệ, để có thể nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại phục vụ tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần chủ động chuẩn bị các giải pháp ứng phó như sau:

Thứ nhất, xác định các hướng công nghệ, các ngành công nghệ công nghiệp mà Việt Nam cần ưu tiên phát triển trong trung hạn và dài hạn để đón đầu các xu hướng công nghệ mới trên thế giới (dựa trên trí tuệ ảo, kỷ nguyên số, Internet of Things); đổi mới việc xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia phù hợp với xu hướng phát triển các nghiên cứu liên ngành và xuyên ngành sinh học, vật lý học và kỹ thuật số.

Thứ hai, chuyển dịch trọng tâm chính sách khoa học và công nghệ, từ chỗ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu - triển khai (R&D) là chủ yếu sang chú trọng đầu tư cho thương mại hóa kết quả R&D; lấy doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; dành kinh phí thỏa đáng cho nhập khẩu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới. Đồng thời, tập trung đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng để nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ trong nước, trình độ thiết kế, chế tạo, ứng dụng công nghệ trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên. 

Trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp không nên dàn trải đối với hoạt động khởi nghiệp chung để chỉ tăng số lượng các doanh nghiệp khởi sự kinh doanh, mà quan trọng là cần tập trung cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao. Vì đây mới là giải pháp để có được một lực lượng doanh nghiệp mạnh, vươn tới và cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

Thứ ba, tiếp tục dành ưu tiên cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chú trọng nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, quản trị công nghệ và quản lý, quản trị doanh nghiệp; có chính sách khuyến khích chuyển dịch lao động trình độ cao từ các viện nghiên cứu, trường đại học sang khu vực doanh nghiệp; tăng cường chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề, bảo đảm cung cấp đầu vào về lao động chất lượng cao cho các doanh nghiệp.

Thứ tư, đổi mới tư duy và phương thức quản lý nhà nước dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật cao để giảm thiểu thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, bảo đảm minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước. Cần đầu tư tới ngưỡng và kiên quyết triển khai Đề án Chính phủ điện tử để giảm chi phí xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ năm, trong bối cảnh chung của thế giới hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau, chúng ta cần các nỗ lực liên kết tổng thể với sự vào cuộc của tất cả các quốc gia liên quan ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Trong ứng phó với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam cần khai thác triệt để kênh hợp tác và hội nhập quốc tế, thống nhất quan điểm và kế hoạch hành động chung với các quốc gia và tổ chức quốc tế trong khu vực và thế giới, cùng nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức để phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia và tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận bình đẳng và hưởng lợi từ các thành quả của cách mạng công nghiệp và tăng trưởng bền vững.

Nguồn TCCS