banner2019
 
Thứ năm, ngày 23 tháng 01 năm 2025
Thứ năm, ngày 23 tháng 01 năm 2025
Công đoàn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề
Cập nhật lúc 08:48 ngày 29/10/2013

Các trường đào tạo, dạy nghề trong ngành Công Thương đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, duy trì tốt nền nếp dạy và học, cải tiến phương pháp giảng dạy, áp dụng công nghệ thông tin và thực tiễn vào bài giảng… Do đó, chất lượng dạy và học nghề ngày càng được nâng cao. Đóng góp chung vào thành tựu đã đạt được có vai trò không nhỏ của tổ chức công đoàn.

Đ/c Đoàn Thanh Ngọc - Chủ tịch Công đoàn trường Đại học Công nghiệp Việt Trì:

Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì là cơ sở đào tạo đại học công lập được nâng cấp từ trường Cao đẳng Hóa chất. Với tổng số CBCNV là 300 người, đào tạo ở bậc đại học gồm 9 ngành với 42 chuyên ngành; 12 ngành với 32 chuyên ngành ở bậc Cao đẳng; 8 chuyên ngành ở trình độ trung cấp chuyên nghiệp và một số hệ đào tạo nghề từ sơ cấp đến Cao đẳng nghề. Với quy mô trên 7500 HSSV, trong đó riêng tuyển sinh mới trong năm 2012 là 2500 HSSV. Hệ thống giảng đường, nhà xưởng, phòng thí nghiệm với những thiết bị theo hướng hiện đại và một trong 26 trung tâm trung tâm thư viện điện tử lớn của cả nước với tổng số gần 130.000 đầu tài liệu thuộc nhiều lĩnh vực khoa học, xã hội. Hiện nay, cán bộ CNVC đã đạt chuẩn ngạch bậc viên chức theo quy định của nhà nước với một đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ sau đại học chiếm 66% gồm 35 tiến sỹ; 118 thạc sỹ; 03 giáo sư; 03 phó giáo sư có thể hoàn thành tốt công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học đảm bảo chất lượng đào tạo chuẩn đầu ra đã công bố. Đang tiếp tục theo học có 36 đồng chí đang học cao học 23 đ/c đang làm nghiên cứu sinh tại các viện khoa học và các trường Đại học trong và ngoài nước. Công đoàn, tham gia cùng với chuyên môn hỗ trợ cho các đồng chí nghiên cứu khoa học: Trong thời gian đi học Nhà trường vẫn cho hưởng nguyên lương, thưởng hàng tháng. Ngoài ra, Nhà trường còn trang bị máy laptop và hỗ trợ toàn bộ học phí; hỗ trợ tiền nhà ở đi lại; hỗ trợ tiền bảo vệ luận án và thưởng cho các đồng chí bảo vệ thành công luận án tiến sỹ từ 35 đến 45 triệu đồng theo ngành đào tạo và cho hưởng chế độ ưu đãi riêng về học vị, học hàm. Có thể nói, việc nghiên cứu khoa học của CBCNV trường Đại học Công nghiệp Việt Trì thời gian qua đã có một bước đổi mới về nội dung và phương thức, nâng cao cả về số lượng và chất lượng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị và giữ vững thương hiệu của Nhà trường.

Đ/c Bùi Bá Quang - Chủ tịch Công đoàn Trường cao đẳng nghề thương mại và công nghiệp

Trường Cao đẳng nghề Thương mại và Công nghiệp được sát nhập bởi 2 trường đó là Trường Công nhân kỹ thuật và Trường Công nhân Xăng dầu trực thuộc Bộ Vật Tư trước đây. Năm 2008 trường được nâng cấp lên đào tạo hệ cao đẳng. Hiện nay, nhiệm vụ của Nhà trường là đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề cho ngành Công Thương và xã hội. Với tổng số CBCNV là 97 người. Tổng số học sinh, sinh viên là 2033 trong đó: Cao đẳng: 546 SV, Trung cấp: 252 HS, Sơ cấp: 1235 học viên. Năm 2008 Trường đã được Nhà nước đưa vào diện trường đào tạo nghề trọng điểm của Quốc gia. Trong điều kiện tuyển sinh của những năm gần đây là rất khó khăn. Số HS-SV vào các trường nghề ít nên công tác tuyển sinh là khá phức tạp. Công đoàn cùng với Nhà trường bằng nhiều biện pháp. Động viên toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên tham gia làm tốt công tác tuyển sinh. Trực tiếp đưa giáo viên xuống các cơ sở, các địa phương, bằng các phương tiện thông tin đại chúng và làm việc với Sở Giáo dục Đào tạo, Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Hải Dương mở các lớp văn hóa học nghề. Trong 3 năm học, học sinh được cấp bằng phổ thông trung học và bằng trung cấp nghề. Kết hợp với các công ty xăng dầu, Sở Công Thương các tỉnh mở các lớp đào tạo ngắn hạn, đào tạo nâng bậc. Mở rộng các ngành nghề đào tạo. Chính vì vậy mà việc tuyển sinh của Nhà trường đã đạt hiệu quả tốt. Được Nhà nước xếp vào trường đào tạo nghề trọng điểm quốc gia.

Đ/c Đặng Văn Cừ - Chủ tịch Công đoàn Trường CĐ Công nghệ và kinh tế công nghiệp:

Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở góp phần quan trọng sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư tưởng cho CNVC, LĐTrường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp được thành lập ngày 30/10/1968, qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường có 2 cơ sở đào tạo: Cơ sở I: Tổng diện tích 7 ha, Phổ Yên, Thái Nguyên; Cơ sở II: diện tích 5,5 ha, thị xã Sông Công, Thái Nguyên với các phòng học được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại. Khu ký túc xá của trường đủ cho 5.000 sinh viên ăn ở và sinh hoạt. Với tổng số HSSV đang theo học tại trường là trường 6.000, với 9 chuyên ngành đào tạo từ trung cấp, cao đẳng chính quy và cao đẳng nghề. Trong đó số lượng HSSV theo học các chuyên ngành kinh tế chiếm 46%, theo học chuyên ngành kỹ thuật là 54%. Việc tham gia xây dựng quy chế dân chủ ở nhà trường góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư tưởng cho CNVC, LĐ, làm cho mỗi người xác định rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ đối với tập thể nhà trường. Vì dân chủ vừa là mục tiêu, điều kiện, vừa là động lực cho sự phát triển của Nhà trường. Nhận thức vấn đề đó, Công đoàn trường đã cùng với Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng các quy chế dân chủ trong mọi hoạt động, thực hiện công khai hoá các chủ trương, phương hướng nhiệm vụ, kế hoạch chi tiêu, tuyển dụng đến mọi cán bộ giáo viên, công nhân viên trong nhà trường. Ban chấp hành Công đoàn trường thường xuyên tổ chức các cuộc họp thường kỳ với các công đoàn cơ sở, lắng nghe và giải đáp mọi thắc mắc, ý kiến góp ý của CBGV trong nhà trường, đồng thời hàng tháng có họp với Đảng uỷ, ban giám hiệu nhà trường để kịp thời giải quyết những kiến nghị của CBNCV trong nhà trường. Hàng năm Ban Giám hiệu phối hợp với Công đoàn trường tổ chức đại hội CNVC nhằm đánh giá kết quả hoạt động của nhà trường qua một năm và là diễn đàn dân chủ cho cán bộ công nhân viên chức đóng góp ý kiến về các hoạt động của trường; Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, mọi người góp ý, thống nhất và đặc biệt là giám sát đảm bảo quyền lợi cho bản thân và tập thể. Hàng tháng Công đoàn chủ trì họp xét thi đua và tiền lương tăng thêm đảm bảo công bằng, tạo niềm tin và phấn khởi cho CBCNV. Trong năm qua, việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp từng bước đi vào nề nếp và thu được kết quả đáng phấn khởi, tạo nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, tư tưởng cho CNVC, LĐ, giúp CNVC, LĐ xác định rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, quyền tự do dân chủ nhưng phải đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, đoàn kết nội bộ, tập trung cao độ trí tuệ, sức lực xây dựng nhà trường ngày một phát triển.

Đ/c Phạm Văn Bình - Chủ tịch Công đoàn Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch: Tổ chức tốt Phong trào thi đua là động lực phát triển và xây dựng công đoàn vững mạnh

Trường Cao đẳng Thương mại - Du lịch trực thuộc Bộ Công thương, tiền thân là Trường Trung cấp Thương nghiệp miền núi, (là Trường khu vực miền núi, trung du phía bắc của Bộ Nội Thương trước đây) được thành lập năm 1962 trên địa bàn phường Tân thịnh -TPTN - tỉnh TN. Qua 50 năm xây dựng và phát triển, từ ngày đầu với hơn một chục cán bộ, giáo viên, đến nay, Nhà trường đã có đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên 146 người, trong đó đội ngũ giảng viên 109 người, trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tỷ lệ 64,6%; qui mô đào tạo gần 4.000 HSSV. Trải qua hơn 50 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, cùng với các tổ chức đoàn thể quần chúng, tổ chức Công đoàn luôn nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, sát cánh cùng Chuyên môn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ nhà trường được giao, góp phần tích cực vào nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công thương, ngành du lịch và các thành phần kinh tế trong xã hội. Công đoàn phối hợp chuyên môn tổ chức thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Cuộc vận động “ Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”; Cuộc vận động mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”,vv...; tổ chức thành công cuộc thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chủ động cùng chuyên môn tổ chức các hoạt động thi đua với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như phong trào thi đua “Dạy tốt Học tốt”, phong trào “Lao động sáng tạo; phong trào “ Học tập nâng cao trình độ chuyên môn”, phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp”, vv... Công đoàn đã phối hợp phổ biến và vận động toàn thể đoàn viên thi đua tích cực tham gia xây dựng Cơ quan văn hoá, gia đình văn hoá, công tác xã hội từ thiện, phòng chống tệ nạn xã hội,vv...; tạo nên môi trường sư phạm tốt trong nhà trường; Hàng năm, nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, ngày thành lập Trường, ngày Nhà giáo Việt Nam ,... Công đoàn đã chủ đông phối hợp với chuyên môn và Đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đa dạng, phong phú như: Hội diễn văn nghệ, tổ chức các giải thể thao, tìm hiểu truyền thống,... Nhiều năm tham gia và đăng cai tổ chức các giải thể thao, văn nghệ do khối trường CĐ - TCCN và các cấp, các ngành trong tỉnh Thái Nguyên tổ chức đạt kết quả cao. Thông qua các phong trào này, tạo môi trường lành mạnh, tập hợp được đông đảo quần chúng, nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ đoàn viên và học sinh, sinh viên Nhà trường. Do có nhiều thành tích trong 50 năm xây dựng và phát triển, nhà trường được tặng nhiều phần thưởng cao quí của nhà nước như: được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì, hạng ba, Huân chương Độc lập hạng ba và nhiều cờ thi đua , bằng khen của các cấp các ngành. Công đoàn Trường nhiều năm liên tục được công nhận là Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc; nhiều tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Công thương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh Thái Nguyên, Công đoàn Công Thương và LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên. Năm 2012 Công đoàn Trường được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Đ/c Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Công đoàn Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng: Làm tốt công tác nghiên cứu khoa học và chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân viên

Với tổng số CBCNV 275, trong đó nữ: 47 người, trải qua 106 xây dựng và trưởng thành, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng đã có nhiều giải pháp nghiên cứu, nâng cao chất lượng đào tạo với nội dung “Đổi mới công tác quản lí – Nâng cao chất lượng – Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội”. Đẩy mạnh thông tin liên kết đào tạo kỹ thuật viên, đào tạo, nâng bậc thợ, nâng cao tay nghề trên website nhà trường thu hút nhiều Công ty, xí nghiệp liên kết đào tạo nhân lực theo nhu cầu. Phối hợp cùng Liên đoàn lao động Thành phố, Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Sở lao động Thương binh xã hội tổ chức được 1 đợt thi nâng bậc, 1 cuộc thi giỏi nghề cho công nhân, sinh viên trường nghề các ngành: điện, điện tử, ôtô, tiện, quản trị mạng; Công tác “nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ” đã mang lại hiệu quả cao: 14 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, 35 mô hình học cụ được đưa vào ứng dụng trong công tác giảng dạy, 3 đề tài khoa học cấp nhà nước và 2 đề tài cấp thành phố, làm lợi cho nhà trường hơn 2 tỷ đồng; hội thảo chuyên đề: “Phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý” thu hút hơn 35 giáo viên, cán bộ công nhân viên nhà trường. Hội thảo “hệ thống sản xuất tinh gọn” dành cho giảng viên ngành cơ khí đã thu hút 73 giảng viên tham dự; hội thảo và hội thi “Làm đẹp website, nâng cao thương hiệu” thiết kế web nội bộ của đơn vị. Hiện nay, nhà trường có 7 thạc sĩ, 6 nghiên cứu sinh, trong đó có 4 người nghiên cứu nước ngoài.Nhà trường phối hợp cùng Tập đoàn Intel hàng năm cử 8 cán bộ giảng viên học tập tại Hoa kỳ, nhằm tiếp thu công nghệ mới phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc chăm lo chế độ chính sách cho cán bộ công nhân viên được công đoàn luôn quan tâm, năm 2012 đã nâng lương cho 14 người; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 275 người; hỗ trợ nguồn vốn cho 28 người với tổng số tiền là 56 triệu đồng, giúp đỡ kịp thời các cá nhân có công việc đột xuất. Tổ chức tham quan hè, chăm lo Tết nguyên Đán, chăm lo nhà ở cho CBGVNV: Tổ chức cho 34 cán bộ giảng viên, công nhân viên hoàn thành tốt công tác tham quan, du lịch tại Campuchia 5 ngày 4 đêm và nhiều những hoạt động khác.