banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Bàn về hài hòa trong quan hệ lao động
Cập nhật lúc 08:32 ngày 04/01/2017

Việc làm, tiền lương, lợi ích kinh tế là yếu tố căn bản nhất, thường hay xuất hiện mâu thuẫn có thể dẫn đến sự đổ vỡ của quan hệ lao động (QHLĐ) và đình công. Đây là những vấn đề trọng yếu của QHLĐ mà các quốc gia công nghiệp đã trải qua hàng trăm năm, nhưng VN vẫn đang đi những đoạn đầu tiên.

Quan hệ lao động (QHLĐ) trong DN được hiểu là quan hệ giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) về việc làm được hưởng lương, các điều kiện lao động, những tranh chấp về lao động và một số quan hệ khác có liên quan trực tiếp đến việc thuê và sử dụng lao động.


Trong đó hợp đồng lao động là hình thức pháp lý chủ yếu và phổ biến nhất của QHLĐ. Bộ luật Lao động của VN năm 2012 đã chỉ rõ: “QHLĐ tại đơn vị, DN là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa NLĐ và NSDLĐ”.

Có 02 nhóm chủ thể chính của QHLĐ là người lao động và NSDLĐ (hoặc đại diện của họ) nhưng một “nhân vật” nữa không kém phần quan trọng, được xem như 1 trọng tài, người ban hành và duy trì khuôn khổ của luật pháp đó là Nhà nước. Tuy không can thiệp trực tiếp vào các hoạt động kinh tế nhưng lại tạo hành lang thông thoáng để các quy luật kinh tế khách quan phát huy tác dụng. Chính phủ cùng các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội nghề nghiệp đặt mục tiêu hài hòa, ổn định, tiến bộ trong QHLĐ. Hài hòa là xử lý hướng dẫn hợp lý các quan hệ, trong đó tập trung nhất là quyền và lợi ích của các bên trong QHLĐ. Yêu cầu tối thiểu của tính hài hòa là các bên phải nhận thức đầy đủ và tự giác thực hiện tối ưu, triệt để các quyền và nghĩa vụ của mình trong QHLĐ. Chủ động giải quyết các mâu thuẫn, xung đột thông qua thương lượng và hòa giải, cố gắng tránh mọi nguy cơ dẫn đến sự đổ vỡ có thể làm căng thẳng thêm QHLĐ.

Rõ ràng, QHLĐ trong DN là sự cam kết của các bên về việc làm, tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, thực hiện đầy đủ mọi chế độ bảo hiểm xã hội, phúc lợi tập thể, đào tạo và bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, sự hiểu biết và thực hành theo luật, giải quyết tốt những bức xúc, các mâu thuẫn , tránh các cuộc đình công, nhất là các cuộc đình công trái luật của NLĐ…

Trong các quan hệ trên, công đoàn cơ sở đại diện tập thể NLĐ có trách nhiệm đàm phán thương lượng với đại diện NSDLĐ về tất cả những yếu tố của QHLĐ đã nêu trên, ràng buộc quyền với trách nhiệm phải thực thi của các đối tác. Trong 2 đối tác (NLĐ và NSDLĐ), không thể đánh giá vai trò của NSDLĐ hơn, hay vai trò của NLĐ hơn. Mà thực sự, QHLĐ quy định các trách nhiệm ngang nhau, và vì vậy lợi ích của mỗi đối tác cũng tương xứng khi biết chăm lo xây dựng quan hệ hài hòa, ổn định tiến bộ.

Đối thoại định kỳ và đối thoại thường xuyên giữa NLĐ và NSDLĐ là 1 kênh đặc biệt quan trọng và hiệu quả nhằm giải quyết các mẫu thuẫn, những bất đồng giữa các bên trong QHLĐ. Để đảm bảo QHLĐ hài hòa, trước hết NLĐ (Thông qua vai trò tổ chức đại diện cho họ là công đoàn cơ sở) phải nâng cao nhận thức và nhận thức đầy đủ, toàn diện về quyền và nghĩa vụ của mình. Điều này đã được quy định rõ trong bộ Luật lao động, Luật Công đoàn và nội quy, quy chế của DN. Muốn làm được điều này công đoàn cần tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật vừa nói trên, đến từng người lao động bằng các hình thức linh hoạt và hiệu quả nhất, bằng các biện pháp đơn giản nhất, tránh cầu kỳ, chú ý thiết thực, làm cho công nhân, người lao động đạt được mục tiêu mà công đoàn đặt ra. Đồng thời công đoàn cần tăng cường, sâu sát, giám sát việc thực thi các quy định nhằm củng cố, tăng cường tính hài hòa, ổn định, tiến bộ của QHLĐ, ngăn ngừa, hạn chế những mâu thuẫn trong quan hệ giữa NSDLĐ với NLĐ, giảm thiểu mọi nguy cơ có thể dẫn đến đình công thông qua đàm phán, thương lượng, tuyên truyền, vận động với cả giới làm công và giới quản lý DN. Trong điều kiện hiện tại, bằng các khảo sát thực tế, nếu DN nào, KCN nào làm tốt, có hiệu quả và thường xuyên, hoạt động đối thoại, thương lượng giữa NSDLĐ với NLĐ, sẽ có nhiều khả năng hạn chế, đi đến chấm dứt những tranh chấp lao động gay gắt và các cuộc đình công, nhất là đình công không theo trình tự luật pháp.

Trong khi đó, NSDLĐ phải coi việc xây dựng QHLĐ hài hòa với NLĐ là mục tiêu quan trọng của quản lý. NSDLĐ chăm lo mọi mặt cho NLĐ, không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý. Nếu người bán hàng coi khách hàng là thượng đế, thì chủ DN cần coi NLĐ là mọi cơ hội sản sinh các giá trị gia tăng, sự giàu có của DN. Và vì vậy, NLĐ cần được chăm chút, lo toan để họ toàn tâm, toàn ý gắn bó với DN, làm việc hết sức mình vì sự phát triển thịnh vượng và bền vững của DN. Đây chính là bí quyêt thành công của QHLĐ hài hòa, ổn định tiến bộ, mà nhiều DN ở Nhật Bản đã thực hiện, và nó đương nhiên là bài học kinh nghiệm tốt cho VN.

Vũ Quang Thọ