banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Bảo vệ quyền lợi công nhân trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Cập nhật lúc 09:19 ngày 09/12/2016

Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn một số mặt tiêu cực tác động không nhỏ đến quyền lợi của người công nhân.

Trong điều kiện đó, Đảng và Nhà nước cần có chính sách bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân, góp phần khẳng định vị thế lãnh đạo của giai cấp này.


Một số tồn tại, yếu kém của giai cấp công nhân hiện nay

Những năm qua, giai cấp công nhân tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng, nhất là ở các khu công nghiệp tập trung, khu vực kinh tế có yếu tố nước ngoài và kinh tế tư nhân (trong số gần 12 triệu công nhân cả nước, chỉ có gần 2 triệu làm việc trong khu vực kinh tế nhà nước). Tuy nhiên, sự phát triển của giai cấp công nhân còn bộc lộ rất nhiều yếu kém, hạn chế.

Thứ nhất, tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận công nhân, lao động có dấu hiệu suy thoái, nhất là khu vực ngoài quốc doanh. Một số có biểu hiện phai nhạt ý thức giai cấp công nhân, chỉ lo quyền lợi trước mắt, không chú ý đến lợi ích lâu dài, mất cảnh giác trước âm mưu hoạt động chiến tranh tâm lý phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch. Một bộ phận ý thức kỷ luật kém, suy thoái về đạo đức, lối sống, buông thả trong sinh hoạt, mắc vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. 

Phần lớn công nhân làm việc trong các khu công nghiệp tập trung là dân nhập cư, thoát ly từ nông thôn, trình độ, nhận thức chưa đồng đều, luôn bất ổn trong tâm lý, chưa có tác phong công nghiệp, còn mang tư tưởng nông dân, tự ti và thiếu ý thức kỷ luật.

Thứ hai, trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp còn thấp so với yêu cầu, mất cân đối nghiêm trọng trong lao động kỹ thuật. Theo thống kê, số công nhân chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ chiếm 28%. Kết quả một cuộc khảo sát tại 52 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, thì số công nhân được chủ sử dụng lao động đánh giá về kỹ năng nghề nghiệp vào loại yếu kém còn chiếm gần 20%. Đây cũng là tình trạng chung của cả nước.

Bên cạnh những mặt còn bất cập của công nhân hiện nay thì các yếu tố khác cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng lao động. Công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Đào tạo dạy nghề yếu kém thể hiện ở chỗ: thiếu các cơ sở dạy nghề, cơ sở vật chất cũ kỹ, lạc hậu; nội dung đào tạo mất cân đối, chưa phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Vì vậy, tình trạng xã hội thừa thầy, thiếu thợ, doanh nghiệp cần công nhân thì không tuyển được, người lao động được đào tạo ra thì không xin được việc làm khá phổ biến. 

Tiếp đến, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân hiện nay quá nghèo nàn. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, lương trung bình của công nhân chỉ phổ biến ở mức 3.000.000 - 3.500.000 đồng/người/tháng. Với mức thu nhập như trên, trừ chi phí cho việc duy trì sự sống, tằn tiện hết mức cũng không tích luỹ được bao nhiêu. Vì vậy, công nhân không có điều kiện tái sản xuất sức lao động. 

Công nhân làm việc trong các khu công nghiệp tập trung ít khi hoặc không có thời gian và điều kiện đi xem ca nhạc, xem phim, xem kịch, đọc sách báo. Nếu có thời gian rỗi, họ thường tranh thủ ngủ để lấy lại sức lực sau 10 - 12 tiếng làm việc. Một trong các nguyên nhân công nhân bị suy giảm sức khoẻ và không có thời gian nghĩ đến việc nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí là do phải làm tăng ca triền miên trong điều kiện các chế độ phúc lợi kém, cường độ lao động cao, sức lực người công nhân bị vắt kiệt. Ở các khu công nghiệp, do phải tiết kiệm tiền thuê nhà, tiền điện, nước, nhiều công nhân phải sống chung trong điều kiện hết sức khó khăn; tình trạng nạo phá thai trong công nhân đã đến mức báo động; tình trạng công nhân, lao động nghiện ma tuý, nhiễm HIV/AIDS chưa giảm.

Tình trạng bớt xén công lao động, bắt làm thêm ca, thêm giờ, trốn đóng bảo hiểm, không thực hiện chế độ vệ sinh an toàn lao động còn phổ biến… Hiện nay, giới chủ mới thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho khoảng 30%, ký hợp đồng lao động chưa được 50%, các điều kiện lao động hết sức khắc nghiệt. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của ngành quản lý lao động, mỗi năm trung bình cả nước có trên 5.000 vụ tai nạn lao động, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và gây thương tật cho hàng trăm người khác. Nguyên nhân để xảy ra các vụ tai nạn lao động phần lớn là do chủ doanh nghiệp không tuân thủ nghiêm túc các quy định về vệ sinh an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ. Đã có nhiều vụ công nhân bị ngộ độc thức ăn sau khi dùng bữa ăn ca do doanh nghiệp tổ chức, có vụ mấy chục người ngộ độc phải đi cấp cứu. 

Tình hình trên đã dẫn đến những hậu quả chính trị, kinh tế - xã hội không thể xem thường. Đó là tình trạng đình công tự phát gây phức tạp an ninh, trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và công nhân đồng loạt bỏ doanh nghiệp (nhất là sau nghỉ Tết), gây đình trệ sản xuất và nhiều vấn đề xã hội phức tạp khác. 

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến quyền lợi công nhân bị xâm phạm 

Ngoài các nguyên nhân mang tính chủ quan từ phía giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay như trình độ tay nghề thấp, thiếu hiểu biết, suy thoái tư tưởng, phẩm chất… còn có các nguyên nhân chủ yếu sau:

Một là, chính sách mở cửa thị trường đầu tư của Nhà nước và chính quyền địa phương còn nhiều điểm chưa hợp lý

Trước hết là chính sách giá nhân công để kêu gọi đầu tư thấp. Chính sách lương tối thiếu là chính sách phổ biến ở nhiều nước, thực chất nó là kết quả của sự thoả hiệp giữa Nhà nước và người lao động. Nhà nước quy định mức lương tối thiểu mà giới chủ phải trả cho người lao động là bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, chính sách mức lương tối thiểu là con dao hai lưỡi, nó có thể kích thích tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, ngược lại nó có thể gây khủng hoảng kinh tế và hạn chế đầu tư nước ngoài. Vì vậy, tăng hay giảm mức lương tối thiểu, vào thời điểm nào rất quan trọng. Trong những năm qua, để thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã áp dụng mức lương tối thiểu quá thấp so với mặt bằng chung khu vực và giá cả thị trường. Sự điều chỉnh của Chính phủ thường không theo kịp so với tốc độ gia tăng chỉ số tiêu dùng. Lương tối thiểu tăng, nhưng thu nhập thực tế của công nhân lại giảm. Các nhà đầu tư lợi dụng chính sách lương tối thiểu thấp để bóc lột công nhân là điều hiển nhiên. Giá trị thặng dư thu được dựa trên nền tảng bóc lột giai cấp công nhân là bản chất không bao giờ thay đổi của chủ nghĩa tư bản.

Tiếp đó, nhiều nơi, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, làm ngơ trước các hành vi xâm phạm quyền lợi chính đáng của công nhân, lao động. Ở nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp còn trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm, đối xử hà khắc, tuỳ tiện sa thải công nhân… 

Hai là, vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, vai trò quản lý, điều hành của chính quyền còn nhiều tồn tại, thiếu sót

Vai trò của cấp uỷ đảng ở địa phương và trong doanh nghiệp ở nhiều nơi còn mờ nhạt. Cấp uỷ đảng, các ngành chức năng và chính quyền địa phương ở một số nơi không thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng về xây dựng đội ngũ công nhân trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hoặc có thực hiện, nhưng thiếu thường xuyên và nặng về hình thức. Chưa chú trọng xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Ở nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đảng viên không có nơi sinh hoạt, vai trò lãnh đạo của Đảng hầu như không có. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho công nhân bị xem nhẹ. 

Hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thiếu đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung, không theo kịp tình hình. Đặc biệt là pháp luật về lao động chưa có chế tài đủ mạnh xử lý các trường hợp chủ doanh nghiệp cố tình trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, không ký hợp đồng lao động và các hành vi vi phạm pháp luật khác về sử dụng lao động. Chính quyền và các ngành chức năng ở một số địa phương buông lỏng quản lý, thiếu sự chăm lo đến đời sống, điều kiện làm việc của công nhân, để chủ doanh nghiệp lấn lướt, xâm phạm lợi ích chính đáng của người lao động, vi phạm pháp luật mà không giải quyết, xử lý.

Ba là, vai trò của công đoàn cơ sở còn rất nhiều yếu kém, không đảm trách được vai trò người bảo vệ quyền lợi của công nhân, lao động

Nhiều tổ chức công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang bị vô hiệu hoá, thậm chí cán bộ công đoàn bị chủ trù dập. Một thực tế cho thấy, lãnh đạo công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thường là cán bộ khung của doanh nghiệp, được chủ trả lương, nên rất khó xử lý trong vấn đề hoà giải các tranh chấp lao động, lại càng khó hơn khi đứng về phía công nhân chống lại ông chủ mình. Công đoàn được luật pháp cho phép tổ chức và lãnh đạo các cuộc đình công, đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân, nhưng rất ít tổ chức công đoàn cơ sở có khả năng này. Nhiều công đoàn cơ sở chỉ lấy việc thăm hỏi, hiếu hỉ làm hoạt động chính. Một số tổ chức công đoàn cơ sở xa rời tôn chỉ, mục đích của mình.

Một số giải pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân

Dự báo trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu hội nhập, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đồng thời để bảo đảm tính tiên phong cho giai cấp công nhân, Đảng, Nhà nước phải có chiến lược chuẩn bị nguồn nhân lực, đặc biệt là Chiến lược xây dựng giai cấp công nhân trong điều kiện, hoàn cảnh mới. Bên cạnh chú trọng phát triển về số lượng, chất lượng và phẩm chất chính trị, phải đặc biệt quan tâm đến bảo vệ quyền lợi chính đáng của giai cấp công nhân.

Một là, bảo đảm hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong giai cấp công nhân. Các cấp, các ngành phải tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện lý luận về giai cấp công nhân Việt Nam trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, sự thay đổi mới về khái niệm bóc lột… Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục tư tưởng chính trị, truyền thống, nâng cao nhận thức về mặt chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức công nhân, tác phong công nghiệp. Nghiên cứu nội dung, hình thức phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Hai là, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong kinh tế - xã hội và lao động, giữ gìn trật tự, kỷ cương luật pháp, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm hoặc bao che, dung túng cho các hành vi xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công nhân, lao động. Tăng cường kiểm tra, sơ, tổng kết đánh giá việc thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội và lao động, kịp thời phát hiện và khắc phục mọi thiếu sót. Nhất là những, thiếu sót, bất hợp lý trong hệ thống văn bản và tổ chức thực hiện hệ thống chính sách pháp luật về đầu tư, cấp phép kinh doanh; quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất; về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chính sách an sinh xã hội khác có liên quan đến công nhân, lao động. Thường xuyên nắm, phân tích, dự báo tình hình về thị trường, đời sống công nhân, tham mưu, đề xuất Nhà nước kịp thời điều chỉnh chính sách về tiền lương cho hợp lý. 

Chính quyền và ngành quản lý lao động chủ động phối hợp với công đoàn thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách, pháp luật về sử dụng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các cam kết với tập thể người lao động, với chính quyền của giới chủ. Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm, không dung túng các hành vi xâm phạm lợi ích chính đáng của công nhân, lao động. Ví dụ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ chối cấp phép nếu chủ đầu tư không có phương án sắp xếp chỗ ở, nơi vui chơi, giải trí và các chế độ phúc lợi khác cho công nhân. Phối hợp với công đoàn tham gia đàm phán ký kết thoả ước tập thể và thường xuyên kiểm tra việc chấp hành của giới chủ. Kiên quyết không để người sử dụng lao động tuỳ tiện sử dụng, hành hung, làm nhục, phạt tiền, ăn bớt công, sa thải công nhân vô cớ, bừa bãi, bắt công nhân làm thêm ca, thêm giờ triền miên…

Ba là, chăm lo xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở vững mạnh, thực sự là người bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân. Tổ chức rà soát đánh giá tổ chức và đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, từ đó nghiên cứu, sắp xếp lại cho hợp lý, nhất là khu vực ngoài quốc doanh. Có thể đề xuất cho thành lập các tổ chức công đoàn khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ngày càng độc lập hơn với chủ sử dụng lao động. Không bố trí thành viên ban lãnh đạo doanh nghiệp là thủ lĩnh công đoàn. Đổi mới hình thức, nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn cơ sở. Đa dạng hoá các hoạt động công đoàn, không chỉ nhằm thoả mãn một số nhu cầu về tinh thần mà phải tập trung cho nhiệm vụ chính là đấu tranh với giới chủ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân.

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của giai cấp công nhân là một bộ phận của chiến lược xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, đó là nhiệm vụ của toàn xã hội, phải được quan tâm và thực hiện bằng nhiều biện pháp./.

TS. Quốc Hưng

(Theo TCCS)