banner2019
 
Thứ hai, ngày 20 tháng 01 năm 2025
Thứ hai, ngày 20 tháng 01 năm 2025
Làm thế nào để nâng cao chất lượng hoạt động và xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh
Cập nhật lúc 10:23 ngày 04/04/2016

Hàng năm qua kiểm tra phân loại hoạt động, kết quả hoạt động của CĐ cấp cơ sở có sự phân hóa theo loại hình như CĐCS trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, CĐCS trực thuộc các TCTy, tập đoàn thường được đánh giá hoạt động có hiệu quả, nề nếp, được cấp ủy Đảng và chuyên môn quan tâm.

Công tác tuyên truyền giáo dục, phát động phong trào thi đua, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, đoàn viên công đoàn từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, công đoàn theo loại hình này hoạt động còn hạn chế do bị chi phối nhiều bởi công tác chuyên môn, nguồn kinh phí hoạt động chưa đảm bảo. Khu vực ngoài quốc doanh, phong trào công nhân lao động và hoạt động công đoàn còn hạn chế: Công tác tuyên truyền, giáo dục chưa thành nề nếp; hồ sơ, tài liệu và chế độ thông tin báo cáo chưa theo quy định. Để nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS, mấu chốt vấn đề là xác định hạn chế của từng loại hình và đưa ra giải pháp hợp lý.


Để nâng cao chất lượng hoạt động và xây dựng CĐCS vững mạnh trước tiên cần sự đổi mới đặc biệt là đổi mới công tác cán bộ công đoàn cơ sở. “Cán bộ nào phong trào ấy”, ở đâu cán bộ công đoàn có năng lực, có khả năng vận động tập hợp quần chúng, có bản lĩnh và tâm huyết với hoạt động công đoàn thì ở đó hoạt động công đoàn phát triển, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động được đảm bảo, vị thế của công đoàn được nâng lên, người lao động tin tưởng và gắn bó với tổ chức công đoàn. Muốn có được cán bộ công đoàn tốt, có năng lực thực sự các cấp CĐ cần quan tâm tới công tác quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có năng lực, bản lĩnh thật sự của cán bộ công đoàn. Để đạt được yêu cầu này, ngoài sự nỗ lực của cán bộ và tổ chức công đoàn, còn cần sự quan tâm của cấp ủy Đảng, sự tác động, tạo điều kiện của chuyên môn. Bên cạnh đổi mới công tác cán bộ, các cấp công đoàn cũng cần quan tâm đến đổi mới công tác phối hợp với chuyên môn trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tổ chức hội nghị cán bộ công chức, hội nghị NLĐ. Hàng năm, BCH CĐCS cần phối hợp với thủ trưởng đơn vị xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, trong đó chú trọng sơ kết, rút kinh nghiệm và sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế của đơn vị giúp NLĐ phát huy được quyền làm chủ trong việc tham gia quản lý cơ quan, doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Một vấn đề CĐCS cũng cần hết sức quan tâm đổi mới đó là công tác tài chính công đoàn. Các cấp công đoàn cần xây dựng quy chế chi tiêu phù hợp để triển khai hoạt động phong trào hiệu quả, tiết kiệm, để trang bị thêm trang thiết bị cho các ban nhằm cải thiện điều kiện làm việc, để công tác tài chính thực sự là điều kiện, là chất bôi trơn cho hoạt động phong trào chứ không phải là lực cản hạn chế hoạt động như đã diễn ra trước đây.

Về tổ chức hội nghị cán bộ công chức, hội nghị NLĐ, các cấp CĐ cần thực sự phát huy quyền làm chủ của NLĐ, trưng cầu ý kiến đóng góp xây dựng và biện pháp để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra; vận động NLĐ tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Hàng năm, xây dựng quy chế phối hợp giữa BCH CĐCS và thủ trưởng đơn vị, trong đó có đánh giá việc tổ chức thực hiện; chủ tịch công đoàn phải được tham gia đầy đủ các hội đồng của đơn vị.

Trong công tác tham gia quản lý và chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công nhân, viên chức, lao động và công đoàn viên. Hàng năm, công đoàn phối hợp với lãnh đạo đề ra kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn để công nhân, viên chức, lao động và đoàn viên hoàn thành nhiệm vụ của mình. Trên cơ sở xác định kinh tế gia đình ổn định, công đoàn thành lập các quỹ tương trợ góp phần giúp đoàn viên gặp khó khăn cải thiện cuộc sống gia đình. Công đoàn cơ sở còn cần phối hợp với chuyên môn giám sát bếp ăn tập thể, tạo điều kiện thuận lợi trong ăn, nghỉ để NLĐ giảm chi phí và tái tạo sức lao động. Bên cạnh đó, công đoàn còn tranh thủ các vốn vay quỹ bảo trợ xã hội công đoàn, ngân hàng thương mại giúp NLĐ có nhu cầu vay phát triển kinh tế gia đình.

Có thể nói, công đoàn là tổ chức chính trị có vai trò góp phần quyết định trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương. Để làm tốt vai trò ấy, các cấp CĐ trước hết cần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công nhân, viên chức, lao động tại đơn vị mình; kết hợp hài hòa giữa 3 lợi ích: xã hội, cộng đồng và cá nhân. Công tác tham mưu của công đoàn phải đảm bảo chính xác, kịp thời, thuyết phục, có mục tiêu và giải pháp; hướng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, doanh nghiệp thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động của tổ chức công đoàn. Trong hoạt động, công đoàn phải có cơ chế xác lập các mối quan hệ giữa các thành viên trong tổ chức công đoàn, mối quan hệ phối hợp giữa công đoàn và thủ trưởng đơn vị, mối quan hệ phối hợp với các đoàn thể khác, trong đó xác định người chủ trì, người tham gia, trách nhiệm mỗi bên và kinh phí tổ chức thực hiện. Đoàn viên phải lựa chọn người có tâm huyết, năng lực, có uy tín, am hiểu pháp luật  để bầu vào BCH CĐCS, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ đoàn viên, NLĐ. Bản thân cán bộ công đoàn phải tự học tập nâng cao kiến thức, rèn luyện bản lĩnh thông qua các phong trào hành động. BCHCĐCS phải năng động, trong đó vai trò của chủ tịch CĐCS phải thể hiện rõ nét mới có thể nâng cao chất lượng sinh hoạt công đoàn và xây dựng CĐCS vững mạnh.

 Minh Hà