banner2019
 
Chủ nhật, ngày 19 tháng 01 năm 2025
Chủ nhật, ngày 19 tháng 01 năm 2025
Khó đình công đúng luật
Cập nhật lúc 08:33 ngày 18/11/2016

Quy trình tổ chức đình công rườm rà, phức tạp nên khó có đình công đúng luật.

“Đình công là tất yếu khách quan, không thể triệt tiêu được và đây cũng là quyền của người lao động (NLĐ). Do vậy, không nên nhìn đình công một cách tiêu cực. Mặt khác, không thể phủ nhận thực tế là chỉ khi NLĐ ngừng việc thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) mới sửa sai. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây không phải là tìm cách hạn chế NLĐ ngừng việc tự phát mà làm sao giúp họ sử dụng vũ khí này đúng pháp luật và hiệu quả” - bà Trần Thị Thanh Hà, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh tại buổi tọa đàm về tình hình tranh chấp lao động tập thể và đình công ở Việt Nam do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức vào chiều 15-11 tại TP HCM.


Khó phân định quyền và lợi ích

Thống kê của Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong 6 năm, từ năm 2009 đến tháng 6-2016, cả nước xảy ra 3.614 cuộc ngừng việc tập thể ở 40 tỉnh, TP. Trong đó, chủ yếu xảy ra ở TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai (chiếm 3/4 tổng số vụ ngừng việc cả nước). Tất cả các cuộc ngừng việc đều tự phát mà không có sự lãnh đạo của tổ chức Công đoàn (CĐ).

Phân tích nguyên nhân dẫn đến đình công tự phát, bà Hà cho biết hiện nay quyền tổ chức lãnh đạo đình công được giao cho tổ chức CĐ, song để thực hiện việc này là điều vô cùng khó khăn vì quy định về trình tự, thủ tục đình công hiện không phù hợp với thực tế. “Phải mất 17 ngày để hoàn tất trình tự, thủ tục trong khi hầu hết các cuộc đình công xảy ra đều liên quan đến những vấn đề cấp bách đối với NLĐ nên họ không thể chờ” - bà Hà nói.

Theo ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh Bình Dương, khi xây dựng quy trình 17 ngày, những nhà làm luật không muốn có đình công xảy ra. Ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, cũng nhìn nhận không thể áp dụng quy trình hiện tại để tổ chức đình công. Chưa kể luật chỉ cho phép đình công về lợi ích chứ không cho đình công về quyền nhưng thực tế khái niệm về quyền và lợi ích rất khó phân định. “Ví dụ như bữa cơm giữa ca, doanh nghiệp (DN) hỗ trợ bữa ăn trị giá 18.000 đồng/suất nhưng chất lượng quá tệ khiến NLĐ bức xúc và ngừng việc, như vậy là đình công về quyền hay lợi ích?” - ông Hà nêu vấn đề.

Ông Hà cho biết thêm hiện nay chủ thể tổ chức đình công là CĐ cơ sở và CĐ cấp trên trực tiếp ở các đơn vị chưa có CĐ. Trong khi đó, pháp luật lao động quy định nếu tổ chức đình công không đúng luật thì sẽ phải bồi thường. Trường hợp CĐ cơ sở làm không đúng thì lấy gì đền cho DN? Vì vậy, theo ông Hà, luật nên mở ra cơ chế thoáng hơn cho vấn đề đại diện tổ chức đình công gồm CĐ cấp trên, CĐ cơ sở hoặc tập thể NLĐ cũng có thể đình công. Về việc đền bù, chỉ nên quy định nếu NLĐ đình công sai thì không được hưởng lương.

Cởi trói quy trình “17 ngày”

“Khi quyền lợi bị xâm phạm, NLĐ sẽ bức xúc và phản ứng một cách bột phát chứ không chờ CĐ tổ chức đình công. Nếu như luật đã xác định quyền đình công của NLĐ thì phải điều chỉnh kịp thời để họ có thể thực hiện quyền của mình” - đại diện Phòng An ninh kinh tế (PA81) Công an tỉnh Đồng Nai đề xuất.

Vị này khẳng định ở góc độ an ninh trật tự, NLĐ tham gia đình công không vi phạm pháp luật và họ chỉ sai nếu lợi dụng đình công để cố tình chống phá và gây bạo động. Để CĐ có thể tổ chức và lãnh đạo đình công, theo ông Nguyễn Chiến Thắng, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, Tổng LĐLĐ Việt Nam nên kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định, trong đó quy định rõ về việc bảo vệ cán bộ CĐ khi tổ chức, lãnh đạo đình công. “Hiện nay, luật đã có quy định nhưng chưa rõ ràng khiến nhiều cán bộ CĐ có tâm lý e ngại. Mặt khác, cần phải nâng mức phụ cấp cho cán bộ CĐ cơ sở bởi hiện nay, phụ cấp chỉ ở mức tượng trưng” - ông Thắng đề xuất.

Theo ông Đặng Tấn Đạt, Phó Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh Bình Dương, nguyên nhân dẫn đến ngừng việc tập thể một phần là do cơ chế đối thoại tại DN bất ổn. Thực tế, nếu DN coi trọng đối thoại, chắc chắn mầm móng tranh chấp sẽ được hạn chế từ gốc. Ông Đạt kiến nghị: “Để CĐ có thể đứng ra tổ chức đình công hoặc khởi kiện, CĐ cấp trên nên có văn bản yêu cầu CĐ cơ sở khởi kiện; nếu CĐ không đủ sức thì CĐ cấp trên sẽ phải nhận lãnh trách nhiệm. Chỉ có như vậy mới giải tỏa áp lực cho chủ tịch CĐ cơ sở. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ CĐ cơ sở”. Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch CĐ các KCX-KCN TP HCM, cho rằng khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể, nên để cho NLĐ và NSDLĐ tự thương lượng với nhau. Các cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên tham gia với tư cách là người hướng dẫn, không nên can thiệp trực tiếp. Các cơ quan quản lý nhà nước khi tham gia giải quyết tranh chấp phải phân định rõ đúng, sai của cả 2 phía NLĐ và NSDLĐ; đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm để hướng các cuộc tranh chấp lao động tập thể đi đúng quỹ đạo và quy định của pháp luật.

Bà Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn

Phải thay đổi nhận thức

Trong nền kinh tế thị trường, xung đột về lợi ích chắc chắn sẽ dẫn đến đình công, do vậy không nên nhìn nhận đình công là yếu tố gây bất ổn, đừng vì muốn nó không xảy ra mà tìm cách hạn chế. Phải xem đình công là tín hiệu báo hiệu mối quan hệ lao động có vấn đề. Các nhà quản lý phải thay đổi nhận thức để có những điều chỉnh phù hợp nhằm giải quyết những bất cập này. Chúng ta cần quan tâm xây dựng được đội ngũ CĐ cơ sở bản lĩnh để khi đã cởi trói về mặt pháp luật thì họ có đủ khả năng tổ chức, lãnh đạo đình công đúng luật.  

(Nguồn Báo Người Lao động)