banner2019
 
Chủ nhật, ngày 19 tháng 01 năm 2025
Chủ nhật, ngày 19 tháng 01 năm 2025
Một số kết quả chủ yếu của hoạt động Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2013-2016
Cập nhật lúc 08:05 ngày 24/10/2016

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đã đề ra phương hướng tổng quát, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, bằng những hành động cụ thể theo hướng vì lợi ích đoàn viên và người lao động; tập trung hướng về cơ sở, phong trào triển khai tới từng cơ sở; thực hiện tốt chức năng chăm lo đời sống cho đoàn viên và người lao động; đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội, quản lý đơn vị, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và tổ chức phong trào thi đua yêu nước; đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.  


Hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên và người lao động

Công đoàn VN đã tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật như Hiến pháp 2013, Luật, Nghị định, Thông tư, chương trình, kế hoạch, công ước, đề án, quy chế phối hợp; tham gia cải cách chính sách tiền lương (tham gia với Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng tiền lương Quốc gia, sau 3 năm thực hiện tiền lương tối thiểu vùng tăng bình quân 13,5% mỗi năm, đã đạt được 87% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình; ở khu vực hành chính sự nghiệp mức lương cơ sở đối với cán bộ công chức, viên chức cũng tăng 5,2% kể từ ngày 01/5/2016).

Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể” đến nay đã ký kết được 26.155 bản TƯLĐTT, chiếm 75,72% số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, trong đó có 34,98% thỏa ước đạt loại A, 26,34 đạt loại B, 13,21% đạt loại C, 18,43% không phân loại (chủ yếu do đã hết hạn). Đã có 862.400 lượt người được tư vấn, tuyền truyền pháp luật, đại diện cho người lao động được tham gia tố tụng lao động tại tòa án với 479 vụ, giúp 7.745 người lao động được trở lại làm việc và bồi thường số tiền hơn 16,8 tỷ đồng, truy thu đóng bảo hiểm xã hội cho 263.994 người, trả trợ cấp thôi việc cho 27.063 người.

Ủy ban Kiểm tra công đoàn các cấp đã thực hiện 275.320 cuộc kiểm tra Điều lệ công đoàn Việt Nam, trong đó có 142.619 cuộc kiểm tra cùng cấp, 132.701 cuộc kiểm tra cấp dưới; thực hiện 282.758 cuộc kiểm tra tài chính, tài sản và hoạt động công đoàn, trong đó 169.140 cuộc kiểm tra tài chính cùng cấp và 113.618 cuộc kiểm tra cấp dưới, kiến nghị thu nộp bổ sung về tài chính công đoàn số tiền 182,54 tỷ đồng.

Nửa nhiệm kỳ qua, công đoàn các cấp đã tiếp 53.937 lượt cán bộ, đoàn viên công nhân viên chức lao động đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và nhận 66.902 đơn khiếu nại tố cáo. Kết quả là công đoàn các cấp đã tham gia với cơ quan nhà nước và người sử dụng lao động giải quyết được 34.822 đơn KNTC, bảo vệ cho 8.155 người trở lại làm việc, 1.561 người hạ mức kỷ luật, 60.429 người được hưởng quyền lợi khác như: được bồi thường, hỗ trợ, hưởng quyền lợi về lương, BHXH, BHYT, BHTN, trợ cấp thôi việc.

Hoạt động chăm lo đời sống cho đoàn viên và người lao động

Tổng Liên đoàn đã ban hành Nghị quyết về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”, đây là một nghị quyết về một vấn đề cụ thể liên quan trực tiếp đến sức khỏe người lao động, năng suất lao động và liên quan mật thiết hiệu quả công việc của người lao động.

Chương trình “Tết sum vầy” được tổ chức thiết thực, hiệu quả, tạo sức lan tỏa rộng lớn, thể hiện vai trò và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo đời sống. Từ năm 2013 đến nay, công đoàn các cấp đã phối hợp vận động, hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà cho hơn 4,8 triệu lượt đoàn viên, người lao động trong dịp tết với số tiền trên 2.913 tỷ đồng, trao tặng trên 271.000 vé xe cho công nhân lao động về quê ăn tết, tổ chức đón tết đầm ấm cho người lao động không có điều kiện về quê ăn tết.

Chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn” đã huy động được hơn 250 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 10.000 đoàn viên công đoàn và người lao động xây dựng mới và sửa chữa nhà ở.

Hoạt động chăm lo, thăm hỏi, hỗ trợ đoàn viên người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn đã nhận được sự ủng hộ của đoàn viên, người lao động, các nhà hảo tâm (năm 2014 đã có thăm hỏi 1.028.126 người với số tiền là 622,9 tỷ đồng; năm 2015 thăm hỏi 1.024.423 người, số tiền là 473,3 tỷ đồng). Hoạt động quỹ hỗ trợ vốn cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn được thành lập tại các địa phương đã giải ngân 2.522 tỷ đồng cho hơn 314.000 công nhân lao động vay vốn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo và cải thiện đời sống cho đoàn viên và người lao động.

Quỹ bảo trợ trẻ em Công đoàn Việt Nam đã hỗ cho con công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền là 13,5 tỷ đồng; chương trình “ Vì trái tim và nụ cười trẻ thơ” đã hỗ trợ phẫu thuật tim cho 168 cháu là con công nhân lao động.

Các trường, trung tâm dạy nghề của tổ chức công đoàn đã đạt nhiều kết quả tích cực trong việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động.

Hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đoàn viên và người lao động

Trong nửa nhiệm kỳ qua, các cấp công đoàn đã tổ chức trên 836.000 cuộc tuyên truyền cho trên 36,6 triệu lượt đoàn viên, người lao động về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Hiến pháp năm 2013, Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Nghị quyết, chế độ chính sách pháp luật đối với người lao động.

Hoạt động “Tháng công nhân” hàng năm được tổ chức ngày càng thiết thực, hiệu quả, nhiều mô hình mới, cách làm hay được tuyên truyền phổ biến rộng khắp. Hiện nay cả nước đã thành lập 2.648 tổ tự quản khu nhà trọ công nhân với 186.968 công nhân lao động tham gia, các tổ tự quản đã phối hợp tổ chức 932 buổi tuyên truyền, phổ biến về đời sống văn hóa cho hơn 246.097 lượt công nhân lao động. Đã có trên 5,3 triệu lượt đoàn viên, người lao động được học tập, nâng cao trình độ, chính trị, pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp thông qua chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng, nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động”.

Đến nay có khoảng 16.500 công đoàn cơ sở có Báo Lao động, gần 35.000 ngìn công đoàn cơ sở có các báo, tạp chí của công đoàn ngành, địa phương.

Phong trào thi đua yêu nước trong hoạt động công đoàn, đoàn viên và người lao động

Phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được cụ thể hóa, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng đơn vị, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong nửa nhiệm kỳ qua đã có hơn 1,4 triệu sáng kiến được công nhận, giá trị làm lợi hơn 9.404 tỷ đồng, số tiền thưởng cho sáng kiến hơn 154 tỷ đồng. Phong trào thi đua liên kết “ Xây dựng nhà máy Thủy điện Lai Châu đảm bảo chất lượng, an toàn, tiết kiệm và vượt tiến độ” của cán bộ công nhân lao động đã góp phần hoàn thành trước tiến độ 01 năm, làm lợi cho nhà nước 5.000 tỷ đồng.

Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xây dựng người cán bộ công chức, viên chức trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của cán bộ công nhân viên chức trong lao động, học tập, công tác và xây dựng gia đình hạnh phúc. Tổng Liên đoàn đã xét, quyết định khen thưởng và đề nghị khen thưởng 246 huân chương các loại, 141 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 31 Cờ thi đua của Chính phủ, 2.056 Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn, 22.574 bằng khen của Tổng Liên đoàn, 2.863 bằng lao động sáng tạo, 405 chiến sĩ thi đua Tổng Liên đoàn trong đó tăng dần tỷ lệ khen thưởng công nhân, lao động trực tiếp sản xuất.

Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ công đoàn

Từ năm 2013 đến nay đã, các cấp công đoàn đã kết nạp 2.413.013 đoàn viên mới, thành lập 15.352 công đoàn cơ sở (trừ đi số lượng đoàn viên giảm, số tăng thực tế là 1.254.275 đoàn viên và 9.202 công đoàn cơ sở).

Hiện nay, tổ chức Công đoàn Việt Nam có 9.202.785 đoàn viên và 123.326 công đoàn cơ sở; trong đó có 497 công đoàn cơ sở với 41.161 đoàn viên được thành lập theo Điều 17, Điều lệ Công đoàn.

Nửa nhiệm kỳ qua đã có 70.870 lượt cán bộ công đoàn chuyên trách và 1.149.674 lượt cán bộ công đoàn không chuyên trách được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ công đoàn; đã có trên 411.000 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng.

Một số nhiệm vụ chủ yếu từ nay đến Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII

Công đoàn VN tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng của công đoàn: Tăng cường kỹ năng thương lượng, ký kết, giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động; tích cực tham gia với Hội đồng lương quốc gia về mức tiền lương tối thiểu; thường xuyên đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên và người lao động, chủ động tham gia kiểm tra giám sát việc thực hiện chế độ chính sách, tăng cường hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tham gia tố tụng tại tòa; phát huy hiệu quả các hoạt động chăm lo, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua; đổi mới cách tiếp cận cơ sở, đa dạng các hình thức tuyên truyền; quyết liệt thực hiện các quy định về tài chính công đoàn; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra công đoàn; phối hợp, đầu tư, triển khai xây dựng các thiết chế của công đoàn cho người lao động như: thiết chế văn hóa, siêu thị, nhà trẻ, nhà ở cho người lao động; tập trung vào khu vực có đông công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất; nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc những mô hình, kinh nghiệm hoạt động công đoàn các nước tiên tiến, hiệu quả trên thế giới; tạo sự ủng hộ, đồng thuận của các tổ chức công đoàn khu vực, quốc tế.

Chủ động nghiên cứu, dự báo và có những chuẩn bị chiến lược cho giai đoạn mới: Có những khảo sát, đánh giá khách quan, toàn diện, sâu rộng về những thách thức, cũng như cơ hội mang lại của hoạt động công đoàn khi hội nhập kinh tế quốc tế; nghiên cứu việc thực hiện hoạt động chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người lao động với mục tiêu thiết thực, khả thi, đảm bảo điều kiện hoạt động; tổ chức triển khai các hình thức kết nối với các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp để đoàn viên, người lao động được tiếp cận với các nguồn lực, sản phẩm dịch vụ với giá ưu đãi; tiếp tục đổi mới một số nội dung, mô hình tổ chức, điều kiện, cách thức hoạt động của công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tăng cường gắn kết giữa công đoàn các cấp với sự hỗ trợ của cán bộ, tài chính công đoàn; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện: Kiên quyết giảm các hoạt động hình thức, tập trung hướng về cơ sở, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động công đoàn cơ sở; đổi mới toàn diện cách thức ban hành văn bản hướng dẫn, gắn kết giữa các nội dung chuyên đề, đổi mới sáng tạo chế độ thông tin báo cáo, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động; hệ thống hóa và định lượng quyền lợi của người lao động với tiêu chí, mục tiêu cụ thể, xác định rõ nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo hiệu quả thiết thực; chủ động tích cực, đổi mới sáng tạo trong hoạt động công đoàn các cấp, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn trong tình hình mới.    

                                                                                                                                             Trần Phong (tổng hợp)