banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Nét đẹp văn hóa của ngành Công Thương
Cập nhật lúc 01:49 ngày 04/01/2014

Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua yêu nước, Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) tổ chức lễ tôn vinh 140 lao động giỏi, lao động sáng tạo ngành Công Thương năm 2012. Nhân dịp này, ông Lý Quốc Hùng- Chủ tịch CĐCTVN - đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của phong trào “Lao động giỏi” đối với sự phát triển của ngành Công Thương?

Từ năm 2008, CĐCTVN đã ban hành Quyết định số 406/QĐ-CĐCT ngày 3/12/2008 về Quy chế xét tặng danh hiệu “Công nhân giỏi” hàng năm nhằm biểu dương, khen thưởng những cá nhân có nhiều cống hiến, đóng góp trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Từ đó, phong trào thi đua “Lao động giỏi” đã lan rộng và trở thành nòng cốt của các phong trào thi đua, được đông đảo công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) hưởng ứng và đem lại hiệu quả thiết thực. Những tấm gương lao động giỏi đã trở thành động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ở các đơn vị, tác động tích cực đến các doanh nghiệp (DN). Trưởng thành từ phong trào này, nhiều công nhân trực tiếp sản xuất đã trở thành cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi. Những thành tích đạt được trong phong trào đã trở thành nét đẹp văn hóa, góp phần quyết định đến tầm vóc của toàn ngành. Qua phong trào thi đua đã chứng minh được sự chủ động, sáng tạo của các cấp công đoàn trong việc phối hợp với chuyên môn để tổ chức nhiều hình thức thi đua phong phú, phù hợp với đặc thù của đơn vị, tạo môi trường thuận lợi để người lao động (NLĐ) phát huy tính sáng tạo, khuyến khích lòng yêu nghề và tinh thần say mê học hỏi, dám nghĩ, dám làm của mỗi cá nhân. Tùy thuộc tình hình thực tế ở mỗi ngành nghề, phong trào lại được cụ thể hóa cho phù hợp như: Phong trào “Công nhân giỏi”, “Luyện tay nghề giỏi”, “Kinh doanh giỏi-quản lý tốt”, “Mỗi kỹ sư một đề tài, mỗi tổ công đoàn một sáng kiến”… rất đa dạng, thiết thực.

Chủ tịch Công đoàn Công thương Việt Nam Lý Quốc Hùng

Phong trào thi đua “Lao động giỏi” còn góp phần giữ vững và tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ; tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa NLĐ với DN, giữa tổ chức công đoàn với chuyên môn. Phong trào thi đua “Lao động giỏi” cũng đã góp phần làm chuyển biến cả về nhận thức, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai và thực hiện công tác thi đua, đưa công tác thi đua thực sự trở thành động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, trong đó CĐCTVN luôn giữ vai trò chủ đạo.Điển hình trong phong trào “Lao động giỏi”, “Sáng kiến sáng tạo” là Công đoàn Hóa chất Việt Nam với 15.704 sáng kiến, làm lợi trên 292,843 tỷ đồng. Công đoàn Thép Việt Nam có 224 bằng lao động sáng tạo, 1.704 người có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được áp dụng vào thực tế, làm lợi 157,591 tỷ đồng; có 3 sáng kiến đoạt giải cấp toàn quốc. Công đoàn Thuốc Lá Việt Nam có 591 sáng kiến, làm lợi hàng chục tỷ đồng, thực hiện 98 đề tài nghiên cứu, nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước, cấp bộ và tổng công ty. Ngoài ra, còn một số đơn vị tiêu biểu như: Công đoàn Xăng dầu Việt Nam; Máy động lực và Máy nông nghiệp; Thiết bị điện Việt Nam; Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong; Nhựa Bình Minh; Cao đẳng Công nghiệp Xây dựng; Đại học Công nghiệp Quảng Ninh... Qua đó, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ổn định, đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động, cho DN và nhà nước.

 

Điểm nhấn của đợt vinh danh “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” năm nay là gì, thưa ông?

Năm nay, các cá nhân được tôn vinh phần lớn là công nhân trực tiếp sản xuất. Đây cũng là nét chủ đạo của các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Đặc biệt, các phong trào không chỉ dừng lại ở phạm vi đơn vị, trong ngành mà còn có sức lan tỏa ra toàn quốc như phong trào thi đua liên kết xây dựng các công trình trọng điểm như công trình Thủy điện Sơn La, Lai Châu, góp phần khơi dậy lòng nhiệt tình, say mê sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, ý chí tự lực, tự cường của cán bộ, đoàn viên công đoàn trên từng vị trí công tác. Vì vậy, ngày càng có thêm nhiều điển hình tiên tiến xuất sắc, nhiều công trình, sản phẩm có ý nghĩa thiết thực được ứng dụng, đạt hiệu quả cao. Với sức lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp, phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” đã tạo dựng được môi trường tốt để giáo dục, bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho công nhân lao động, đào tạo nên những nhà quản lý, cán bộ, nhân viên kỹ thuật, những người thợ giỏi. Phong trào đã thực sự đi vào chiều sâu, tạo được sức lan tỏa ở cơ sở. Đây là minh chứng rõ nét nhất, khẳng định chương trình “Xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do CĐCTVN thực hiện đã và đang được toàn ngành hưởng ứng.

Thời gian tới, CĐCTVN sẽ có những giải pháp gì để phát huy hiệu quả hơn nữa phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”?

Thợ giỏi, thợ bậc cao không chỉ là nguồn nhân lực quan trọng của mỗi DN mà còn là tài sản quý của toàn xã hội. Những công nhân lao động giỏi hôm nay là những bàn tay vàng trong vườn hoa sáng tạo của ngành Công Thương. Đây cũng là những hạt nhân rất quan trọng cần được quan tâm đặc biệt để họ phát huy tối đa sở trường của mình nhằm góp phần xây dựng ngành Công Thương ngày càng vững mạnh.

Công đoàn muốn thông qua việc tôn vinh lao động giỏi để động viên, khích lệ đội ngũ công nhân lao động tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh.

Để phong trào thi đua có sức lan tỏa ngày càng sâu rộng, thời gian tới, CĐCTVN sẽ nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ với chuyên môn triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó có tổ chức tốt phong trào thi đua của quần chúng. Đẩy mạnh phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong toàn ngành. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những người làm ra sản phẩm có chất lượng cao, chi phí thấp, tôn vinh những NLĐ có tay nghề cao, những nhà kinh doanh và quản lý DN giỏi. Tích cực đổi mới hơn nữa nội dung và hình thức thi đua xuất phát từ yêu cầu sản xuất và đời sống, không phô trương hình thức dẫn tới lãng phí và giảm tác dụng, ý nghĩa giáo dục của thi đua.

Xin cảm ơn ông!

5 năm qua, toàn ngành đã có trên 20.000 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng, làm lợi gần 4.000 tỷ đồng, số tiền thưởng cho các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trên 100 tỷ đồng; tiết kiệm nhiều vật tư nguyên liệu với số tiền 150 tỷ đồng. 650 lao động được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp Bằng Lao động sáng tạo, 258 công nhân lao động tiêu biểu được CĐCTVN, Bộ Công Thương biểu dương tôn vinh “Lao động giỏi”. 9 đại biểu được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh.

 

Ngọc Loan