banner2019
 
Thứ hai, ngày 20 tháng 01 năm 2025
Thứ hai, ngày 20 tháng 01 năm 2025
Cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia
Cập nhật lúc 09:55 ngày 08/10/2016

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng và phức tạp, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do sẽ tạo ra cơ hội giúp nước ta tranh thủ nguồn lực bên ngoài để phát triển nhanh và bền vững.

Trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bên cạnh các vấn đề liên quan trực tiếp đến thương mại như thuế, dịch vụ, đầu tư công, sở hữu trí tuệ... thì các vấn đề phi thương mại khác được ghi nhận là một trong các nội dung của Hiệp định như các tiêu chuẩn về lao động, môi trường …. Về vấn đề lao động, các Hiệp định thương mại căn cứ vào các Tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản làm thước đo và tiêu chí để các đối tác đàm phán. Tiêu chuẩn lao động quốc tế được xây dựng bởi Tổ chức lao động quốc tế (ILO), bằng việc ban hành khoảng 190 Công ước và 200 Khuyến nghị, trong đó tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được quy định bởi Tuyên bố về những nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc năm 1998 (Declaration on Fundamental Principles and Rights at Work).

Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến cam kết về lao động trong Hiệp định TPP vì đây là Hiệp định ghi nhận về vấn đề lao động rất rộng và tương đối cụ thể cho các quốc gia thành viên.

Cam kết về lao động trong Hiệp định TPP có nội dung gì?

Chương 19 của Hiệp định TPP về lao động gồm 15 điều với phạm vi rộng: từ quy định pháp luật của mỗi nước thành viên phải được quy định như thế nào; đến việc ban hành/thúc đẩy thực tiễn thực hiện các quy định pháp luật đó ra sao; việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đó ra công chúng phải công khai như thế nào; trình tự thủ tục tố tụng về lao động tại toà án cần được đảm bảo bởi những nguyên tắc gì; nghĩa vụ thúc đẩy doanh nghiệp tự nguyện áp dụng các sáng kiến trách nhiệm xã hội doanh nghiệp về vấn đề lao động; cho đến việc đưa ra các cơ chế đối thoại, hợp tác về lao động giữa các quốc gia thành viên; cơ chế thực thi các cam kết về lao động như đối thoại, đầu mối liên lạc. Việc thành lập Hội đồng lao động của các quốc gia thành viên để đánh giá tình hình thực hiện các quy định về lao động trong TPP; việc phối hợp  với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong việc thực hiện cam kết về lao động… Có thể nói, các cam kết tại Chương Lao động của Hiệp định TPP đưa ra rất nhiều thách thức cả về việc soạn thảo pháp luật và thực thi pháp luật của mỗi quốc gia thành viên.

Dưới góc độ luật thực định (quy định pháp luật), TPP đưa ra một số các yêu cầu chủ yếu sau:

- Về nội dung điều luật, TPP yêu cầu:

 "1) Các quốc gia thành viên TPP phải ghi nhận trong pháp luật của mình các quyền của người lao động như đã được nêu trong Tuyên bố của Tổ chức lao động quốc tế về những nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc năm 1998;

2) Các quốc gia thành viên TPP phải ghi nhận trong pháp luật của mình các các điều kiện làm việc có thể chấp nhận được đối với mức lương tối thiểu, giờ làm việc, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp."

- Về thời gian Hiệp định có hiệu lực: Hiệp định TPP sẽ được các quốc gia thành viên thông qua theo quy trình phê chuẩn Hiệp định riêng của mỗi nước nhưng thời gian phê chuẩn sẽ là khoảng 2 năm kể từ ngày tuyên bố kết thúc đàm phán. Có thể Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực vào năm 2018, riêng Việt Nam sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị là 5 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực đối với một số nghĩa vụ (trong đó có một số nghĩa vụ về lao động). Và theo cam kết [1], Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam nếu Việt Nam sửa đổi pháp luật và cải cách tổ chức bộ máy thực hiện các cam kết về lao động trong Hiệp định TPP.

Tóm lại, Hiệp định TPP không ghi nhận trực tiếp những quyền cụ thể nào của người lao động để đảm bảo thực hiện 4 nhóm quyền đã được nêu tại Tuyên bố 1998 của ILO cũng như các quyền về đảm bảo "điều kiện làm việc có thể chấp nhận được"; các quyền cụ thể để đảm bảo thực hiện theo Hiệp định TPP cần phải được nhận diện trong các Công ước của ILO. Ngoài ra, Việt Nam sẽ phải tiến hành ngay việc cải cách về pháp luật lao động và tổ chức bộ máy thực thi pháp luật lao động trước năm 2018.

 Tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản là gì?

Theo ILO, tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản gồm 4 tiêu chuẩn sau:

- Tự do hiệp hội và quyền thương lượng tập thể: dựa trên các tiêu chí quy định tại Công ước số 87 và Công ước số 98. Với các quyền cơ cơ bản như: (1)  Quyền được tổ chức và gia nhập các tổ chức theo sự lựa chọn của mình (bên phía người lao động thường được gọi là quyền công đoàn); (2) Quyền tự đề ra điều lệ và quy chế của tổ chức; tự bầu ra người đại diện cho tổ chức và đề ra chương trình hành động của tổ chức; (3) Quyền được bảo vệ để chống lại việc đình chỉ hoặc giải tán tổ chức của mình bởi cơ quan hành chính (không thể bị bất cứ một cơ quan hành chính nào buộc phải giải tán hoặc đình chỉ); (4) Quyền liên kết: các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động có quyền gia nhập hoặc trở thành hội viên của các liên đoàn, tổng liên đoàn và công đoàn quốc tế.

- Xóa bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc: dựa trên các tiêu chí quy định tại Công ước số 29  và công ước số 105.

- Xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất: dựa trên các tiêu chí quy định tại Công ước số 138 và Công ước số 182.

- Xóa bỏ phân biệt đối xử trong công việc: dựa trên các tiêu chí quy định tại Công ước số 100 , Công ước số 111.

 Mức độ tương thích của pháp luật và thực tiễn Việt Nam với quyền tự do hiệp hội theo tiêu chuẩn lao động quốc tế

Qua nghiên cứu, so sánh 4 nhóm tiêu chuẩn lao động kể trên với pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật Việt Nam, tác giả thấy có một số yêu cầu về tiêu chuẩn tự do hiệp hội theo tiêu chuẩn lao động quốc tếmà Việt Nam chưa đáp ứng được như sau:

- Chưa đáp ứng được quyền tự do tổ chức và gia nhập các tổ chức của người lao động: Mặc dù Bộ luật Lao động đã cho phép người lao động và người sử dụng lao động có quyền thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật[2]. Tuy nhiên, Bộ luật lao động và Luật công đoàn quy định công đoàn Việt Nam có hệ thống tổ chức 4 cấp từ trung ương đến cấp cơ sở là đại diện duy nhất của người lao động trong quan hệ lao động.

- Chưa đáp ứng được quyền hưởng sự bảo vệ thích đáng trước mọi hành vi phân biệt đối xử chống lại công đoàn trong việc làm của họ, nhất là về tài chính công đoàn: Luật Công đoàn Việt Nam quy định chủ sử dụng lao động phải trích nộp kinh phí công đoàn 2%, dù doanh nghiệp đó đã thành lập hay chưa thành lập công đoàn cơ sở.

- Chưa đáp ứng hoàn toàn quyền đình công của người lao động: pháp luật lao động quy định rộng về danh mục doanh nghiệp không được đình công (có thể làm hạn chế quyền đình công của người lao động); không cho phép đình công ngoài phạm vi doanh nghiệp (vi phạm quyền liên kết của các tổ chức của người lao động và quyền tổ chức, thương lượng tập thể).

Như vậy, điểm chưa tương thích mấu chốt của Việt Nam so với tiêu chuẩn lao động quốc tế là người lao động có quyền tự do thành lập và gia nhập tổ chức khác ngoài công đoàn theo hệ thống công đoàn Việt Nam hiện nay.

 Một số đề xuất, kiến nghị

Để thực hiện các cam kết về lao động trong Hiệp định thương mại, đặc biệt là về quyền tự do hiệp hội, Việt Nam cần tiến hành việc sửa đổi pháp luật lao động ngay trong 2 năm 2016-2017 với phương án sửa đổi theo hướng: Cho phép người lao động được thành lập tổ chức của người lao động ở tại doanh nghiệp với mục đích đối thoại, thương lượng tập thể để bảo vệ quyền lợi của mình trong quan hệ lao động; tên gọi của tổ chức nên là "tổ chức của người lao động" (Worker's organization").

Để thực hiện nội dung trên, tác giả thấy rằng phương án sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động là hợp lý nhất trong giai đoạn tới vì phương án này có ưu điểm là nhanh về kỹ thuật soạn thảo (vì sẵn có các quy định hiện hành), phù hợp với cam kết của Hiệp định TPP (việc đàm phán Hiệp định đã dựa vào các quy định của Bộ luật Lao động và Luật công đoàn nên các đối tác thương mại dễ dàng theo dõi việc sửa đổi của Việt Nam), dễ thuyết phục các đại biểu Quốc hội chấp nhận việc hình thành tổ chức của người lao động trong Bộ luật Lao động (vì Bộ luật Lao động 2006 đã quy định về quyền bầu đại diện tập thể lao động ngoài công đoàn để tiến hành đình công và Bộ luật Lao động 2012 đã công nhận quyền thành lập, gia nhập tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác cho người lao động) và khắc phục các vướng mắc trong Bộ luật lao động hiện hành mà cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị về làm thêm giờ, tiền lương, hợp đồng lao động, kỹ thuật soạn thảo...).