banner2019
 
Thứ hai, ngày 20 tháng 01 năm 2025
Thứ hai, ngày 20 tháng 01 năm 2025
Sẽ khởi kiện doanh nghiệp vi phạm về lao động, trốn đóng BHXH
Cập nhật lúc 07:20 ngày 05/10/2016

Theo ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, tính đến ngày 31-5-2016, cả nước có trên 9,2 triệu đoàn viên công đoàn, trong đó khu vực nhà nước có trên 4 triệu đoàn viên; khu vực ngoài nhà nước có trên 5 triệu đoàn viên.

Trong thời gian qua, công đoàn các cấp đã tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, đại diện, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Trong đó, trên cơ sở khảo sát tình hình đời sống, việc làm của NLĐ, Tổng LĐLĐ đã có văn bản gửi Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2017 với mục tiêu lộ trình chậm nhất đến năm 2018, mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Theo đó, Tổng LĐLĐ đề xuất mức tăng 11,11% so với năm 2016. Hội đồng tiền lương quốc gia họp bàn và thống nhất chọn phương án đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu tăng 7,3%. Theo ông Bùi Văn Cường, đây là mức tăng thấp so với đề xuất của Tổng Liên đoàn cũng như mong muốn và đời sống thực tế của hầu hết đoàn viên, NLĐ.


Vẫn theo Chủ tịch Tổng  LĐLĐ Việt Nam, thực hiện chức năng giám sát, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã sơ kết công tác phối hợp với Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ LĐ-TB và XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thanh tra Chính phủ. Các bên quyết định trong năm 2016 sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội (BHXH) trong các loại hình doanh nghiệp tại 4 tỉnh thành Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, đồng thời chỉ đạo các tỉnh thành khác chủ động triển khai thực hiện. Tổng LĐLĐ cũng đã ký kết chương trình phối hợp với Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức tập huấn cho các cấp công đoàn về công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể, tích cực chuẩn bị các điều kiện để thí điểm tiến hành khởi kiện một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, BHXH, an toàn vệ sinh lao động tại một số địa phương.

Ông Bùi Văn Cường cũng cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu bức xúc, cấp thiết của công nhân, lao động nhất là công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX), Tổng Liên đoàn đang nghiên cứu xây dựng đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX. “Hiện đoàn viên, NLĐ đang làm việc tại các KCN, KCX rất khó khăn về nhà ở. Không có nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần, nơi gửi trẻ. Đề án này nhằm hoàn thiện các thiết chế của công đoàn phục vụ đoàn viên, công nhân lao động tại các khu này, chăm lo tốt hơn quyền lợi thiết thực của NLĐ, tạo sự khác biệt giữa đoàn viên công đoàn và NLĐ chưa phải đoàn viên công đoàn”, ông Cường cho biết.

Đề án đặt mục tiêu từ 2016 đến năm 2017 sẽ hoàn thành 10 thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX; từ năm 2017 - 2020 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX. Đến năm 2030, phấn đấu tất cả các KCN, KCX trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên và công nhân lao động bằng những việc làm cụ thể và thiết thực (nhà ở, nhà trẻ, trường học, siêu thị công đoàn..).

Ông Cường cho biết, toàn hệ thống công đoàn quyết tâm làm đề án này, bảo đảm mỗi năm tiết kiệm được 1.000 tỷ đồng để làm.  Tổng Liên đoàn đã nghiên cứu những mô hình tốt nhất, các địa phương, doanh nghiệp cùng tham gia, cơ chế xã hội hóa… Mục tiêu là bảo đảm công nhân được mua, thuê nhà giá rẻ; được sử dụng các dịch vụ tiện lợi, qua đó tập hợp được công nhân lao động, chủ động trong tuyên truyền chính sách, vận động công nhân…

Đặc biệt, hiện Tổng Liên đoàn đang triển khai kế hoạch đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác với một số đối tác để xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên, ưu đãi cho đoàn viên công đoàn Việt Nam.  “Đoàn viên công đoàn sẽ có quyền lợi khác với NLĐ không tham gia công đoàn. Theo đó, NLĐ là đoàn viên công đoàn sẽ có thẻ công đoàn và được hưởng các ưu đãi khi sử dụng các dịch vụ như mua sắm ở siêu thị, du lịch... Hiện có rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đến chương trình này, bởi 9,2 triệu đoàn viên công đoàn là lượng khách, người tiêu dùng rất lớn”, ông Cường cho biết.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ cho biết, vấn đề hiện nay cũng đang phải quan tâm là chăm lo, bảo vệ NLĐ Việt Nam ở nước ngoài. Cùng với đó, sự dịch chuyển lao động mạnh mẽ hiện nay cũng đòi hỏi phải có cơ chế để tập hợp, bảo vệ quyền lợi NLĐ nước ngoài tại Việt Nam nhằm bảo đảm ổn định tình hình. Tổng Liên đoàn đề nghị mặt trận tiếp tục chủ trì, tăng cường các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, trong đó đẩy mạnh việc giám sát về BHXH, bảo hiểm y tế, đóng kinh phí công đoàn…

Tại buổi làm việc giữa Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân với Tổng liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam về tình hình người lao động, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhất là thời kỳ hội nhập với nhiều thách thức, hoạt động công đoàn cần chú trọng chăm lo lợi ích công đoàn viên; tham gia, giám sát phản biện; đẩy mạnh thi đua sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, cần chú trọng tôn vinh người lao động tiêu biểu; tôn vinh các doanh nghiệp chăm lo tốt cho NLĐ…