banner2019
 
Thứ hai, ngày 20 tháng 01 năm 2025
Thứ hai, ngày 20 tháng 01 năm 2025
Hoạt động CĐ trong các doanh nghiệp FDI
Cập nhật lúc 03:18 ngày 27/02/2016

Số công nhân trong các doanh nghiệp FDI chiếm 16,5% tổng số công nhân làm việc trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong số các doanh nghiệp FDI, nhiều doanh nghiệp đã thành lập CĐ. Một số CĐ cơ sở trong loại hình doanh nghiệp này hoạt động tương đối tốt. Tuy nhiên, vẫn còn không ít CĐ cơ sở trong doanh nghiệp FDI hiệu quả hoạt động chưa cao.


Công tác phát triển đoàn viên, xây dựng CĐ cơ sở trong các doanh nghiệp FDI tuy chưa mạnh nhưng so với khu vực doanh nghiệp tư nhân thì có khá hơn. Tỷ lệ công nhân, lao động gia nhập CĐ trong các doanh nghiệp FDI đã thành lập CĐ cơ sở là 59,3%. Tỷ lệ này là khá thấp so với tỷ lệ chung của các loại hình doanh nghiệp. Hoạt động của nhiều CĐ cơ sở trong doanh nghiệp FDI chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được nhiều công nhân, lao động tham gia. Chỉ có 33,9% số CĐ cơ sở hoạt động tốt; 23,1% hoạt động CĐ chưa tốt; 6,7% nặng về hình thức. Có 33,8% số công nhân, lao động tích cực tham gia các hoạt động của CĐ cơ sở.

CĐ cơ sở vận động công nhân ký kết hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Trong các doanh nghiệp FDI có 90% số công nhân, lao động được ký kết hợp đồng lao động. Có được tỷ lệ cao như vậy một phần do sự vận động, hướng dẫn chu đáo của CĐ đối với công nhân, lao động. Một số doanh nghiệp chỉ ký kết hợp đồng có thời hạn, không ký hợp đồng không thời hạn, mặc dù có người đã được ký nhiều lần, mỗi lần 1-3 năm. Nếu chỉ tính số công nhân, lao động đủ điều kiện ký hợp đồng thì có 42% số công nhân, lao động được ký hợp đồng không thời hạn và 44% được ký hợp đồng lao động thời hạn từ 1-3 năm, vẫn có một bộ phận công nhân chỉ thỏa thuận bằng miệng. Trong các doanh nghiệp FDI, có 86,4% số công nhân, lao động được tham gia bảo hiểm xã hội; 90,8% số công nhân, lao động tham gia bảo hiểm y tế. Đây là tỷ lệ khá cao so với tỷ lệ chung trong các loại hình doanh nghiệp. Nhưng cũng có một số doanh nghiệp chỉ tham gia bảo hiểm xã hội cho cán bộ khung của doanh nghiệp gồm cán bộ quản lý, quản đốc phân xưởng... Ở các doanh nghiệp này vai trò của CĐ chưa được phát huy đầy đủ cho nên vẫn còn 13% lao động phổ thông chưa được tham gia bảo hiểm xã hội, 9% chưa được tham gia bảo hiểm y tế.

CĐ cơ sở tham gia công tác bảo hộ lao động trong các doanh nghiệp FDI.

Những doanh nghiệp có quy mô lớn, sản xuất ổn định, doanh nghiệp tham gia các chứng chỉ ISO, hoặc tham gia cam kết với khách hàng và quy định của các tập đoàn kinh tế lớn, thì việc chấp hành an toàn vệ sinh, bảo hộ lao động tương đối tốt. CĐ trong các doanh nghiệp này tích cực vận động công nhân chấp hành đúng quy định vệ sinh, an toàn lao động như đeo khẩu trang, găng tay, mũ bảo hiểm, đi giày, ủng... Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện tốt quy định này, nhiều vị trí công việc không được doanh nghiệp trang bị đúng, đủ ngay cả các phương tiện bảo hộ cần thiết nhất như găng tay, ủng, khẩu trang, mặt nạ phòng độc, v.v...  Có 65,2% số công nhân, lao động đã được doanh nghiệp trang bị đúng - đủ các phương tiện bảo hộ lao động cá nhân, 22,3% số công nhân, lao động không được trang bị đầy đủ và 7,6% số công nhân, lao động không được trang bị bất kỳ phương tiện bảo hộ lao động nào khi làm việc.

Nhiều doanh nghiệp đã phối hợp với CĐ phổ biến, huấn luyện quy trình - kỹ thuật an toàn lao động, vệ sinh – an toàn lao động cho công nhân, lao động. Tuy nhiên, cũng chỉ có khoảng 70% số công nhân, lao động trong doanh nghiệp FDI được tham gia, 20% không được tham gia, số còn lại thì không biết đã tham gia hay không.

Nhìn chung, các doanh nghiệp đều có các công trình vệ sinh, có khoảng 1/3 số doanh nghiệp có phòng thay quần áo và nhà tắm, 70% số doanh nghiệp có nhà ăn tập thể phục vụ bữa ăn giữa ca cho công nhân, lao động. ở các doanh nghiệp có CĐ, công tác bảo hộ lao động được quan tâm, thực hiện tốt hơn.

CĐ thương lượng, ký thỏa ước lao động tập thể.

Nếu tính riêng các doanh nghiệp FDI có CĐ cơ sở, thì mới chỉ có  khoảng 50% số doanh nghiệp có thỏa ước lao động tập thể, nhưng ở nhiều doanh nghiệp thỏa ước chỉ là hình thức; nội dung thỏa ước chỉ là sự sao chép các quy định của luật, rất ít điều khoản thoả ước mang lại quyền lợi cho công nhân, lao động cao hơn quy định của pháp luật. Trong xây dựng thỏa ước, việc lấy ý kiến công nhân chỉ là chiếu lệ, có tới 10,3% số công nhân, lao động không biết doanh nghiệp mình có thỏa ước hay chưa; có thỏa ước nhưng doanh nghiệp không thực hiện theo đúng các điều khoản đã ký kết. Điều này có liên quan đến trách nhiệm của CĐ cơ sở.

Trên thực tế nhiều khoản đã được thỏa thuận và thực hiện như tiền ăn, tiền xe, tiền nhà, tiền chuyên cần nhưng không có doanh nghiệp nào ghi vào thỏa ước lao động tập thể. Người sử dụng lao động hiểu rằng đó chính là thu nhập mà người lao động phải được hưởng để tái tạo sức lao động, song lại không muốn đưa vào lương để giảm đi 17% quỹ lương phát sinh mà doanh nghiệp phải nộp vào BHXH và BHYT. ở các doanh nghiệp này, cán bộ CĐ chưa làm hết trách nhiệm của mình đối với công nhân, lao động.

Hầu hết các CĐ cơ sở các doanh nghiệp FDI đều thu đoàn phí theo sự thoả thuận với đoàn viên, nên chỉ  đủ chi dùng thăm hỏi hiếu, hỷ cho đoàn viên CĐ mà ít có kinh phí cho các hoạt động khác của CĐ. Gần đây, tháng 10 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ mới có quyết định 133/2008/QĐ- TTg về việc trích nộp kinh phí CĐ đối với các doanh nghiệp FDI bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công phải trả cho người lao động Việt Nam làm việc trong doanh nghiệp FDI. Nhưng quyết định này đến 01-01- 2009 mới có hiệu lực. Có 60,8% số CĐ cơ sở đã làm tốt việc thăm hỏi đoàn viên; 48,3% thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân, lao động. Số CĐ cơ sở tham gia giải quyết tranh chấp lao động, xây dựng doanh nghiệp là 33,0%.

Vai trò CĐ trong quan hệ lao động ở doanh nghiệp FDI.

CĐ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định, đảm bảo lợi ích của người lao động, của doanh nghiệp và xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế CĐ cơ sở trong các doanh nghiệp FDI chưa làm tốt vai trò này. Theo khảo sát, khi làm việc ở doanh nghiệp có 16,6% số công nhân, lao động có tâm trạng thoải mái; 58% bình thường, 8% có thái độ lo lắng. Đặc biệt, 14% công nhân, lao động có bức xúc, trong đó có 11% cho rằng bị đối xử không tốt, 45% cho rằng lương thấp không đủ sống; 16% bức xúc vì phải tăng ca tăng giờ thường xuyên; 12% cho rằng do trả chế độ không đầy đủ. Đây thực sự là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn dẫn tới tranh chấp lao động trong các doanh nghiệp FDI. Chỉ có 26,3% doanh nghiệp FDI có quan hệ lao động tốt, 65% đạt mức độ bình thường, tỷ lệ  không tốt chiếm tới 5%.

Những doanh nghiệp FDI có cơ sở vật chất tốt, có sự đầu tư trang thiết bị nhà xưởng, điều kiện làm việc của công nhân đảm bảo thì dễ xây dựng được mối quan hệ lao động lành mạnh. Nhất là khi doanh nghiệp có CĐ cơ sở thì mối quan hệ chủ - thợ càng được hoàn thiện và gắn bó hơn, điều này chứng tỏ hoạt động của CĐ cơ sở có tác động tích cực đến xây dựng quan hệ lao dodọng hài hoà , tiến bộ trong doanh nghiệp. Một số chủ doanh nghiệp cũng đã khẳng định và thừa nhận vai trò của CĐ. Tuy nhiên, quan hệ lao động trong doanh nghiệp FDI vẫn còn nhiều bất cập, thể hiện rõ nét nhất là số vụ đình công trong loại hình doanh nghiệp này gia tăng trong những năm gần đây. Năm 2007 có 438 cuộc đình công trong các doanh nghiệp FDI, chiếm 79,5% tổng số cuộc đình công ở các loại hình doanh nghiệp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đình công, nhưng một trong những nguyên nhân đó là do sự yếu kém của cán bộ CĐ cơ sở, chưa nắm bắt, phản ánh nguyện vọng của công nhân, lao động và đề xuất cách giải quyết với người sử dụng lao động trước khi đình công xảy ra. Cán bộ CĐ cơ sở trong các doanh nghiệp FDI hầu hết là kiêm nhiệm, hưởng lương của doanh nghiệp, không có nhiều thời gian làm công tác CĐ, chưa được đào tạo bồi dưỡng nhiều về l?í luận nghiệp vụ CĐ, chưa có nhiều kinh nghiệm hoạt động CĐ, cũng như  ít được doanh nghiệp tạo điều kiện để hoạt động, nhiều khi cán bộ CĐ phải “cáo ốm để đi họp”. Mặt khác, chưa có sự đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động CĐ ở loại hình doanh nghiệp này.

Một số biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động CĐ trong doanh nghiệp FDI

 Để nâng cao hiệu quả hoạt động CĐ trong các doanh nghiệp FDI cần thực hiện đồng bộ các biện pháp sau đây: Trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về lao động và CĐ trong các doanh nghiệp FDI. Việc tuyên truyền về CĐ phải làm ngay từ khi thành lập doanh nghiệp và tuyển dụng công nhân, lao động, thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm, hoặc phòng nhân sự. Cán bộ CĐ phải nắm vững và có trong tay văn bản pháp luật, tài liệu cụ thể khi trao đổi với người sử dụng lao động về những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động. CĐ cơ sở cần làm cho người lao động hiểu rõ về nội quy doanh nghiệp, các quy định cơ bản về quyền lợi và nghĩa vụ mà Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm quy định.

Thứ hai, Cán bộ CĐ trong doanh nghiệp FDI cần làm tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình, chủ động thương lượng, hòa giải, đối thoại, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của chủ doanh nghiệp và người sử dụng lao động. CĐ cơ sở cần tổ chức tốt những công việc cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực, để đoàn viên, công nhân, lao động hiểu rõ về CĐ, tự giác tham gia CĐ và ủng hộ các hoạt động của CĐ. Việc bố trí cán bộ CĐ trong doanh nghiệp FDI nên theo cơ cấu của doanh nghiệp, các tổ trưởng sản xuất thường kiêm chức tổ trưởng CĐ (do CNLĐ bầu), Chủ tịch CĐ cơ sở thường là cán bộ nhân sự, văn phòng, quản đốc phân xưởng hay cán bộ y tế thì sẽ thuận lợi cho hoạt động CĐ hơn.

Thứ ba, CĐ cơ sở cần đề xuất với doanh nghiệp đổi mới quy định về xây dựng thang bảng lương, để công nhân, lao động ở doanh nghiệp FDI được nâng lương cơ bản theo định kỳ, do đó công nhân không thiệt thòi lúc về hưu và để tạo chất “keo” gắn bó người lao động với doanh nghiệp, đoàn viên với CĐ. Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả xây dựng và ký kết thỏa ước lao động trong các doanh nghiệp, CĐ các cấp cần xúc tiến xây dựng thỏa ước lao động tập thể cấp ngành, khu vực, tạo khung pháp lý cho CĐ cơ sở tham gia xây dựng, ký? kết thoả ước lao động tập thể ở doanh nghiệp.

Thứ tư, CĐ các cấp cần phối hợp với Đài truyền hình Trung ương và các Đài truyền hình địa phương đưa giáo dục pháp luật lao động liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động lồng ghép vào các chương trình vui chơi giải trí, vì có hơn 70% số công nhân, lao động xem chương trình giải trí trên truyền hình sau giờ làm việc;  nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Điều lệ CĐ theo hướng chú trọng một số nhiệm vụ chính của CĐ cơ sở các doanh nghiệp FDI, tăng cường vai trò CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở.

Thứ năm, Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động và đình công, khắc phục tình trạng quy định về thủ tục đình công rườm rà, CĐ khó có thể tổ chức cuộc đình công hợp pháp; Tất cả các chế độ chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động đều phải đưa vào luật hoặc văn bản dưới luật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho CĐ cơ sở thương lượng có hiệu quả; Bộ giáo dục đào tạo cần đưa việc học tập Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm, Luật CĐ vào chương trình đào tạo cho tất cả sinh viên, nhất là học sinh học nghề, vì khi ra trường họ đều trở thành đối tượng gia nhập CĐ, một bộ phận trong số đó sẽ lao động trong các doanh nghiệp FDI.