banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Phỏng vấn Thứ trưởng Bộ LĐTBXH về vấn đề đình công trong sửa BLLĐ 2012
Cập nhật lúc 08:20 ngày 13/09/2016

Cả nước từ trước tới nay có 6.000 cuộc đình công nhưng không có một cuộc đình công nào được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định. Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, điều này là do quy định trong luật và thực tiễn cuộc sống còn có một khoảng cách rất lớn.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Phạm Minh Huân, trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động 2012 sắp tới, Bộ sẽ tính tới việc cắt giảm thời gian, thủ tục để thực hiện một cuộc đình công hợp pháp, bảo vệ lợi ích của người lao động, doanh nghiệp cũng như môi trường đầu tư.


Theo thống kê, từ trước tới nay có 6.000 cuộc đình công nhưng không có cuộc đình công nào theo đúng trình tự pháp luật. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?

- Ông Phạm Minh Huân: Hiện nay Bộ luật Lao động có 17 chương. Qua rà soát toàn bộ thấy có 14 chương có vấn đề và chúng tôi nhóm lại thành 2 nhóm: tiêu chuẩn lao động (khoảng 6 vấn đề) và quan hệ lao động (khoảng 5 vấn đề). Trong đó, về quan hệ lao động có 4 vấn đề nổi bật là: đại diện người lao động trong doanh nghiệp; đối thoại thương lượng ký kết thỏa thuận tập thể; giải quyết tranh chấp; vai trò quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ quá trình quan hệ lao động.

Trong vấn đề quan hệ lao động, chương 14 về giải quyết tranh chấp lao động là chương mà Quốc hội và các chuyên gia đưa ra trao đổi, tranh luận rất nhiều trước khi đưa vào luật. Nhưng rất tiếc, cho tới nay có 6.000 cuộc đình công trên cả nước nhưng không có cuộc đình công nào thực hiện đúng theo quy định.

Chúng ta tôn trọng quyền đình công của người lao động nhưng trong Bộ luật Lao động hiện nay, quan điểm của cơ quan quản lý là phải cố gắng hòa giải, giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, trọng tài, đến tòa án. Nếu không được mới tổ chức đình công.

Đình công là vũ khí cuối cùng của người lao động vì khi xảy ra đình công, người lao đông, doanh nghiệp, môi trường đầu tư đều bị thiệt. Nhưng thực tế, người lao động lại coi đình công là vũ khí đầu tiên, họ không thương lượng, không đối thoại và khi xảy ra tranh chấp là đình công.

Ở các nước phát triển, họ cố gắng giải quyết tranh chấp lao động thông qua quá trình hòa giải, thương lượng và biện pháp cuối cùng mới đình công. Tuy nhiên, đây là những nước có nền kinh tế thị trường phát triển đã lâu và họ đã hình thành quan hệ lao động từ cách đây hàng trăm năm; còn ở Việt Nam, quan hệ lao động mới đang hình thành bước đầu nên, vì thế chúng tôi đang nghiên cứu điều chỉnh luật sao cho phù hợp với thực tiễn.

Thông thường, để thực hiện một cuộc đình công hợp pháp phải mất khoảng 20 ngày để chuẩn bị và làm nhiều thủ tục nên khi người lao động đã quá bức xúc, họ không thể chờ đợi quá lâu như vậy. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Ông Phạm Minh Huân:  Theo quy định tại chương 14 về quan hệ lao động, thủ tục để tiến tới một cuộc đình công hợp pháp là phải qua hòa giải, không được thì đưa ra trọng tài hòa giải, nếu không được nữa thì tùy từng trường hợp sẽ đưa ra tòa án hoặc tổ chức đình công. Đây là quy trình rất dài.

Các chuyên gia đang hiến kế là có thể có bước hòa giải, có bước trọng tài nhưng nếu qua trọng tài mà không hòa giải được thì có thể tổ chức đình công ngay mà không cần đưa ra tòa án và theo trình tự như trước. Song vẫn còn hai luồng ý kiến, nếu để đình công dễ dàng như vậy thì số lượng các cuộc đình công sẽ tăng lên gây ảnh hưởng tới sản xuất của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của Việt Nam.

 Vậy quan điểm của Bộ LĐTBXH trong vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Ông Phạm Minh Huân: Quan điểm của Bộ LĐTBXH là cần hình thành cơ chế đại diện, phải lựa chọn được tổ chức công đoàn ở doanh nghiệp mạnh hơn. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước phải hỗ trợ giải quyết vướng mắc thông qua đối thoại thương lượng thường xuyên. Đình công vẫn chỉ là vũ khí cuối cùng khi hai bên không còn ngồi lại được với nhau. Nếu tạo thuận lợi cho lao động đình công thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến doanh nghiệp do các đơn hàng bị ảnh hưởng, chi phí tăng lên, người lao động mất việc làm, không có thu nhập.

Doanh nghiệp nghĩ sao về việc này, thưa ông?

- Ông Phạm Minh Huân: Đa số các doanh nghiệp không muốn rút ngắn quá trình đình công. Thực tế, nhà đầu tư khi xảy ra đình công, họ lập tức gọi công an để bảo vệ tài sản, tính mạng và kêu gọi chính quyền vào giải quyết.

Các địa phương khi đó thành lập tổ công tác tới hỗ trợ, dùng áp lực của cơ quan hành chính để hỗ trợ quá trình thương lượng. Do đó, cả doanh nghiệp và người lao động đều không thích đàm phán mà thích dùng biện pháp hành chính của cơ quan nhà nước để can thiệp.

Thực tế, đây là quá trình chuyển đổi nhận thức của cả hai bên doanh nghiệp và người lao động, và phải được thực hiện dần dần.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Thời báo SG