banner2019
 
Thứ hai, ngày 20 tháng 01 năm 2025
Thứ hai, ngày 20 tháng 01 năm 2025
Khuyến khích đối thoại
Cập nhật lúc 08:44 ngày 06/09/2016

Cần sửa đổi, bổ sung BLLĐ theo hướng tăng cường cơ chế đối thoại, thương lượng, giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước vào quan hệ lao động.

Tại hội thảo tổng kết thực tiễn 3 năm thi hành Bộ Luật Lao động (BLLĐ) năm 2012 tổ chức ở Hà Nội mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết từ năm 2010 đến nay, cả nước có 3.146 cuộc đình công, tập trung ở 40 tỉnh, TP; riêng năm 2015 là 368 vụ.


Các cuộc đình công này có đặc điểm chung là không đúng quy trình, không do Công đoàn (CĐ) tổ chức, lãnh đạo; đều được tổ liên ngành giải quyết và các yêu sách của tập thể lao động được đáp ứng một phần hoặc toàn bộ.

Bức tranh về tình hình quan hệ lao động nêu trên cho thấy một số chế định của BLLĐ 2012 thực thi chưa hiệu quả hoặc hiệu quả chưa cao, cụ thể là các quy định về giải quyết tranh chấp lao động và đình công. Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam dẫn chứng từ năm 2013 đến tháng 6-2016, cả nước xảy ra hơn 1.000 cuộc đình công nhưng tất cả đều diễn ra không tuân thủ quy định của BLLĐ 2012.

Theo quy định, một cuộc đình công hợp pháp phải hội đủ 5 yếu tố nhưng thực tế, gần như các bên liên quan ít tuân thủ, cả người sử dụng lao động (NSDLĐ) lẫn người lao động (NLĐ). Phân tích nguyên nhân, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quan hệ lao động cho rằng ngoài nhận thức hạn chế của NLĐ còn phải kể đến trách nhiệm của NSDLĐ khi không tuân thủ pháp luật, gây bức xúc cho NLĐ. Trước khi đình công xảy ra, thông qua CĐ cơ sở, tập thể lao động đã gửi kiến nghị đến NSDLĐ song nguyện vọng của họ ít khi nhận được sự phản hồi tích cực từ doanh nghiệp (DN). Khi tâm lý bị dồn nén, NLĐ sẵn sàng ngừng việc tự phát và điều này đã vô tình triệt tiêu quyền lãnh đạo đình công của CĐ cơ sở. Tranh chấp xảy ra buộc các tổ liên ngành phải vào cuộc và đến lúc này, chủ DN mới đồng ý giải quyết kiến nghị của NLĐ. Thực tế này cho thấy nhận thức về quan hệ lao động, tranh chấp lao động, đình công còn khác biệt.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong quan hệ lao động, NLĐ bao giờ cũng yếu thế. Do vậy, pháp luật lao động cần được tiếp tục sửa đổi theo hướng nâng cao mức xử phạt đối với hành vi vi phạm của DN để răn đe.

“Cần sửa đổi, bổ sung BLLĐ theo hướng tăng cường cơ chế đối thoại, thương lượng, giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước vào quan hệ lao động. Đặc biệt, sửa đổi, bổ sung nhưng không làm suy giảm quyền lợi của NLĐ so với BLLĐ hiện hành” - ông Quảng đề xuất.

Nguồn Báo Người lao động