banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Bộ luật Lao động năm 2012: Không làm giảm quyền lợi người lao động
Cập nhật lúc 10:01 ngày 01/09/2016

Ngày 30.8, tại Đà Nẵng, Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã tổ chức hội thảo tổng kết thực tiễn 3 năm thi hành Bộ luật Lao động năm 2012, làm cơ sở chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung bộ luật này trong thời gian tới. Đại diện Tổng LĐLĐVN tham gia hội thảo. Các ý kiến tại hội thảo cho thấy, bên cạnh những điều đạt được thì các quan hệ phát sinh thực tiễn và một số luật ban hành gần đây làm ảnh hưởng kết cấu, nội dung BLLĐ từ đó cần sửa đổi các quy định về hợp đồng lao động, tiền lương, xử lý kỷ luật lao động, tranh chấp lao động…

Bộ luật được người lao động đồng thuận

Ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - cho rằng, việc triển khai thực hiện BLLĐ 2012 đã được chuẩn bị tương đối chu đáo từ trung ương tới địa phương và cơ bản được sự đồng thuận của NLĐ và người sử dụng LĐ.

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng pháp luật lao động, bên cạnh những điều đạt được, thì các quan hệ phát sinh từ thực tiễn và một số luật ban hành gần đây làm ảnh hưởng tới kết cấu và nội dung của BLLĐ. Từ đó cần khắc phục các vướng mắc xuất phát từ các quy định của luật về hợp đồng LĐ, tiền lương, xử lý kỷ luật LĐ, thời gian làm việc...

Tại hội thảo, những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, cần bổ sung sửa đổi trong BLLĐ là việc liên quan đến tranh chấp lao động, đình công sẽ tạo ra thách thức trong việc thực thi pháp luật LĐ. Về vấn đề này, ông Đặng Đức San - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) - cho biết, hiện trong BLLĐ năm 2012 có 4 cơ chế tranh chấp lao động là giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp Lao động tập thể về quyền, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và giải quyết tranh chấp lao động tập thể tại các doanh nghiệp không được đình công .

“Tuy nhiên, các quy trình này đã và đang gặp các thách thức nhất định. Cụ thể, ngoại trừ cơ chế giải quyết tranh chấp lao động cá nhân thì 3 cơ chế giải quyết về tranh chấp lao động tập thể không được vận hành trong thực tiễn. Và trong hơn 20 năm qua, tình trạng có luật nhưng không thực hiện theo luật (trong đình công và giải quyết đình công). Điều này có thể nói là một hiện tượng rất đặc biệt trong việc thực thi pháp luật lao động” - ông San nhận định.

Giảm thiểu tranh chấp lao động xảy ra

Theo báo cáo của các đại biểu tại hội thảo, từ năm 2010 đến nay có 3.146 cuộc đình công, tập trung ở 40 tỉnh, TP, riêng trong năm 2015 là 368 vụ. Các cuộc đình công này đều có đặc điểm chung là không đúng quy trình đình công, không do CĐ tổ chức, lãnh đạo, đều được tổ liên ngành giải quyết và các yêu sách của tập thể lao động nếu được đáp ứng một phần hoặc toàn bộ. Theo ông San, nguyên nhân của các cuộc đình công này có thể là do nhận thức về quan hệ lao động, tranh chấp lao động, đình công còn khác biệt. Từ việc CN nhận thức đến quá trình thi hành pháp luật không nghiêm. Từ đó, các đại biểu tham dự hội thảo kiến nghị Bộ LĐTBXH cần nâng cao nhận thức về việc thực thi pháp luật lao động. Bên cạnh đó bộ nên sớm hoàn thiện thể chế pháp luật lao động, quan hệ lao động, tranh chấp lao động…, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến luật và tăng cường công tác thanh tra, xử phạt vi phạm.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) đánh giá, BLLĐ 2012 đã có nhiều quy định bảo vệ NLĐ - đối tượng “yếu thế” trong quan hệ LĐ, đồng thời cũng có nhiều nội dung bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng LĐ... Tuy nhiên, theo ông Quảng, vẫn còn một số chế định của BLLĐ 2012 thực thi chưa có hiệu quả hoặc hiệu quả chưa cao. Cụ thể như các quy định về giải quyết tranh chấp lao động và đình công. Ông Quảng dẫn chứng từ năm 2013 - 6.2016, cả nước xảy ra hơn 1.000 cuộc đình công, nhưng tất cả đều diễn ra không tuân thủ theo như các quy định của BLLĐ 2012.

Đại diện của Tổng LĐLĐVN đề xuất, sửa đổi bổ sung BLLĐ cần tăng cường cơ chế đối thoại, thương lượng, giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước vào quan hệ LĐ, đặc biệt, luật sửa đổi, bổ sung song không làm suy giảm quyền lợi của NLĐ so với BLLĐ hiện hành…

Hữu Long