banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Công đoàn có thêm cơ sở pháp lý để bảo vệ người lao động
Cập nhật lúc 09:14 ngày 09/08/2016

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (được Quốc hội thông qua vào tháng 11.2015 và có hiệu lực từ ngày 1.7.2016), quy định tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện và tham gia tố tụng những vụ án lao động. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả công việc ý nghĩa này, bên cạnh các thủ tục tố tụng cần được đơn giản, cán bộ công đoàn phải có bản lĩnh và thực sự am hiểu luật.


Công đoàn khởi kiện

Tổng LĐLĐ VN đã nhiều lần đề nghị xây dựng riêng Bộ luật Tố tụng lao động (TTLĐ), nhưng đến giờ vẫn chưa xây dựng được. Hiện những nội dung có liên quan đến TTLĐ (khoảng 100 điều khoản) nằm rải rác trong các chương của Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Theo đó, CĐ cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp được quyền khởi kiện các vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể NLĐ; có quyền khởi kiện vụ án lao động khi được người lao động (NLĐ) ủy quyền. CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở cũng có quyền khởi kiện vụ án lao động để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tập thể NLĐ, được NLĐ ủy quyền trong trường hợp CĐ cơ sở không khởi kiện. Ngoài ra, CĐ cấp trên cơ sở cũng có quyền ủy quyền cho LĐLĐ tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, CĐ ngành Trung ương, CĐ tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam khởi kiện vụ án tranh chấp quyền CĐ về kinh phí CĐ, BHXH.

Để tạo thuận lợi cho các cấp CĐ khởi kiện, tham gia tố tụng những vụ án lao động, trên cơ sở Bộ Luật tố tụng dân sự 2015, Tổng LĐLĐ đã xây dựng dự thảo quy trình CĐ khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp LĐ cá nhân và tranh chấp LĐ tập thể. Quy trình này sắp xếp theo logic một vụ án LĐ theo tuần tự từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Trước khi ban hành quy trình này chính thức, Tổng LĐLĐVN đang lấy ý kiến đóng góp của cán bộ công đoàn, người lao động và một số cơ quan, ban, ngành liên quan.Tuy nhiên việc các nội dung liên quan đến TTLD nằm rải rác mà không vào một chương khiến cán bộ CĐ và người lao động đều khó tiếp cận. “ Bộ luật Tố tụng dân sự có nhiều điều, nhiều chương. Để NLĐ và cán bộ CĐ tìm ra những điều liên quan đến mình là hết sức khó khăn. Các vị thẩm phán mà cầm đến còn gặp khó khăn chứ chưa nói gì đến NLĐ và cán bộ CĐ. Hơn nữa thủ tục ủy quyền trong các vụ tranh chấp lao động tập thể cũng phức tạp, cần đơn giản hơn”, một cán bộ công đoàn huyện chia sẻ. 

Tổng LĐLĐVN cũng đã cung cấp các mẫu hồ sơ CĐ khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp LĐ cá nhân và tranh chấp LĐ tập thể, như: Giấy ủy quyền tham gia tố tụng; Đơn khởi kiện; Đơn đề nghị về việc nhập, tách vụ án, áp dụng tiền lệ án; Giấy giới thiệu; Đơn khiếu nại… để các cấp CĐ áp dụng khi tham gia tố tụng trong các vụ án LĐ.

Cán bộ công đoàn phải am hiểu luật

Các tranh chấp lao động CĐ có quyền khởi kiện tại tòa án gồm tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền, tranh chấp liên quan đến lao động. Trong đó có các nội dung tranh chấp về hợp đồng lao động, tiền lương, kỷ luật lao động, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; quyền CĐ, kinh phí CĐ; an toàn lao động, vệ sinh lao động… Theo ông Lê Trọng Sang, Ủy viên Đoàn chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động  Tổng LĐLĐ Việt Nam, CĐ khởi kiện, tham gia tố tụng LĐ là thực hiện chức năng của CĐ đã được hiến định; nếu CĐ làm tốt, sẽ tạo sự yên tâm, tin tưởng hơn của NLĐ - những người yếu thế - đối với tổ chức CĐ.

Tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện, tuy nhiên quá trình thực hiện cũng sẽ rất khó khăn. Đơn cử muốn khởi kiện DN trốn, nợ BHXH  đối với NLĐ phải có bằng chứng, số liệu cụ thể, mà cái này thì công đoàn không có mà phải là cơ quan BHXH. Chính vì vậy bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế BHXH Việt Nam cho rằng tổ chức CĐ phải ký quy chế phối hợp với TAND ở các địa phương thì việc khởi kiện mới dễ dàng. Ngoài ra muốn tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi NLĐ thì cán bộ công đoàn cần phải có kỹ năng của luật sư và am hiểu luật. 

Theo ông Lê Trọng Sang hiện nay, pháp luật đã trang bị hành lang pháp lýkhá đầy đủ để tổ chức CĐ thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình. Điều quan trọng nhất hiện nay là CĐ phải có được nguồn cán bộ có chất lượng, nắm rõ những quy định về pháp luật lao động, pháp luật tố tụng liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ để bảo vệ NLĐ một cách thiết thực nhất khi có tranh chấp xảy ra. Để làm được việc này, cán bộ công đoàn cần phải rèn luyện kỹ năng bản thân, phải có bản lĩnh, dám đối mặt với chủ DN để bảo vệ NLĐ. Cùng với đó tới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ đào tạo cán bộ CĐ, trong đó có việc phối hợp với Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp) để đào tạo đội ngũ luật sư phục vụ nhiệm vụ này. Trước mắt những cán bộ CĐ có kỹ năng sẽ được đưa đi đào tạo để tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi NLĐ. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có hiệu lực, đồng nghĩa với tổ chức công đoàn có thêm cơ sở pháp lý và chắc chắn quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ sẽ được đảm bảo tốt hơn.