banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Công ty CP Gang thép Thái Nguyên: Người lao động không ngã lòng trước gian khó
Cập nhật lúc 09:42 ngày 03/08/2016

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên vẫn ổn định và làm ăn có lãi.

"Không ngã lòng" là điều mà gần như toàn bộ người lao động ở Công ty cổ phần (CP) Gang thép Thái Nguyên xác định và động viên nhau nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Việc Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II của Công ty gặp trắc trở và có nguy cơ phá sản đã tạo dư luận trái chiều, khiến nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, với ý chí “như thép, như gang” đã được kiểm chứng qua không ít lần biến cố, những người làm nên thương hiệu thép TISCO vẫn luôn giữ vững bản lĩnh của mình...


Ổn định sản xuất, việc làm là ưu tiên số 1

Sau quyết định cứng rắn của Chính phủ đối với tương lai Dự án cải tạo sản xuất giai đoạn II, tư tưởng, tâm lý của phần đông người lao động trong Công ty CP Gang thép Thái Nguyên bị dao động. "Không hoang mang, dao động sao được khi ngày ngày người lao động trong đơn vị bị rót vào tai biết bao thông tin bất lợi về tương lai của doanh nghiệp và của chính họ" - ông Vũ Thượng Thư, Chủ tịch Công đoàn Công ty trăn trở. Cũng theo ông Thư, đã có nhiều người đăng đàn nói về Công ty với những lời nhận xét chưa thật sự đúng với bản chất vấn đề. Có thể do họ chưa tìm hiểu kỹ hoặc chưa có đầy đủ thông tin. Trong đó, có cả ý kiến hiểu sai quan điểm chỉ đạo của Chính phủ đối với Dự án giai đoạn II của Công ty. Ông Thư cho biết thêm: Gang thép Thái Nguyên là công ty CP có vốn Nhà nước chi phối, thực hiện theo Luật Doanh nghiệp nên nếu ở tình huống xấu nhất thì có chăng Nhà nước sẽ thoái vốn và mời gọi các cổ đông khác tham gia chứ không có chuyện bán Công ty. Chính vì những luồng thông tin trái chiều đã có lúc khiến phần đông người lao động trong đơn vị rơi vào tâm lý bất an, không hiểu rồi tương lai của mình sẽ ra sao và do ai định đoạt. Tuy nhiên, đến nay mọi người đã lấy lại tinh thần bởi thực tế tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty đang rất ổn định và có xu hướng tăng trưởng hơn trước…

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên khẳng định: Dù khó khăn thế nào thì Công ty cũng sẽ gồng mình vượt qua. Tương lai của hơn 5.000 lao động vừa là động lực vừa là yếu tố sống còn đối với Công ty.

Ở thời điểm này, nhiều người nghĩ rằng đời sống của đội ngũ công nhân lao động trong Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đang rơi vào tình cảnh bi đát, lương tháng thâm hụt, tinh thần bất an, các chế độ đãi ngộ bị cắt giảm... Tuy nhiên, khi tiếp xúc trực tiếp với người lao động và chứng kiến không khí lao động ở từng phân xưởng, nhà máy, khai trường mới thấy rằng, mọi chuyện không hẳn như nhiều người phỏng đoán. Gắn bó với Nhà máy cán thép Lưu Xá đã hơn 10 năm, trải qua nhiều vị trí từ đứng lò, kéo cán đến nhân viên kiểm tra chất lượng sản phẩm (KCS), điều độ rồi giữ kho, anh Trần Văn Tới chưa bao giờ thấy điều kiện sản xuất và sinh hoạt của mình lại được quan tâm như hiện nay. Anh chia sẻ: Từ chỗ gửi xe, nhà ăn ca, phòng chờ giao ca đến chỗ tắm giặt, xông hơi, khâu vá... của công nhân chúng tôi đều được Nhà máy quan tâm đầu tư khang trang, hiện đại. Môi trường trong khuôn viên Nhà máy không khác gì ngoài công viên, sạch sẽ, thoáng mát vô cùng". Cũng theo anh Tới thì mức thu nhập trung bình mà người lao động trong đơn vị anh được hưởng 6 tháng đầu năm nay là 6,3 triệu đồng. Bản thân anh làm ở bộ phận giữ kho, đỡ vất vả hơn nên có mức lương trên 4 triệu đồng/tháng (chưa kể tiền thưởng).

Được biết, quỹ lương của cả Công ty 6 tháng đầu năm nay tăng hơn thời điểm trước do có sự gia tăng sản xuất và tiêu thụ. Việc Chính phủ áp thuế tự vệ đối với thép nhập khẩu cộng với những nỗ lực khai thác thị trường, chưa bao giờ nhiều dây chuyền sản xuất của Công ty lại chạy mãn tải (hết công suất) như mấy tháng đầu năm. Kết quả 6 tháng qua, lương trung bình người lao động trong Công ty đạt 6,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 400 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Chủ tịch Công đoàn Công ty quả quyết: "Công ty sẽ không để bất cứ công nhân nào phải hưởng mức lương dưới tối thiểu vùng, tức là dưới 3,1 triệu đồng, với điều kiện là đi làm đủ ngày công". Điều đáng nói, trước đây nhiều bộ phận phải trả lương tháng làm hai đợt (đợt 1 tạm ứng lương tháng này, đợt hai quyết toán lương tháng trước), nhưng nay đã cơ bản hướng đến việc trả lương một lần qua thẻ vào khoảng thời gian từ ngày 8 đến 10 trong tháng. Đã từ lâu, Công ty không để chậm lương hoặc nợ lương người lao động. Ở các đơn vị khó khăn nhất như Mỏ sắt Ngườm Cháng (Cao Bằng), Mỏ sắt và cán thép (Tuyên Quang), Mỏ Quắc Zít (Phú Thọ), Mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên) cũng không để công nhân mất việc làm hoặc bị thiếu nợ lương.

Gần đây, Công đoàn Công ty đã phối hợp với các đơn vị tổ chức khánh thành 6 phòng chờ công nhân tại các đơn vị thành viên. Đây là nơi công nhân nghỉ ngơi giữa các công đoạn sản xuất, giúp người lao động có thể bổ sung sức khỏe trong ca làm việc. Theo Công đoàn Công ty, từ nay đến cuối năm sẽ có 8 phòng chờ công nhân nữa được các đơn vị xây dựng đưa vào sử dụng. Hiện Công ty đang triển khai phong trào xây dựng mô hình "10 nhà" theo phong cách hiện đại, thuận tiện nhất cho người lao động gồm: Nhà ăn ca tự chọn; nhà để xe tập trung; nhà giao ca, phòng chờ tập trung; nhà tắm giặt, xông hơi, khâu vá; nhà vệ sinh; nhà máy công viên; nhà đa năng; nhà truyền thống; nhà trạm y tế; nhà ở công nhân. Nhiều mô hình đã được xây dựng thành công và đang vận hành rất hiệu quả, bảo đảm nâng cao đời sống, môi trường làm việc cho người lao động...

Cần cái nhìn khách quan, công tâm

Công bằng mà nói, việc quyết định đầu tư thực hiện Dự án cải tạo sản xuất giai đoạn II - Gang thép Thái Nguyên ở thời điểm cách nay gần một thập kỷ là chủ trương đúng đắn và có chiến lược. Song, cái sai ở đây chính là công tác quản lý, điều hành Dự án. Hãy khoan bắt lỗi hoặc chỉ ra những sai sót của tập thể, cá nhân nào vì đây là dự án nhóm A, do Chính phủ phê duyệt, sự việc sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ. Hơn nữa, khâu quản lý kém liên quan đến mấy thế hệ lãnh đạo của Công ty, còn hiện tại những người mới lên nắm quyền đang lo lắng tìm phương án giải quyết hậu quả. Việc Dự án hàng nghìn tỷ nằm phơi mưa nắng tuy có ảnh hưởng không nhỏ đến Công ty do hiện tại mỗi tháng đơn vị phải trả lãi ngân hàng 30 tỷ đồng cho dự án này và hứng chịu mũi dùi dư luận nhiều tháng qua. Tuy nhiên không vì thế mà đánh đồng sự ì trệ của Dự án cải tạo sản xuất giai đoạn II với kết quả sản xuất, kinh doanh hiện thời đang ổn định và có bước tăng trưởng khá của Công ty.

Nói vậy bởi thực tế cho thấy đã có không ít nguồn tin cho rằng thép TISCO lâu nay không có tên tuổi gì trong ngành thép xây dựng của nước ta, rồi đây là sản phẩm kém chất lượng, không được lựa chọn cho các công trình lớn, cả Công ty thì đang làm ăn thua lỗ triền miên, nợ thuế, nợ bảo hiểm... Nhưng thực chất, từ nhiều năm nay thép TISCO luôn là đối thủ cạnh tranh đáng gờm trên thị trường, trong đó thép Hòa Phát được coi là mạnh nhất hiện nay cũng phải nhường thị phần đáng kể cho TISCO. Lâu nay, Bộ Công Thương rồi Hiệp hội thép Việt Nam vẫn luôn coi thép TISCO là một trong những sản phẩm giữ vai trò bình ổn thị trường thép khu vực miền Bắc. Hiện tại, Công ty không những duy trì được nhịp độ sản xuất ổn định mà còn làm ăn có lãi. Bằng chứng là năm 2015, Công ty lãi 84 tỷ đồng (số liệu được công bố sau kiểm toán), 6 tháng đầu năm nay theo báo cáo tài chính, sản xuất, kinh doanh của đơn vị đang có lãi 150 tỷ đồng, phấn đấu cả năm 2016 sẽ lãi 250 tỷ đồng.

Việc mở rộng đầu tư giai đoạn II đổ bể chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của chính doanh nghiệp, nhưng khi xét một vấn đề cụ thể cần phải tách rõ những phần được và chưa được, cái được phải ghi nhận, cái chưa được phải kiểm điểm, khắc phục. Như thế mới thật sự công tâm, khách quan. Bởi dù sao, sản xuất vẫn phải duy trì và tương lai của hơn nửa vạn lao động không thể xem nhẹ. Được biết, hiện nay dù vẫn chưa có phương án giải quyết hợp lý nào đối với Dự án cải tạo sản xuất giai đoạn II, nhưng theo nguồn tin từ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, đã có 2 nhà đầu tư nước ngoài (Trung Quốc và Nhật Bản) và một số doanh nghiệp trong nước đặt vấn đề muốn tham gia làm cổ đông chiến lược để cùng tháo gỡ khó khăn cho Dự án. Tuy nhiên, việc quyết định không hề đơn giản. Sinh mệnh Dự án còn phụ thuộc vào sự thống nhất, thỏa thuận có tính toán thiệt hơn của các bên liên quan.

Ngọc Sơn